ClockThứ Hai, 28/08/2017 08:57

Vấn đề cần quan tâm khi thi tuyển lãnh đạo

TTH - Bộ Nội vụ đã ban hành quy trình thi tuyển lãnh đạo cấp vụ, sở, cấp phòng và cho tổ chức làm thí điểm ở 36 cơ quan cấp Bộ và cấp tỉnh. Thừa Thiên Huế là một trong các đơn vị sẽ thực hiện trong thời gian tới.

Đây được coi là một bước đi đúng đắn nhằm từng bước lành mạnh hóa đời sống chính trị, trọng dụng người tài, chống tiêu cực trong công tác cán bộ. Chủ trương này cũng là bước thí điểm tiến tới thực hiện thi tuyển ở các chức vụ lãnh đạo khác. Ưu điểm của chủ trương này cần được kiểm chứng qua thời gian và kinh nghiệm thực hiện. Tuy nhiên, trước mắt gặp không ít khó khăn, vướng mắc trong thực tế nên cần lường trước để từng bước hoàn thiện.

Từng bước chuyên nghiệp hóa thi tuyển

Khi có nhu cầu thì phải tổ chức thi tuyển, đây cũng yếu tố tạo “thêm việc” cho lãnh đạo và cơ quan tổ chức nhân sự. Dù có nhu cầu bổ nhiệm nhiều người hoặc chỉ cần một vị trí vẫn phải thành lập một hội đồng thi tuyển với đầy đủ thành phần theo quy định. Nhiều khi triệu tập một hội đồng kiêm nhiệm như thế không phải dễ. Ngay cả hội đồng thi tuyển cũng phải có những quy định chặt chẽ, sát thực tế, tránh mỗi cơ quan làm một kiểu. Hội đồng này phải thực sự minh bạch, công tâm, khách quan, không để xảy ra tiêu cực.

Một số cơ quan thuộc lĩnh vực chuyên ngành, chuyên biệt có tính đặc thù cao phải trưng dụng chuyên gia, người có đủ kiến thức để chấm thi viết, thi vấn đáp và đánh giá đề án. Đối với phần lý luận quản lý nhà nước, pháp luật, tin học, ngoại ngữ… khi đã tổ chức thi tuyển cần phải xây dựng hệ thống “ngân hàng đề thi” đầy đủ, đáp ứng yêu cầu. Hệ thống đề thi nhằm đảm bảo tính khách quan khi tổ chức bất cứ cuộc thi nào, kể cả thi công chức, thi tuyển lãnh đạo. Yếu tố đảm bảo bí mật đề thi, tổ chức thi cần thực hiện nghiêm túc như quy chế của ngành giáo dục đã làm lâu nay cho các cuộc thi. Đã xem là nghiêm túc chống tiêu cực thì những sơ hở dù nhỏ nhất cũng phải tránh, không tạo nên dư luận xấu cho thi tuyển và cho cả cá nhân cán bộ trúng tuyển. Cần phải tính toán kỹ người ra đề (chọn hoặc bốc câu hỏi theo xác suất) và phải được cách ly với bên ngoài cho đến khi thi xong.

Điều chỉnh tiêu chuẩn quy hoạch và tiêu chuẩn hóa lãnh đạo

Bên cạnh thi tuyển thì cần từng bước tiêu chuẩn hóa theo từng tiêu chí mà lãnh đạo sẽ đảm nhiệm. Lâu nay, chúng ta mới thực hiện theo tiêu chuẩn chung cần phải có về bằng cấp, năng lực chuyên môn, đạo đức…, nhưng về lâu dài cần phải đề ra tiêu chí cụ thể hơn với từng loại chức danh như: quản lý nhà nước, quản lý tổ chức chính trị xã hội, quản lý giáo dục - đào tạo, quản lý doanh nghiệp v.v… Tránh trường hợp đã bổ nhiệm quản lý sau đó điều sang lãnh đạo trái ngành nghề hoặc lĩnh vực không phải chuyên sâu. Cần quy định tiêu chuẩn chặt chẽ hơn trong khâu đưa vào quy hoạch, có chính sách quy định ưu tiên cộng điểm với số quy hoạch tại chỗ. Cán bộ ngoài quy hoạch tham gia phải thực sự nổi trội để tạo công bằng và tạo đoàn kết trong nội bộ sau thi tuyển.

Chúng ta đã có những quy định về tài và đức, nói cụ thể hơn là năng lực và phẩm chất đạo đức của cán bộ lãnh đạo. Tuy nhiên, hai nội dung này chưa được lượng hóa trong những tiêu chí cụ thể để đánh giá cán bộ. Xu hướng đánh giá về người tài hiện nay đang nghiêng về học hàm, học vị. Tương tự, khi đánh giá về đức cũng chưa (hoặc không) đánh giá phẩm chất thẳng thắn, trung thực, không vụ lợi mà yêu cầu của công tác chống tiêu cực, tham nhũng hiện nay đang đòi hỏi. Có thể những người hiền lành, chất phác, cần cù là những tiêu chuẩn tốt nhưng cũng là chưa đủ phẩm chất của người lãnh đạo. Cho nên, cả 2 tiêu chuẩn về tài và đức cũng cần được lượng hóa trong tiêu chí đánh giá cán bộ, tiêu chuẩn trở thành người lãnh đạo. Tránh nhận xét bằng những đánh giá chung chung của bộ phận tổ chức và cấp ủy cơ quan (kể cả thủ trưởng cơ quan).

Trong công tác cán bộ hiện nay, ở tất cả các cơ quan đều có quy hoạch nguồn cán bộ lãnh đạo các cấp. Về cơ bản, quy hoạch và đề bạt phần lớn là tại chỗ; một chức danh quy hoạch 2-3 người và 1 người quy hoạch 2-3 chức danh. Số cán bộ được quy hoạch nhiều hơn cán bộ được đề bạt, người được thì phấn khởi, người chưa đạt nguyện vọng cũng nảy sinh tư tưởng. Thường thì làm việc với nhau không có gì vướng mắc, nhưng sau thi tuyển sẽ nảy sinh mâu thuẫn, thậm chí mất đoàn kết nội bộ. Đây là thực tế có thể xảy ra nên các cấp lãnh đạo cần chú ý đi sâu để hóa giải, tạo đồng thuận trong một tổ chức.

Bồi dưỡng, thử thách cán bộ khi trở thành lãnh đạo

Cán bộ được đề bạt sau thi tuyển mới là giai đoạn đầu cho chuỗi hành động và đảm đương trách nhiệm mới. Cán bộ trúng tuyển cần tiếp tục rèn luyện phấn đấu để làm “công bộc” thực sự, không vì trở thành lãnh đạo rồi xa rời quần chúng, vun vén cái lợi cho bản thân. Quan trọng nhất lúc này là được cấp dưới tôn trọng, ủng hộ, cấp trên đánh giá hiệu quả qua thực tế công việc. Mặt khác, lãnh đạo cấp trên tạo điều kiện cho cấp dưới phát huy năng lực, thực hiện tốt đề án đã vạch ra khi thi tuyển. Không vì thấy cấp dưới có bằng cấp, năng lực mà đố kỵ, chèn ép, "ngáng chân”. Giao việc và chỉ bảo chu đáo để thử thách phấn đấu là trách nhiệm của cấp ủy và lãnh đạo cấp trên. Trong giai đoạn hiện nay, phẩm chất kiên định chống biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", chống tham nhũng, lãng phí… đang được Đảng ta đặt lên hàng đầu. Cho nên, cán bộ lãnh đạo trẻ cần được giáo dục, uốn nắn từ những ngày đầu “làm lãnh đạo”. Người đi trước làm gương tốt cho người đi sau noi theo, nắm vững quy luật “tre già măng mọc” nhằm tạo điều kiện cho thế hệ mới phát triển.

Thi tuyển đề bạt cán bộ lãnh đạo là hình thức không mới, nó được hình thành trong lịch sử nước ta từ các triều đại phong kiến. Đã có nhiều danh nhân, người thực tài được bổ nhiệm trở thành những quan chức có tài năng xuất chúng, thanh liêm trong lịch sử. Trong giai đoạn hiện nay, “cán bộ lãnh đạo là mắt xích quan trọng nhất trong công tác tổ chức” nên thi tuyển cán bộ lãnh đạo muốn đem lại hiệu quả đòi hỏi phải lường trước những khó khăn, vướng mắc và bất cập lâu nay để khắc phục.

NGUYỄN PHƯỚC KHÁNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Động lực để phụ nữ vươn lên

Luôn quan tâm hỗ trợ hội viên kịp thời, cùng phương châm “ở đâu có phụ nữ, ở đó có hoạt động hội”, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Phong Sơn, huyện Phong Điền có nhiều cách làm hay, tạo thêm sinh kế giúp hội viên vươn lên.

Động lực để phụ nữ vươn lên
Dâng hương tri ân các anh hùng liệt sĩ tại A Lưới

Ngày 20/1, Thượng tướng, PGS.TS.Trần Việt Khoa, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Giám đốc Học viện Quốc phòng cùng Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương đã đến viếng, dâng hương, hoa, tri ân các anh hùng liệt sĩ trên địa bàn huyện A Lưới.

Dâng hương tri ân các anh hùng liệt sĩ tại A Lưới
“Đòn bẩy” để người nghèo vươn lên

Xây dựng tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, kết nối những tấm lòng hảo tâm cùng chung tay với chính quyền địa phương để giúp các hộ nghèo, cận nghèo vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Đó là những gì Ủy Ban Mặt trận Tổ quốc (UBMTTQ) Việt Nam phường Đông Ba, TP. Huế đã và đang làm được để tạo nên những “đòn bẩy” giúp người nghèo vươn lên.

“Đòn bẩy” để người nghèo vươn lên
Return to top