ClockThứ Bảy, 31/07/2021 22:37

Vài suy nghĩ từ câu chuyện "quên" vợ con trên đường về tránh dịch

TTH.VN - Mấy ngày trước, tôi đã "copy" câu chuyện các chiến sĩ công an tiếp sức cho cả ngàn người dân Huế và các tỉnh Khu 4 cũ khi qua đèo Hải Vân đăng trên báo Thừa Thiên Huế. Nay mới biết đó mới chỉ là một phần trong hành trình trở về quê vì dịch COVID-19.

Công an Thừa Thiên Huế dẫn đoàn người về quê đến địa phận Quảng Trị, bàn giao cho lực lượng chức năng

Trong hành trình đó còn nhiều-rất nhiều chuyện làm lòng người quặn thắt ví như câu chuyện sau:

“Tối 26/7, hai gia đình 7 người đi trên 2 xe máy từ Bình Dương đến chốt kiểm soát dịch bệnh ở thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế), được trung chuyển qua địa bàn tỉnh bằng hai xe, một xe tải chở 2 xe máy và một xe khách khác chở 7 người. Sau khi xuống xe trung chuyển tại ranh giới tỉnh Quảng Trị, 2 ông chồng lấy xe máy chạy thẳng về Nghệ An, bỏ lại 2 người vợ và 3 con nhỏ tại huyện Phong Điền vì tưởng rằng xe trung chuyển sẽ chở 5 người này về quê! Hai bà vợ người dân tộc thiểu số, không có điện thoại di động, cũng không nhớ số điện thoại người thân nên không thể liên lạc được với ai! Cơ quan chức năng Phong Điền phải cho 5 mẹ con tạm trú trong 1 trường học, sau phải đưa 5 mẹ con vào Ga Huế mua vé tàu ra Vinh…”

Bạn đọc và nhất là các nhà văn giàu trí tưởng tượng, có thể viết câu chuyện bi-hài trên thành phim, thành truyện. Chính phủ và các cơ quan chức năng đang tập trung xoay trở lo tìm cách tốt nhất chống chọi với dịch COVID, bảo đảm dân sinh hàng chục tỉnh thành ở tầm vĩ mô, khó có thể lo nghĩ tới từng cảnh đời riêng biệt. Nhưng số phận hàng vạn người trong cuộc di chuyển bất đắc dĩ này không thể là chuyện nhỏ. Cũng vì chưa có tiền lệ, sự cố xảy ra muôn hình vạn trạng, nên không thể có nghị quyết, chỉ thị nào có thể áp dụng cho mọi nơi, mọi lúc. Đáng mừng là nhiều địa phương đã thay đổi kiểu bám chỉ thị cấp trên một cách cứng nhắc, kịp thời thay đổi cách đối phó, xử trí các tình huống mới đặt ra. 

Về mặt dư luận xã hội, cũng vì “chưa có tiền lệ”, là một “hiện thực mới” chưa ai biết  trước, lại luôn biến hóa, đổi thay, nên xin đừng vội chê trách hay lên án – kể cả đừng vội khen biện pháp này nọ. Như việc tỉnh Quảng Bình không chủ trương đón người về quê là đúng hay sai? (Khi tôi viết những dòng này thì có tin một phụ nữ tự đi xe từ TP. Hồ Chí Minh về đến Ba Đồn – Quảng Trạch, lập tức phải nhập viện để sinh con! Giả như sự việc diễn biến xấu thì sẽ “phê phán” ai đây?)

Rồi vô vàn các tình huống khác. Câu trả lời là phải bám sát thực tế, không máy móc và nguyên tắc cao nhất là tính nhân đạo, là nghĩa đồng bào khi ra quyết định mới, trên cơ sở kết luận của giới khoa học. Ví như việc cho F0, F1 tại gia, sau 10 ngày trên 1 địa bàn, phải dựa trên con số bao nhiêu người làm lây thêm cộng đồng và chuyển nặng không cứu được; nếu quá giới hạn cho phép mới nên có quyết định thay đổi. Cũng tương tự như việc buộc người dân trở về quê phải cách ly 14 ngày có hợp lý không? Có thể giảm xuống 10 ngày không? Qua 10 ngày khảo sát là có thể cho kết luận tin cậy. Giả như giảm được 4 ngày cách ly cho hàng vạn người thì đó là một quyết định đem lại lợi ích nhiều mặt, không chỉ về kinh tế… 

Với hàng vạn cảnh đời khó khăn trong những đợt trở về tự phát thì càng không thể có chỉ thị nghị quyết nào áp dụng đúng cho mọi trường hợp. Thiết nghĩ phải kêu gọi và tạo điều kiện dễ dàng cho mọi tổ chức thiện nguyện – như trong trận “đại hồng thủy” nhấn chìm 2 huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh (Quảng Bình) năm ngoái, hàng thiện nguyện chất đống trên Quốc lộ I… Hiện nay, nếu các địa phương dọc các Quốc lộ, các tổ chức thiện nguyện được “kích hoạt” thì chỉ một cuộc gọi từ Công an Phong Điền, sẽ lập tức có phương tiện chở 5 mẹ con về quê…  

Khó mà cũng thật dễ, nếu có tổ chức thiện nguyện. Một đơn vị như Hội Văn nghệ Thừa Thiên Huế, nghe có sự kêu gọi ủng hộ bà con TP. Hồ Chí Minh chống dịch cũng quyên góp được 30 triệu; và nhiều người có thu nhập cao khác có thể chung tay hỗ trợ những cảnh đời trong hành trình trở về quê từ vùng dịch cũng như chuyển người bệnh nặng đi cấp cứu trong tâm dịch. Thiết nghĩ, đây cũng là cách thiết thực hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư vừa công bố. Nhưng để mang lại kết quả cụ thể thì phải có hình thức quyên góp như tổ chức “ngày hiến máu” trước đây. Nếu cần, ra chỉ thị cho các tổ chức chính trị mở cuộc vận động và nêu gương thì chắc chắn hoạt động này sẽ có hiệu quả về nhiều mặt…

Nguyễn Khắc Phê 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phong Điền nhất trí chủ trương thành lập thành phố trực thuộc Trung ương

Chiều 12/3, HĐND huyện Phong Điền tổ chức kỳ họp chuyên đề lần thứ 9 khóa VII, nhiệm kỳ (2021 - 2026) để xem xét, cho ý kiến về chủ trương thành lập thành phố trực thuộc Trung ương và sắp xếp, thành lập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên cơ sở địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế.

Phong Điền nhất trí chủ trương thành lập thành phố trực thuộc Trung ương
Dự án hơn 87 tỷ đồng chỉnh trang vỉa hè qua huyện Phong Điền vào chặng cuối

Ngày 27/2, Ban Quản lý dự án (QLDA) Đầu tư xây dựng khu vực huyện Phong Điền cho biết: hai DA đầu tư chỉnh trang vỉa hè dọc tuyến Quốc lộ 1 (QL1A) qua trung tâm An Lỗ và thị trấn Phong Điền với tổng mức đầu tư 87tỷ đồng bằng ngân sách Nhà nước đã đạt hơn 85% kế hoạch, góp phần tạo điểm nhấn và kết nối các đô thị ở địa phương này.

Dự án hơn 87 tỷ đồng chỉnh trang vỉa hè qua huyện Phong Điền vào chặng cuối

TIN MỚI

Return to top