ClockThứ Sáu, 05/06/2015 15:06

Vấn đề án oan sai: Cần có luật sư tham gia từ đầu quá trình điều tra

TTH.VN - Thời gian qua, dư luận rất quan tâm tới những vụ án oan sai. Và đây cũng là một trong những nội dung làm "nóng" nghị trường Quốc hội trong kỳ họp thứ 9 đang diễn ra.

Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến trả lời báo chí

Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội đã trao đổi về vấn đề này.

- Báo cáo kết quả giám sát oan sai của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy trong ba năm, các cơ quan tiến hành tố tụng khởi tố, điều tra 219.506 vụ với 338.279 bị can nhưng số vụ làm oan người vô tội có 71 trường hợp. Có ý kiến cho rằng con số này là nhỏ trong tổng số vụ án, ông có nhận định gì về việc này?

Đại biểu Lê Như Tiến: Một ngày trong tù bằng nghìn thu ở ngoài, mà vấn đề người ta lại bị oan sai. Mình có rơi vào hoàn cảnh như họ thì mình mới biết được là như thế nào.

Bởi thế, tôi không đồng tình với ý kiến là số lượng oan sai trên là ít. Số lượng như thế theo tôi đã là báo động lớn trong đời sống xã hội. Điều này làm ảnh hưởng tới lòng tin của người dân tới các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Lấy đơn cử như vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn, chỉ một mình ông Chấn thôi cũng đã chấn động cả nước rồi. Đây là tiếng chuông cảnh báo cho các cơ quan bảo vệ pháp luật, phải làm sao đó để điều tra truy tố, xét xử, thi hành án một cách đúng pháp luật và có lý, có tình, công tâm, công bằng, khách quan, minh bạch. Có thế mới mong giảm bớt được oan sai.

Còn nếu như điều tra dùng nhục hình, bức cung thì bản chất sự việc sẽ thay đổi trái thành phải, phải thành trái và oan sai vẫn sẽ tiếp diễn. Nếu chúng ta làm thật nghiêm minh, minh bạch, khi điều tra có luật sư tham gia từ đầu, phòng hỏi cung có camera, ghi âm, ghi hình, thậm chí nhiều nước phòng hỏi cung còn bằng kính… thì sẽ làm sẽ không ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người dân.

- Vừa qua, có một số vụ oan sai nhưng bồi thường chậm, thưa ông?

Đại biểu Lê Như Tiến: Khi đã phát hiện oan sai thì phải minh oan cho họ, bồi thường cho họ. Ngoài vật chất, thiệt hại về mặt tâm lý, tinh thần sẽ nặng nề vô cùng và là vấn đề phải quan tâm. Cơ quan làm sai phải minh oan cho họ về mặt tinh thần, phải trả lại công bằng, công lý cho họ. Đó không phải là cá nhân họ mà còn cả gia đình, dòng họ, dòng tộc, bạn bè anh em…

Như một số đại biểu quốc hội đã nêu, sau khi đã xác định oan sai rồi, các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan làm sai, tạo nên sự oan sai đó phải bồi thường và phải bồi thường một cách kịp thời. Và bản thân cơ quan đó, cá nhân, tổ chức đó phải nhận lỗi trước những người bị oan sai, trước nhân dân. Tôi cho đó là một thái độ rất là phục thiện, nhân văn…

Làm được điều đó để thấy các cơ quan bảo vệ pháp luật của chúng ta rất là công khai, minh bạch và khi thấy sai thì sửa sai, đó là chuyện bình thường và khi sửa sai sớm còn tăng thêm uy tín cho những người làm tố tụng.

Tôi cho rằng phải có quy định cụ thể. Sau đợt giám sát này, tôi tin sẽ có chuyển biến trong các cơ quan bảo vệ pháp luật.

- Ông có đồng tình với ý kiến khi để xảy ra oan sai, người làm ra oan sai phải bỏ một phần tiền thay vì việc Nhà nước phải bỏ toàn bộ tiền để đền bù cho người bị hại?


Đại biểu Lê Như Tiến: Tôi đồng tình với quan điểm ấy. Bởi vì bản thân anh tạo ra oan sai thì anh phải chịu trách nhiệm cùng chứ không phải làm ra oan sai rồi lại dùng ngân sách, tiền của cơ quan, tổ chức để bồi thường thay cho anh. Như thế, cần phải phải quy định một tỷ lệ nào đó cho người tạo ra oan sai và chính cái đó sẽ hạn chế vấn đề oan sai.

- Ông có đồng tình với cách xử lý một số cán bộ làm ra oan sai trong thời gian vừa qua?

Đại biểu Lê Như Tiến: Vừa rồi cũng có các cơ quan tiến hành tố tụng xử lý trực tiếp người tạo nên oan sai. Tôi nghĩ cần xử lý nghiêm khắc hơn, kể cả việc cá nhân phải bỏ ra bồi thường cho việc làm oan sai của mình chứ không phải để cho tổ chức nhà nước chịu toàn bộ…

- Ở một số quốc gia, hệ thống luật pháp đã bỏ án tử hình và có ý kiến cho rằng làm như vậy sẽ tránh trường hợp bị oan sai không có cơ hội để minh oan nữa, ông nghĩ sao về vấn đề này ở Việt Nam?

Đại biểu Lê Như Tiến: Luật hình sự của chúng ta đang được quốc hội xem xét cũng bỏ một số tội về tử hình. Tuy nhiên còn nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này.

Nhiều đại biểu cho rằng, có những vụ án đặc biệt nghiêm trọng vẫn phải tử hình. Vì thế, quá trình tố tụng phải rất thận trọng, có luật sư bào chữa… bởi khi anh đã tuyên tử hình và thi hành án rồi thì nếu bị oan cũng không thể lấy lại sự công bằng được. Tôi cho rằng bỏ bớt tội tử hình là xu hướng tiến bộ, phù hợp với tố tụng của các nước trên thế giới.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo VietnamPlus
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hỗ trợ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại bản Hạ Long

Nhân Kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống lực lượng Tham mưu, An ninh nội địa Công an Nhân dân (18/4/1946 - 18/4/2024), Đoàn Thanh niên Phòng Tham mưu, Đoàn Thanh niên Phòng An ninh nội địa Công an tỉnh cùng phối hợp tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa hướng về cơ sở.

Hỗ trợ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại bản Hạ Long
Cải cách thể chế, khắc phục tình trạng cán bộ, công chức sợ sai, sợ trách nhiệm

Ngày 17/4, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức công bố Chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX) và Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) năm 2023. Sau hội nghị, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Phó Trưởng ban Chỉ đạo đã dành cho phóng viên TTXVN cuộc phỏng vấn nhanh về các kết quả này, cũng như những tồn tại, hạn chế và các vấn đề đặt ra trong thời gian tới.

Cải cách thể chế, khắc phục tình trạng cán bộ, công chức sợ sai, sợ trách nhiệm

TIN MỚI

Return to top