ClockThứ Bảy, 15/10/2016 05:56
AN TOÀN THỦY ĐIỆN MÙA BÃO, LŨ:

Vận hành, điều tiết hợp lý

TTH - Áp thấp nhiệt đới đổ vào miền Trung, kéo theo một lượng mưa lớn từ 200-300mm. Việc tích nước, điều tiết lũ hợp lý, đang được các chủ hồ thủy điện khẩn trương triển khai nhằm bảo vệ an toàn công trình, tài sản, tính mạng vùng hạ du.

Cán bộ Nhà máy thủy điện Hương Điền kiểm tra các thiết bị máy móc

Ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, gió mùa đông bắc, nhiễu động gió đông trên cao nên từ ngày 13/10, trên địa bàn tỉnh bắt đầu có mưa vừa, có nơi mưa to. Lượng mưa đo được tại các trạm bình quân từ 40mm đến 80mm. Mực nước trên sông Hương dưới báo động 1 khoảng 0,27m và sông Bồ dưới mức báo động 1 là 0,52m. Ông Đặng Văn Hòa, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh cho biết, đã có thông báo và yêu cầu các chủ hồ thủy điện, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó tình hình mưa lũ.

Phó Giám đốc phụ trách Nhà máy thủy điện Hương Điền -Trịnh Xuân Khoa thông tin, nhà máy đã chuẩn bị mọi phương án, sẵn sàng ứng phó đợt áp thấp nhiệt đới đang diễn ra, cũng như toàn mùa bão, lũ. Tính đến thời điểm này, mực nước tại hồ thủy điện vẫn còn thấp (+46,87m), cách cao trình thiết kế đến hơn cả chục mét. Nhưng, tinh thần của nhà máy tuyệt đối không chủ quan, luôn phân công lực lượng túc trực 24/24 giờ để “đón lũ” có thể tràn về bất cứ lúc nào. Công trình luôn sẵn sàng hàng chục ô tô, xe tải, các thiết bị, vật tư để ứng phó, bảo vệ an toàn công trình trong mùa bão, lũ. Nhà máy cam kết tuân thủ đúng yêu cầu, chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh về các quy định, quy trình vận hành liên hồ chứa. Mục tiêu cuối cùng là đảm bảo an toàn công trình, tài sản và tính mạng Nhân dân.

Thủy điện Hương Điền chưa đến mức phải điều tiết xả lũ

 

Ông Phan Ngọc Thọ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đánh giá cao những nỗ lực của các chủ hồ thủy điện trong thời gian gần đây; đồng thời yêu cầu các chủ hồ cần tuân thủ nghiêm chỉnh quy định, quy trình vận hành liên hồ chứa nhằm đảm bảo an toàn công trình, tài sản và tính mạng người dân vùng hạ du.

Ông Trịnh Xuân Khoa chia sẻ, cùng với thủy điện Bình Điền, tại hồ thủy điện Hương Điền đã đầu tư hệ thống phần mềm dropbox theo dõi các thông số nhà máy, đập… thông qua mạng máy tính, kịp thời giúp các cơ quan chuyên môn tham mưu UBND tỉnh trong việc điều tiết lũ. Nhà máy thủy điện Bình Điền, Hương Điền còn triển khai lắp đặt thêm hệ thống scada nhằm giám sát, kiểm soát và thu thập dữ liệu phục vụ công tác quản lý vận hành đập. Đây là các thiết bị hiện đại, theo dõi vận hành, điều tiết nước lũ hợp lý, chính xác.

Ông Chu Văn Thành, Trưởng phòng Kỹ thuật - Công ty cổ phần Thủy điện Bình Điền cho biết, sau cơn bão số 4 đến nay, mực nước tại hồ Bình Điền đạt +67,16m/cao trình thiết kế là +85m, với dung tích 236 triệu m3/423 triệu m3. Công trình đã sẵn sàng ứng phó với áp thấp đang diễn ra, có thể xảy ra lũ lớn. Tại công trình còn lắp đặt 14 camera, nhiều trạm quan trắc đo lượng mưa tự động nhằm kiểm soát mực nước lớn nhất khi lũ khẩn cấp. Ông Thành cho rằng, năm 2016 là năm đầu tiên chính thức các hồ chứa lớn Bình Điền, Hương Điền, A Lưới thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hương.

Từ mùa lũ 2016 trở đi, các hồ thủy điện Bình Điền, cũng như Hương Điền, Tả Trạch thực hiện “lấy hạ du làm chuẩn” để vận hành, điều tiết xả lũ hợp lý, không để xảy ra ngập cục bộ, gây thiệt hại tại các địa phương. Trước khi xả lũ, các chủ hồ đập sẽ thông báo trước với các địa phương tối thiểu 3 giờ nhằm chủ động, kịp thời triển khai các phương án ứng phó.

Ông Phan Thanh Hùng, Chánh văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho biết, Ban thường xuyên theo dõi mực nước trên các sông; tùy thuộc vào lượng mưa, mực nước tại các hồ để có hướng chỉ đạo công tác điều tiết, xả lũ tại các công trình thủy điện một cách hợp lý. Các chủ hồ cần theo dõi diễn biến lưu lượng mưa lũ, mực nước trên khu vực, lòng hồ; tình hình ngập lũ ở vùng hạ du để quyết định thời điểm xả lũ hợp lý, tránh gây lũ kép, nguy cơ thiệt hại tài sản và tính mạng. Riêng đối với hồ thủy điện Hương Điền, do không có dung tích phòng lũ nên cần quan tâm theo dõi thường xuyên để có sự điều chỉnh, bổ sung quy trình vận hành nhằm đảm bảo an toàn hồ đập và các vùng hạ du.

Bài, ảnh: HOÀNG TRIỀU

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông

Sáng 24/4, tại điểm cầu Thừa Thiên Huế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương đã tham dự buổi họp trực tuyến với Chính phủ về sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) quý I, nhiệm vụ quý II năm 2024. UVTW Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng chủ trì hội nghị.

Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông
Đảm bảo an toàn tại các điểm du lịch suối thác

Mùa hè về, loại hình du lịch sinh thái gắn với tắm suối thác đang thu hút nhiều khách du lịch nội địa. Việc chủ động các giải pháp đảm bảo an toàn cho du khách phải được đặt lên hàng đầu.

Đảm bảo an toàn tại các điểm du lịch suối thác
Xây dựng môi trường lao động an toàn

Đảm bảo an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trong lao động, sản xuất được doanh nghiệp (DN), các cấp công đoàn chủ động thực hiện nhằm hạn chế tối đa mọi rủi ro gây ra.

Xây dựng môi trường lao động an toàn
Điều tiết nguồn nước ứng phó hạn mặn

Công ty TNHH NN MTV Quản lý - Khai thác công trình thủy lợi tỉnh (Công ty Thủy lợi) phối hợp với các thủy điện thượng nguồn trong quá trình xả, điều tiết nước, chỉ đạo các trạm quản lý chặt các nguồn nước trên sông. Đồng thời, các đập, cống trên đê tiếp tục thực hiện các giải pháp điều tiết nước hợp lý tránh thất thoát nước trên các trục sông chính ra đầm phá.

Điều tiết nguồn nước ứng phó hạn mặn
Return to top