ClockThứ Ba, 14/04/2015 05:53

Vấn đề là ở cách làm

TTH - Sau cuộc gặp lần hai giữa những cư dân chung cư Đống Đa (TP Huế) với Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh, vấn đề giải tỏa, đền bù tái định cư càng trở nên khó khăn hơn khi đa số người dân đều chưa đồng thuận với cách làm của cơ quan quản lý Nhà nước.

Chưa thỏa đáng

161 hộ dân của 3 dãy nhà A, B, C chung cư Đống Đa đều nhận được chung giấy mời với nội dung đại ý là gặp gỡ, lắng nghe, trao đổi tâm tư nguyện vọng về chủ trương giải tỏa, đền bù, tái định cư nhằm xây mới chung cư Đống Đa theo hướng hiện đại. Thế nhưng, cuộc họp sau đó không những không thỏa mãn tâm tư người dân mà còn gây thêm bức xúc, nhiều người tỏ ra thất vọng. Từ hội trường đi ra, không ít người tuyên bố lần sau sẽ không tham gia thêm cuộc họp nào liên quan.
Một góc chung cư Đống Đa
Bà Dương Thị Búp, Bí thư Chi bộ chung cư Đống Đa lo lắng: “Đến như tôi là Bí thư Chi bộ mà không được thông báo trước thì dân ở đây làm răng biết được cơ quan quản lý, chủ đầu tư mời họp để thông báo nội dung gì”. Bà Búp còn cho hay, 161 hộ dân ở chung cư Đống Đa đều được Nhà nước cấp “thẻ hồng”. Hộ nào cũng đăng ký tên tuổi rõ ràng. Thế mà trong giấy mời họp, đơn vị chủ trì không ghi tên từng hộ gia đình. Người có trách nhiệm không hỏi ý kiến của cấp ủy, chính quyền, trưởng ban công tác mặt trận, đoàn thể nơi người dân đang sinh sống.
Người dân Đống Đa có mong muốn khác là tỉnh nên chủ trì các cuộc họp, đối thoại với người dân, ít nhất là một lần với sự tham gia của đồng chí Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cùng với lãnh đạo TP Huế, các sở, ban ngành liên quan. Nguyện vọng này đã được nêu tại cuộc họp lần trước do Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh tổ chức. Lý do để người dân nêu nguyện vọng là họ muốn chắc chắn có người chịu trách nhiệm nếu không may chủ đầu tư bỏ dự án nửa chừng.
Lý do khác khiến người dân chưa đồng tình với cách làm của cơ quan quản lý là khi giới thiệu chủ đầu tư trình bày dự án để người dân nắm thông tin thì người trình bày không phải là chủ đầu tư mà là đơn vị được chủ đầu tư hợp đồng thiết kế bản vẽ công trình dự kiến sẽ xây dựng.
Cách giải thích chưa rõ ràng về các nội dung, chính sách mà người dân được hưởng khi thực hiện giải tỏa để xây mới chung cư Đống Đa cũng là điều khiến người dân chưa hài lòng.
Theo khảo sát của chúng tôi, phần đông người dân đồng tình với chủ trương giải tỏa, xây mới Đống Đa; chỉ một bộ phận nhỏ, chủ yếu là những hộ ở tầng 1, mặt tiền chưa đồng tình, bởi đa số những hộ này đều kinh doanh và cho thuê mặt bằng. Có hộ nhờ doanh thu từ dịch vụ này, mỗi tháng thu về hàng chục triệu đồng.
Phải đúng quy trình
Người đại diện tham gia cuộc họp bàn về phương án chỉnh trang, xây mới chung cư Đống Đa của Sở Xây dựng là ông Trần Kiêm Hòa, Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản nhận định, nguyên nhân cơ bản khiến người dân bức xúc, dẫn đến bỏ về giữa chừng là do cách làm của Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh chưa đúng quy trình. Theo ông Hòa, đơn vị được giao trách nhiệm thực hiện giải tỏa, đền bù là phải làm trước một bước rồi mới tổ chức cuộc họp. Tức là phải điều tra nguyện vọng của dân, thỏa thuận giá cả trên cơ sở thấu tình đạt lý. Việc định giá tài sản cũng phải do người dân đồng thuận, bởi cả nhà, đất tại chung cư Đống Đa là tài sản của người dân. Cơ quan quản lý Nhà nước không có quyền mời các tổ chức, cá nhân khác đến định giá nếu không có sự thỏa thuận, đồng ý từ người dân. Hơn nữa, việc đánh giá lại hiện trạng, niên hạn sử dụng của công trình để đưa ra sự cảnh báo chính xác cũng chưa được tiến hành. Do đó, người dân hoàn toàn có cơ sở để phản bác khi nói chung cư Đống Đa xuống cấp, hư hỏng, không sử dụng được.
Việc mời chủ đầu tư đến dự cuộc họp giữa bên giải tỏa và người dân như vừa qua theo ông Trần Kiêm Hòa là không cần thiết, vì để tránh chủ đầu tư chứng kiến những vấn đề tế nhị, bức xúc nếu có xảy ra giữa đôi bên. Điều ông Hòa nói càng có cơ sở hơn khi ngay tại cuộc họp hôm đó, chủ đầu tư sau khi nghe những lời không hay về doanh nghiệp đã có ý định xin bỏ dự án. Sau đó hai hôm, tức ngày 23/3, Công ty CP Đầu tư Kinh doanh nhà Thành Đạt, chủ đầu tư dự án đã có đơn xin trả quyết định đầu tư dự án cải tạo, chỉnh trang chung cư Đống Đa.
“Không thể trách khi người dân chưa được giới thiệu về công ty thì họ hoàn toàn có quyền hoài nghi. Thực tế ở nhiều nơi, có nhiều công ty xin đầu tư dự án, nhưng chỉ đầu tư nửa chừng rồi bỏ của chạy lấy người. Cư dân Đống Đa rất lo lắng, muốn tìm hiểu về chủ đầu tư. Nếu chúng tôi được giới thiệu về Công ty CP Đầu tư Kinh doanh nhà Thành Đạt, về những dự án mà công ty đã triển khai thì chắc chắn người dân sẽ không có phản ứng như vậy”, bà Búp nói.
Đem những ý kiến, nguyện vọng của người dân... trao đổi với ông Nguyễn Văn Tú, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh, ông nêu quan điểm không mong người dân sẽ đồng tình 100%, nhưng chủ trương thì phải nghiêm túc thực hiện.
Chủ trương giải tỏa, xây mới Đống Đa là hoàn toàn hợp lý. Khi thăm dò ý kiến của người dân, chúng tôi cũng nhận thấy sự đồng thuận cao từ phía chi bộ, tổ dân phố và gần như 100% người dân sinh sống tại đây. Song, nếu những người làm công tác quản lý triển khai một cách chặt chẽ, đúng quy trình hay nói dễ hiểu hơn là nếu tận tâm, trách nhiệm hơn, để cùng thương thảo, lắng nghe dân, chắc chắn sự việc không đến nỗi như vừa qua, khi dân thì bức xúc, chủ đầu tư thì xin rút dự án.
Bà Nguyễn Thị Thúy Vân, Tổ trưởng Tổ dân phố 12 chung cư Đống Đa:
Khoảng 60% hộ dân chính chủ
Trong 161 hộ dân đang sinh sống tại chung cư Đống Đa, có khoảng 60% hộ dân là chính chủ, 20% hộ cho thuê hoặc tự kinh doanh và 20% còn lại là sang nhượng, cho người thân, con cái ở. Tất nhiên, ai cũng muốn được ở nhà mới, đẹp, rộng, sạch sẽ, thoáng đãng hơn nên đa số đều chấp hành chủ trương giải tỏa đền bù, nhất là những hộ sinh sống từ tầng 2 trở lên. Với những hộ ở tầng 1, còn rất nhiều người chưa đồng thuận là bởi đất mặt tiền, vừa cho thuê hoặc để kinh doanh sinh lợi, vừa cơi nới thêm làm nhà để xe, phòng ở... Tuy nhiên, nếu đền bù hợp lý thì người dân nơi đây chắc chắn sẽ chấp hành.
Về vấn đề đảm bảo an ninh trật tự, chung cư Đống Đa cơ bản đảm bảo. Riêng với các trường hợp kinh doanh mua bán ở tầng 1, các dãy nhà B, C thường để xe lộn xộn, địa phương cũng thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở và xử phạt.
Bà Lê Thị Tuyết Nhung, ở tầng 1, nhà A chung cư Đống Đa:
Đền bù xứng đáng
Nhà tôi xoay mặt ra đường Đống Đa, diện tích gần 60m2. Nếu tính theo giá thị trường thì phải ở mức tiền tỷ. Nếu giải tỏa thì chúng tôi phải được đền bù tương xứng với căn hộ đang ở. Tường nhà tôi khá tốt, muốn đóng đinh phải dùng máy khoan sắt cầm tay mới làm được. Nếu sơn sửa lại, nhà tôi cũng không đến nỗi nào, nhưng nếu Nhà nước giải tỏa thì nguyện vọng của chúng tôi cũng như nhiều gia đình ở tầng 1 là được bố trí căn hộ xứng đáng. Nếu đền bù để tái định cư nơi khác thì nơi mới phải gần trung tâm TP Huế. Điều chúng tôi lo nhất là doanh nghiệp làm nửa chừng rồi dừng lại thì không biết lấy nhà đâu để ở.
Linh Đan (Thực hiện)
 
Bài, ảnh: Tâm Huệ
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khảo sát mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn

Chiều 15/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh cùng các đơn vị liên quan đã có buổi khảo sát nhằm phục vụ công tác chuẩn bị đầu tư Dự án (DA) mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn.

Khảo sát mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn
Tháo gỡ mặt bằng đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương

Mặt bằng thi công Dự án (DA) đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương chưa giải phóng hoàn toàn, mới chỉ đủ để triển khai phần cầu. Chủ đầu tư yêu cầu các đơn vị liên quan đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) nhằm đáp ứng tiến độ thi công DA.

Tháo gỡ mặt bằng đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương
Tạo động lực tăng trưởng cửa ngõ phía nam

Theo các quy hoạch chiến lược của tỉnh, huyện Phú Lộc trở thành cụm động lực tăng trưởng phía nam; trong đó xã Lộc Sơn nằm cửa ngõ phía bắc huyện đang phấn đấu trở thành đô thị loại V, góp phần quan trọng cho sự thành công trên.

Tạo động lực tăng trưởng cửa ngõ phía nam
Return to top