ClockThứ Sáu, 05/08/2016 19:18
TRẺ EM TRONG CÁC CUỘC XUNG ĐỘT VŨ TRANG:

Vấn đề lớn của thế giới

TTH - Theo thống kê của Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEP), trên thế giới trung bình mỗi ngày có 547 đứa trẻ bị thiệt mạng vì hậu quả của xung đột vũ trang và chiến tranh khủng bố. Có 40 nước đã tuyển trẻ vị thành niên (dưới 15 tuổi) vào quân đội chính phủ hoặc các lực lượng vũ trang/bán vũ trang.

Trẻ em - nạn nhân của các cuộc xung đột. Ảnh: AP

Ước tính trên thế giới đã có 300.000 trẻ em bị bắt vào quân đội, trong đó có khoảng 25% - 30% là trẻ em gái - vi phạm nghiêm trọng công ước quốc tế của Liên Hiệp Quốc (LHQ) về quyền trẻ em và khiến vấn đề này trở thành một vấn nạn toàn cầu mà các nước cần chung tay giải quyết.

Nạn nhân chính của xung đột

Theo dữ liệu của LHQ, trong 10 năm trở lại đây, các cuộc xung đột vũ trang và chiến tranh cướp đi sinh mạng của hàng triệu trẻ em, gần 20 triệu trẻ em khác phải rời bỏ nhà cửa và trở thành người tị nạn.

Năm 2015, các nhóm vũ trang và lực lượng chính phủ đã giết chết, làm bị thương, tuyển chọn và sử dụng hàng chục ngàn trẻ em trai và trẻ em gái trong các cuộc chiến. Bắt cóc vẫn là nỗi lo ám ảnh với hơn 4.000 vụ việc trong năm 2015. Các cuộc xung đột cũng tác động đến bọn trẻ theo những cách khó thống kê, như: phải trở thành trẻ mồ côi, phải gánh chịu những chấn thương tâm lý nặng nề, chưa kể đến những đứa trẻ bị tàn phế vì bom mìn mà các cuộc chiến để lại. Ngoài ra, trẻ em cũng là những nạn nhân bị ảnh hưởng đáng kể bởi chủ nghĩa cực đoan bạo lực.

Chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, 5.166 dân thường đã thiệt mạng hoặc bị tàn phế ở Afghanistan, trong đó có 1.509 nạn nhân là trẻ em (388 người chết và 1.121 người bị thương) - một con số mà đại diện Nhân quyền LHQ mô tả là “đáng báo động và đáng xấu hổ”, khi đây là con số cao nhất những trẻ em thiệt mạng hoặc bị thương chỉ trong khoảng thời gian 6 tháng, kể từ khi bắt đầu ghi nhận vào năm 2009.

“Những con số này là một lời nhắc nhở đau thương về những tác động không mong muốn do chiến tranh gây ra đối với trẻ em và nhấn mạnh sự cấp bách phải hành động để bảo vệ chúng”, bà Leila Zerrougui, Đại diện đặc biệt của Tổng thư ký LHQ về vấn đề trẻ em và xung đột vũ trang cho biết.

“Trẻ em không phải là binh lính”

Ở nhiều nơi trên thế giới, trẻ em được coi là một sự thay thế “hiệu quả và kinh tế”, do chúng dễ dàng bị “nhồi sọ” và trở thành những chiến binh “năng động” khi chưa có khái niệm về cái chết. Do đó, nhiều đứa trẻ bị bắt cóc và đánh đập, buộc phải tham gia chiến sự. Ngoài ra, có một thực tế đau lòng là nhiều đứa trẻ “tự nguyện” tham gia các nhóm vũ trang do nghèo đói. Hy vọng bọn trẻ sẽ được đảm bảo những bữa ăn no và có chỗ ở chính là lý do tại sao một số phụ huynh cho con em mình tham gia vào các lực lượng nói trên.

Trước thực trạng đó, tháng 3/2014, chiến dịch “Trẻ em không phải là binh lính” - một sáng kiến của bà Leila Zerrougui và UNICEF, đã được phát động nhằm mục đích thúc đẩy các nỗ lực để ngăn chặn và chấm dứt việc tuyển dụng và sử dụng trẻ em bởi các lực lượng an ninh quốc gia trong các cuộc xung đột.

Tiến bộ đạt được

Mặc dù bức tranh tổng thể hiện nay không quá khả quan, nhưng LHQ cho rằng không thể không ghi nhận một số tiến bộ quan trọng đã và đang được thực hiện ở nhiều nơi trên thế giới.

Theo bà Zerrougui, trong vòng 20 năm qua, hơn 115.000 trẻ em liên quan đến các bên xung đột đã được phóng thích như là kết quả của các cuộc đối thoại và kế hoạch hành động của LHQ. Tính đến nay, 25 kế hoạch hành động đã được ký kết với các bên xung đột, 9 bên đã thực hiện đầy đủ và đã được huỷ bỏ tên trong danh sách theo dõi, trong đó có Chad, Côte d’Ivoire, Nepal, Sri Lanka, và Uganda.

Kể từ khi ra mắt chiến dịch “Trẻ em không phải là binh lính”, đã có một sự suy giảm đáng kể các trường hợp xác nhận tuyển dụng và sử dụng trẻ em của các lực lượng an ninh quốc gia, đặc biệt là ở Afghanistan, Cộng hòa Dân chủ Congo và Myanmar.

LHQ ngày 2/8 cũng cho biết, tiến trình hòa bình tiếp tục là một cơ hội quan trọng để kêu gọi các bên tham gia xung đột bảo vệ trẻ em. Gần đây nhất, ở Colombia, Chính phủ và FARC-EP đã ký kết một hiệp định lịch sử để tái hòa nhập tất cả các trẻ em có liên quan tới các nhóm vũ trang. Theo một thành viên cấp cao của LHQ, thực hiện thành công thỏa thuận này sẽ là một tín hiệu quan trọng cho các bên trong các cuộc xung đột kéo dài khác, cũng như có thể dẫn đến những kết quả khả quan.

Phát biểu trong cuộc tranh luận về “trẻ em và xung đột vũ trang” của Hội đồng Bảo an LHQ hôm 2/8, Đại diện đặc biệt Zerrougui nhấn mạnh rằng, “chúng ta đang phải đối mặt với những thách thức đáng kể và chúng ta cần những cách thức sáng tạo hỗ trợ cho các sáng kiến và chương trình bảo vệ trẻ em. Các nước thành viên cần đảm bảo đủ nguồn lực cho các dịch vụ giáo dục và y tế trong trường hợp khẩn cấp, cung cấp hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho các chương trình tái hòa nhập hiệu quả cho những trẻ em đã từng là chiến binh. Những sáng kiến này đóng vai trò rất quan trọng nếu chúng ta muốn xây dựng một nền hòa bình lâu dài và bền vững”.

TỐ QUYÊN (Tổng hợp & lược dịch từ UN, UNICEF & Reuters)

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Việt Nam chủ trì phiên họp của Ủy ban của Hội đồng Bảo an về Nam Sudan

Ngày 16/10, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc với tư cách Chủ tịch Ủy ban của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về Nam Sudan, đã chủ trì phiên họp trực tuyến của Ủy ban với bà Virginia Gamba, Đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về trẻ em và xung đột vũ trang.

Việt Nam chủ trì phiên họp của Ủy ban của Hội đồng Bảo an về Nam Sudan
FARC và ELN đối thoại tìm kiếm hòa bình, chấm dứt xung đột

Ngày 11/5, đại diện Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (FARC) và Quân đội giải phóng quốc gia (ELN) đã tiến hành đối thoại tại La Habana (Cuba) nhằm tiến tới mục tiêu chấm dứt hoàn toàn cuộc xung đột vũ trang kéo dài hơn nửa thế kỷ tại quốc gia Nam Mỹ này.

FARC và ELN đối thoại tìm kiếm hòa bình, chấm dứt xung đột
LHQ - hành trình 20 năm bảo vệ trẻ em trong xung đột

Phát biểu nhân dịp kỷ niệm 20 năm chặng đường nỗ lực bảo vệ trẻ em trong xung đột, Đại diện đặc biệt của Tổng thư ký Liên Hiệp quốc (LHQ) về trẻ em và xung đột vũ trang Leila Zerrouguicho biết, trong vòng 2 thập kỷ qua, với vai trò toàn cầu của mình, LHQ đã giúp hơn 115.000 binh sĩ trẻ em giành lại tuổi thơ.

LHQ - hành trình 20 năm bảo vệ trẻ em trong xung đột
An ninh hàng hải: Thách thức lớn của châu Á.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam hôm 5-6 khẳng định chủ nghĩa khủng bố, phổ biến hạt nhân và an ninh hàng hải là những thách thức phi truyền thống ngày một nghiêm trọng mà châu Á - Thái Bình Dương đang đối mặt.

An ninh hàng hải Thách thức lớn của châu Á
Return to top