ClockThứ Sáu, 05/04/2019 09:06

Vài nhận diện về tư duy cuối nhiệm kỳ

TTH - Từ Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI), cụm từ “tư duy nhiệm kỳ” bắt đầu xuất hiện trong nghị quyết và các văn bản của Đảng. Tư duy nhiệm kỳ được xác định là "một căn bệnh ác tính" đã tồn tại trong một thời gian dài, được bộc lộ rõ nhất vào thời gian cuối nhiệm kỳ trong một bộ phận lãnh đạo các cấp.

Công tác kiểm tra, giám sát góp phần giữ vững kỷ cương của Đảng

Bệnh được gọi bằng nhiều tên khác nhau như: “hoàng hôn nhiệm kỳ”, “chuyến tàu vét cuối”, “cuối đời” hay “chuẩn bị hạ cánh”… Hiểu theo nghĩa chuẩn thì đó không phải là tư duy xấu, nhưng xấu ở chỗ cán bộ, đảng viên mà chủ yếu là lãnh đạo có biểu hiện và hành động thu vén cho lợi ích cá nhân. Tư duy nhiệm kỳ được hiểu là lối suy nghĩ, hành động không đúng, nhằm theo đuổi mục tiêu, lợi ích cá nhân trong ngắn hạn để thu lợi cho bản thân, cho nhóm lợi ích hoặc cục bộ tập thể mà bỏ qua những mục tiêu, lợi ích lâu dài cho cộng đồng, cho đất nước.

Tư duy nhiệm kỳ, nhất là thời điểm cuối nhiệm kỳ có nhiều biểu hiện nhưng phổ biến nhất là thu vén lợi ích cá nhân, bổ nhiệm cán bộ trái quy định và thái độ vô trách nhiệm với chức trách được giao.

 Thu vén quyền lợi cho cá nhân được biểu hiện từ việc đề ra chủ trương, quy hoạch đến  những công việc diễn ra thường xuyên trong chức năng được giao. Việc gì có lợi thì làm ngay, bằng không thì đẩy qua đẩy lại, dẫm chân tại chỗ, khi nào thấy có lợi cho mình mới xúc tiến thực hiện. Cho nên, tình trạng các dự án, kế hoạch ngắn hạn có lợi trước mắt thì được làm nhanh chóng, quyết liệt, còn những đề án dài hạn thì không được quan tâm hoặc để kéo dài. Nhiều đơn vị khi có dự án thì thủ trưởng đốc thúc làm thật nhanh để quyết toán trước khi hết nhiệm kỳ. Ai cũng biết sốt sắng của “sếp” nhằm mục đích gì nhưng không dám nói ra. Một số bộ phận cấp trên có thẩm quyền duyệt, cấp dự án, kinh phí thường hay kéo dài, gây khó dễ cho bên dưới mặc dù biết đó là việc phục vụ cho lợi ích chung. Cũng vì lợi ích cá nhân nên có những giao dịch mua vật tư, máy móc biết rõ công nghệ lạc hậu, giá cao nhưng có “lại quả” nên có lãnh đạo cố tình ký hợp đồng, gây thiệt hại cho Nhà nước, cho tập thể. Nói như vậy để thấy rằng, tham nhũng là một trong những nguyên nhân nội tại của bệnh tư duy cuối nhiệm kỳ.

Công tác tổ chức cán bộ, quy hoạch, bổ nhiệm cũng là vấn đề đáng quan tâm. Khi chuẩn bị nghỉ hưu, thủ trưởng nghĩ ngay đến “đàn em”, “đệ tử” đã gắn bó, ủng hộ mình trong thời gian dài công tác. Thời gian không còn nhiều để lăng xê, bố trí làm quy trình theo đúng bài bản. Vậy là đành phải làm liều, đốt cháy giai đoạn, bỏ qua quy trình, thủ tục để làm sao đề bạt được nhanh nhất trong quyền hành của mình. Người ta gọi đây là “đề bạt tốc hành”, “đề bạt vét”, “nâng đỡ cuối đời”, “bổ nhiệm không trong sáng”… Những cán bộ cấp dưới lợi dụng thời điểm giao thời này để "chạy" nhằm được bổ nhiệm cho kịp thời gian nhiệm kỳ của cấp trên. Như việc một cơ quan Trung ương đề bạt 68 cán bộ cấp vụ, cục chỉ trong vòng chưa tới một năm. Dù có quy định về dân chủ, thảo luận quyết định trong tập thể về công tác cán bộ nhưng đó chỉ là lý thuyết. Đưa ra họp bàn cũng chỉ nhằm hợp thức hóa cho ý chí của người đứng đầu. Đây cũng là mầm mống của “bằng mặt không bằng lòng”, mất đoàn kết nội bộ, thiếu dân chủ trong tập thể.  Khi thủ trưởng cũ nghỉ hưu, chuyển công tác mới thì để lại hậu quả "phe cánh", bộ máy cồng kềnh, kém hiệu quả do bổ nhiệm không hợp lý, dẫn đến đấu đá, tố cáo, dèm pha, nói xấu lẫn nhau...

Một thời gian dài chúng ta không có chế tài xử lý cán bộ sai phạm khi đã nghỉ hưu, nên  một số lãnh đạo cố tình vi phạm trước khi nghỉ, mặc nhiên nghỉ là hết trách nhiệm. Thế nên dân gian có câu “hạ cánh an toàn” để chỉ những trường hợp vi phạm kỷ luật nặng, thậm chí vi phạm pháp luật nhưng về hưu coi như hết trách nhiệm.

Cuối nhiệm kỳ còn là lúc xả hơi, buông lỏng kỷ cương, chức trách được giao của không ít cán bộ có chức vụ. Tâm lý không muốn phấn đấu, không còn động lực làm việc đã làm cho sức ỳ ngày càng thêm nặng nề. Nhìn vào người lãnh đạo chây ỳ, bỏ bê công việc khiến cấp dưới làm việc thiếu năng động. Ngay trong diễn đàn Quốc hội khóa XIII đã có vị lãnh đạo cấp cao bộc lộ thái độ thiếu trách nhiệm khi nói công việc để cho lãnh đạo kế nhiệm giải quyết. Nếu không nhìn nhận thấu đáo, chấn chỉnh kịp thời thì khó khơi thông bế tắc trong cung cách làm việc của lãnh đạo và cán bộ, đảng viên trong các cơ quan.

Mặc dù đã có quy chế dân chủ, quy chế làm việc của từng cơ quan, nhưng cơ chế thủ trưởng còn nắm giữ nhiều quyền lại bị lạm dụng thì rất khó dân chủ thực chất. Cùng với đó là công tác phê bình tuy được coi là nguyên tắc nhưng thường thì cấp dưới không dám phê bình, làm trái ý của cấp trên, mà nể nang, dĩ hòa vi quý. Nhiều người xuê xoa tặc lưỡi cho qua chuyện vì nói ra chẳng lợi ích gì, có khi lại sinh ra mâu thuẫn cá nhân. Đây chính là điểm yếu cơ bản dẫn đến sai phạm của lãnh đạo khi bước vào thời điểm “hoàng hôn nhiệm kỳ”.

Để khắc phục tư duy cuối nhiệm kỳ cần ràng buộc và kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong tất cả các khâu, trong mọi thời điểm, nhất là gần cuối thời gian nghỉ công tác của lãnh đạo. Quy định 102 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm cần làm thường xuyên để xem xét số đã nghỉ hưu nhưng có sai phạm khi đương chức. Có xử lý kỷ luật Đảng, chính quyền, xử lý pháp luật nghiêm túc mới răn đe và làm gương cho các lãnh đạo kế tiếp. Cần loại bỏ tư duy “hạ cánh an toàn”, tạo tư duy pháp lý mạnh mẽ để kiểm soát quyền lực đối với những cán bộ lãnh đạo cố tình vi phạm.

NGUYỄN PHƯỚC KHÁNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thay đổi tư duy, cách làm trong phát triển kinh tế

Với mục tiêu giúp hội viên nông dân (HVND) thoát nghèo bền vững, thời gian qua Hội Nông dân TP. Huế đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp giúp hội viên thay đổi tư duy, cách làm trong phát triển kinh tế, trở thành “cầu nối” giúp nhiều nông dân tiếp cận được nguồn vốn để phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD).

Thay đổi tư duy, cách làm trong phát triển kinh tế
Thay đổi tư duy làm du lịch

Thừa Thiên Huế chọn du lịch làm ngành kinh tế mũi nhọn nhưng để đạt được hiệu quả, ngành du lịch và các đơn vị liên quan cần thay đổi tư duy, có cách làm sáng tạo, chuyển từ cung cấp cái mình có sang cung cấp dịch vụ và sản phẩm mà khách cần.

Thay đổi tư duy làm du lịch
Dạy trẻ tư duy phản biện

Tự tin nói chuyện trước đám đông là kỹ năng mà nhiều phụ huynh mong muốn ở con mình, nhất là các em được tranh luận, phản biện.

Dạy trẻ tư duy phản biện
Return to top