Thế giới

Vaccine Pfizer có hiệu quả ngăn ngừa bệnh nặng trong ít nhất 6 tháng

ClockThứ Ba, 05/10/2021 10:56
TTH.VN - Một nghiên cứu trên các bệnh nhân ở Mỹ cho thấy việc tiêm 2 mũi vaccine Pfizer vẫn có hiệu quả cao trong ngăn ngừa tình trạng bệnh nghiêm trọng do COVID-19 trong ít nhất 6 tháng, bao gồm cả với biến thể Delta.

Pfizer thử nghiệm thuốc uống ngăn nguy cơ mắc COVID-19 sau khi phơi nhiễmMỹ chính thức cấp phép đầy đủ cho vắc xin PfizerMỹ vận chuyển lô đầu tiên trong số 500 triệu liều vaccine Pfizer tài trợ toàn cầuCDC Mỹ chính thức khuyến nghị phụ nữ mang thai nên tiêm vaccine ngừa COVID-19WHO: Lợi ích của vắc xin COVID-19 công nghệ mRNA lớn hơn nguy cơPfizer xin cấp phép tiêm thêm liều vắc xin thứ 3 ngừa COVID-19

Vaccine Pfizer có hiệu quả ngăn ngừa bệnh nghiêm trọng do COVID-19 trong ít nhất 6 tháng. Ảnh: Reuters/Laodong

Mặc dù hiệu quả của loại vaccine mRNA này trong việc ngăn ngừa sự lây nhiễm giảm dần từ mức cao nhất 88% một tháng sau khi tiêm đủ 2 liều xuống còn 47% sáu tháng sau đó, nhưng khả năng bảo vệ chống lại các trường hợp nhập viện liên quan đến COVID-19 vẫn rất cao với hiệu quả đến 90% đối với tất cả các biến thể của virus SARS-CoV-2 được quan tâm hiện nay trong ít nhất sáu tháng, nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí y khoa The Lancet nêu rõ.

Trong khi dữ liệu trước đây từ các thử nghiệm lâm sàng cho thấy vaccine Pfizer có hiệu quả phòng ngừa việc nhập viện, nghiên cứu được công bố trên Lancet đo lường hiệu quả của một loại vaccine theo thời gian trong bối cảnh thực tế.

Các phát hiện được công bố vào tối qua dựa trên hơn 3,4 triệu hồ sơ sức khỏe điện tử từ hệ thống y tế Kaiser Permanente Nam California (Mỹ) từ giữa tháng 12/2020 đến tháng 8/2021, trong đó khoảng 1/3 đã được tiêm chủng đầy đủ. Trong thời gian nghiên cứu, tỷ lệ các trường hợp dương tính do nhiễm biến thể Delta tăng từ 0,6 % trong tháng 4 lên gần 87% vào tháng 7.

Nghiên cứu lưu ý rằng kết quả này phù hợp với dữ liệu sơ bộ của các cơ quan y tế Mỹ và Israel.

“Phát hiện của chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc theo dõi hiệu quả của vaccine theo thời gian và cho thấy rằng có thể cần phải sử dụng các liều tăng cường để khôi phục mức độ bảo vệ cao như ban đầu”, các tác giả nghiên cứu khẳng định.

Dữ liệu này được đưa ra chưa đầy 2 tuần sau khi các cơ quan quản lý y tế Mỹ chấp thuận phân phối các mũi tiêm tăng cường của vaccine Pfizer-BioNTech cho một loạt người dân Mỹ, bao gồm cả người già và những người trưởng thành khác được coi là có nguy cơ mắc bệnh cao. Vào thời điểm này, chỉ một số lượng hạn chế những người đã tiêm vaccine Pfizer mới đủ điều kiện tiêm mũi nhắc lại. Cuối tháng trước, Tổng thống Joe Biden cho biết chính sách mới sẽ cung cấp liều Pfizer thứ ba cho khoảng 60 triệu người.

Một ủy ban cố vấn quan trọng của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) dự kiến ​​sẽ tổ chức một cuộc họp vào tuần tới để thảo luận xem các cơ quan quản lý y tế có nên khuyến nghị tiêm nhắc lại cho những người đã tiêm vaccine Moderna hoặc Johnson & Johnson hay không.

Được biết ở Pháp, việc tiêm liều vaccine tăng cường đã được tiến hành đối với người cao tuổi. Trong khi đó, Israel tuyên bố sẽ tiêm mũi vaccine thứ 3 cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên sau khi tiêm mũi thứ hai được 5 tháng.

Thực tế, việc tiêm nhắc lại đã là một chủ đề gây tranh cãi đối với các nhà khoa học, nhất là khi nhiều người dân ở Mỹ và các nơi khác trên thế giới vẫn chưa được tiêm mũi vaccine đầu tiên.

Hồi tháng 9, một báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy các loại vaccine hiện tại đủ hiệu quả để chống bệnh trở nặng vì COVID-19, khiến việc tiêm mũi tăng cường trở nên không cần thiết đối với dân số nói chung.

Tháng trước, WHO cũng kêu gọi tạm hoãn tiêm nhắc mũi vaccine thứ 3 cho đến cuối năm để giải quyết sự bất bình đẳng nghiêm trọng trong việc phân bổ liều lượng vaccine giữa các nước giàu và nghèo.

BẢO NGHI (Lược dịch từ CNBC & Reuters)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ngày càng nhiều người trẻ bị đột quỵ

Những người bị đột quỵ nhập viện đang ngày càng trẻ hóa, trong đó có những trường hợp mới 20-30 tuổi. Do vậy, khi có những dấu hiệu, dù chỉ là thoáng qua, người bệnh cần được đưa đến cơ sở y tế trong giai đoạn "giờ vàng" để được xử lý kịp thời.

Ngày càng nhiều người trẻ bị đột quỵ
COVID-19 khiến tuổi thọ trung bình toàn cầu giảm 1,6 năm

Một nghiên cứu quy mô lớn vừa công bố sáng nay (12/3) cho biết đại dịch COVID-19 đã khiến tuổi thọ trung bình của người dân trên toàn thế giới giảm 1,6 năm trong 2 năm đầu tiên của đại dịch, một mức giảm nghiêm trọng hơn so với trước đây.

COVID-19 khiến tuổi thọ trung bình toàn cầu giảm 1,6 năm
Return to top