ClockThứ Bảy, 18/07/2015 16:09

Vẫn đang trong lộ trình phát triển từng bước

TTH - Mấy năm gần đây, người dân từng bước tiếp cận và có nhu cầu phát triển chăn nuôi lợn “siêu nạc”, bò lai sind… nhưng nguồn giống khan hiếm là trở lực lớn đối với bà con.

Trang trại gà giống

Hiệu quả thấp

Những năm qua, ngành nông nghiệp có nhiều nỗ lực trong việc nâng cao số lượng và chất lượng sản phẩm thịt lợn, nhưng đến nay số lượng lợn có tỷ lệ nạc cao trên địa bàn tỉnh vẫn còn thấp. Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh, số lợn có tỷ lệ nạc từ 52% trở lên chỉ chiếm khoảng 42% trong tổng đàn. Nguyên nhân là do việc đầu tư nâng cao số lượng và chất lượng đàn lợn chưa được quan tâm đúng mức.

Hiện nay, đàn lợn nái ngoại chỉ chiếm khoảng 15% tổng đàn, chủ yếu là Móng Cái chưa qua chọn lọc nên chất lượng và năng suất sinh sản không cao. Toàn tỉnh có khoảng 5-7 cơ sở thụ tinh nhân tạo quy mô nhỏ, số lượng chỉ khoảng 50 con.

Ông Trần Quang Phước, Trưởng phòng Chăn nuôi - Trồng trọt Sở NN&PTNT tỉnh cho rằng, kinh phí đầu tư thấp là một trong những trở lực lớn trong chiến lược phát triển chăn nuôi nói chung, chăn nuôi lợn nói riêng. Mức đầu tư của tỉnh bình quân mỗi năm trên một tỷ đồng, ngành chăn nuôi chỉ dừng lại ở việc thực hiện mô hình thí điểm, không thể chuyển giao và nhân rộng đến với người dân. Khâu tổ chức sản xuất còn yếu, chưa mang tính hệ thống cũng là khó khăn trong việc phát triển chăn nuôi.

Chất lượng đàn bò, gia cầm hiện nay cũng không khả quan. Đàn bò đực giống lai sind (giống ngoại chất lượng cao) chỉ chiếm 1,32% (khoảng 280 con) trong tổng đàn. Đó chính là lý do mà tổng đàn bò chất lượng (lai sind) trên địa bàn tỉnh hiện nay chỉ hơn 8.000 con, chiếm 39,41% tổng đàn… Đàn gia cầm hiện nay phần lớn là giống nội nên năng suất và chất lượng không cao. Trong tổng đàn gà khoảng 2 triệu con, chỉ có khoảng vài trăm ngàn con giống Lương Phượng, gà Ri, hay gà đá có năng suất, chất lượng thịt cao… Những khó khăn trên khiến tỷ trọng ngành chăn nuôi của tỉnh đến nay chỉ chiếm khoảng 35% trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

Từng bước nâng cao chất lượng giống

Cách đây chừng 10 năm, tỉnh chỉ đạo ngành nông nghiệp xây dựng dự án mở rộng và hoàn thiện trại giống Hương Thọ, nhằm cung ứng nguồn giống gia súc, gia cầm cho người dân, trong đó ưu tiên đầu tư sản xuất giống lợn “siêu nạc”. Tuy nhiên, số lượng lợn giống “siêu nạc” ở trại giống Hương Thọ vẫn chưa đáp ứng nhu cầu phát triển chăn nuôi. Vừa qua, tỉnh giao Trung tâm Khuyến nông - lâm - ngư tỉnh, phối hợp với Công ty cổ phần Giống cây trồng và vật nuôi tỉnh xây dựng dự án trại chăn nuôi lợn nái ngoại với quy mô 300 con. Theo đó, trại giống được xây dựng tại địa bàn xã Phong Hiền (Phong Điền) trên diện tích 10 ha, đến nay đã hoàn thành và đưa vào hoạt động sản xuất, mở ra nhiều triển vọng.

Khó khăn trong việc đầu tư chăn nuôi lợn “siêu nạc” quy mô gia trại, trang trại là kinh phí đầu tư khá lớn. Với quy mô chăn nuôi khoảng 100 con, trên diện tích khoảng 100m2 đòi hỏi chi phí đầu tư vài trăm triệu đồng. Đó là khó khăn đối với nhiều nông dân.

Trại giống lợn nái ngoại được đầu tư xây dựng theo phương thức khép kín, an toàn dịch bệnh, gồm chuồng dành cho lợn mang thai, chờ phối; chuồng lợn đực giống; chuồng lợn nái sinh sản; chuồng lợn cai sữa. Trại có đầy đủ các hệ thống làm mát, máng ăn tự động, đèn sưởi ấm cho lợn cai sữa; thiết bị bảo quản tinh dịch lợn; hệ thống cấp nước, điện sinh hoạt; hệ thống xử lý nước thải… Tổng kinh phí đầu tư trại giống trên 9 tỷ đồng. Với 300 con lợn nái, bình quân mỗi năm trại giống sẽ sản xuất khoảng 6.000 con lợn giống. Con giống trước khi chuyển giao cho các hộ chăn nuôi sẽ được kiểm nghiệm về tăng trọng, chất lượng và đảm bảo các yêu cầu về an toàn dịch bệnh. Trước yêu cầu nâng cao chất lượng đàn, ngành nông nghiệp đang đề xuất tỉnh tiếp tục hỗ trợ phát triển đàn lợn giống ngoại nhằm cung ứng cho người chăn nuôi.

Theo Phòng Chăn nuôi - Trồng trọt Sở NN&PTNT tỉnh, qua thực tiễn chăn nuôi trong những năm qua, lợn ngoại có tỷ lệ nạc cao hoàn toàn phù hợp và dễ thích nghi với điều kiện môi trường ở tỉnh Thừa Thiên Huế và sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Với các giống lợn Yorkshire có tỷ lệ nạc 52% và lợn Landrace có tỷ lệ nạc 55% trở lên chỉ nuôi trong vòng 3-4 tháng, trọng lượng đạt 90-100 kg, lợi nhuận từ 250 ngàn đến 300 ngàn đồng/con; trong khi đó nuôi lợn F1 phải mất từ 5-6 tháng, chỉ đạt 60-70 kg, lợi nhuận chỉ từ 30 đến 50 ngàn đồng/con. Cùng với nâng cao chất lượng đàn lợn, hằng năm tỉnh còn có chính sách hỗ trợ hàng ngàn liều tinh nhân tạo để lai sin hóa đàn bò, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Ngành nông nghiệp phối hợp với chính quyền địa phương còn hỗ trợ người dân từng bước nhân giống gà Lương Phượng, gà Ri và gà đá, chăn nuôi theo mô hình trang trại, gia trại.

Bài, ảnh: Hoàng Thế
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ứng phó hạn, mặn

Diễn biến thời tiết phức tạp, nắng nóng dự báo gay gắt kéo dài khiến nguy cơ thiếu nước sản xuất nông nghiệp và xâm nhập mặn.

Ứng phó hạn, mặn
Xung kích trên mặt trận kinh tế

Phát huy vai trò xung kích, các cấp bộ Đoàn ở Hương Trà đã có nhiều hoạt động tích cực tham gia xây dựng thị xã, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Nổi bật trong đó là phong trào phát triển các mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ...

Xung kích trên mặt trận kinh tế
Ứng phó nguy cơ dịch bệnh gia súc, gia cầm

Các biện pháp phòng, chống được triển khai đồng bộ, có hiệu quả nên đến thời điểm này, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm (GSGC) chưa xảy ra. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm, tái bùng phát dịch bệnh GSGC.

Ứng phó nguy cơ dịch bệnh gia súc, gia cầm
Chủ động ứng phó nguy cơ cháy rừng

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, ông Lê Ngọc Tuấn trao đổi, mùa nắng nóng được dự báo bắt đầu từ những ngày cuối tháng 3 này. Cơ quan khí tượng thủy văn cảnh báo nắng nóng diễn ra gay gắt, diễn biến phức tạp khiến rủi ro, nguy cơ cháy rừng cấp độ cao. Hầu hết các cánh rừng trên địa bàn tỉnh, nhất là rừng thông cảnh quan, đặc dụng, rừng phòng hộ, keo tràm, kể cả dương liễu vùng cát đều có nguy cơ cháy.

Chủ động ứng phó nguy cơ cháy rừng
Return to top