ClockThứ Năm, 05/04/2012 02:46

Văn hóa doanh nghiệp

TTH - Để ngăn chặn tình trạng “con sâu làm rầu nồi canh” và góp phần lành mạnh hoá môi trường kinh doanh du lịch trong dịp Festival Huế 2012, tuần trước Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh đã có công văn yêu cầu các cơ sở kinh doanh lưu trú trên địa bàn phải niêm yết công khai giá dịch vụ tại quầy lễ tân và bán theo đúng giá niêm yết... Để có cơ sở xử lý các trường hợp vi phạm, Sở còn thông báo cả 2 đường dây điện thoại nóng để khách hàng và công dân tiện phản ánh... 

Cũng trong tuần qua, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức toạ đàm cùng tiểu thương chợ Đông Ba và An Cựu về kỹ năng ứng xử với du khách. Là một địa chỉ tham quan, mua sắm hấp dẫn nhưng tình trạng nói thách, “chặt chém”, cò mồi, ứng xử thiếu lịch thiệp và cả tệ nạn móc túi... diễn ra. Những người tham gia hội thảo đã phân tích và đưa ra một số giải pháp nhằm góp phần xây dựng nét đẹp trong phong cách ứng xử, phục vụ của tiểu thương; đảm sự an toàn cho du khách để Đông Ba thật sự là địa chỉ tin cậy.

Những việc làm thiết thực trước thềm Festival Huế 2012 nói trên cũng là hoạt động tích cực vì thương hiệu và sự phát triển bền vững của ngành kinh tế du lịch, dịch vụ Thừa Thiên Huế. Thực ra, việc niêm yết công khai giá và bán theo giá niêm yết không còn mới. Nghị định 107/2008/NĐ-CP của Chính phủ xem việc các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không niêm yết công khai giá và bán theo giá niêm yếu các sản phẩm, dịch vụ là những hành vi gian lận thương mại; đồng thời qui định các mức xử phạt hành chính tướng ứng đối với các hành vi gian lận thương mại cụ thể. Mức xử phạt đối với các vi phạm về niêm yết giá hiện nay từ 500 ngàn đồng đến 30 triệu đồng tuỳ theo mức độ và mặt hàng... Đáng tiếc là đến nay, nhiều DN có “tên tuổi” trên lĩnh vực du lịch vẫn “vô tư” vi phạm.
 
Trong các kỳ Festival trước, không ít du khách đã bày tỏ sự bất bình và phẫn nộ khi bị chủ kinh doanh khách sạn lợi dụng tình trạng đông khách để tăng giá phòng trọ. Thật vô lý khi cả tỉnh dồn công sức, tiền của để quảng bá di sản văn hoá Huế, Việt Nam và nhân loại để thu hút du khách thì chính những doanh nghiệp du lịch - những người hưởng lợi chính của hoạt động này đã hành xử theo cách ngược lại chỉ vì mối lợi cỏn con trước mắt! Trong đợt kiểm tra mới đây ở các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều cơ sở không niêm yết giá, không có giấy phép kinh doanh, không đủ điều kiện hoạt động... Chuyện giấu giá, nâng giá để ép khách hoặc bán sản phẩm, dịch vụ kém chất lượng... không chỉ diễn ra trong lĩnh vực kinh doanh lưu trú của một số khách sạn tư nhân, mà cả với nhiều điểm bán hàng lưu niệm, các dịch vụ ăn uống... Đây là “khoảng tối” trong hoạt động dịch vụ và kinh doanh du lịch nói riêng của tỉnh. Chính “khoảng tối” này đã làm “ô nhiễm môi trường du lịch” và tác động xấu đến sự phát triển chung của ngành du lịch dịch vụ. 
 
Niêm yết công khai giá và bán theo giá niêm yết không chỉ là một qui định bắt buộc của pháp luật, mà đó là văn minh thương mại và là một yếu tố văn hoá tối thiểu trong kinh doanh của các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Niềm tin của khách hàng vào doanh nghiệp sẽ bị lung lay khi họ biết rằng mình không được tôn trọng, hoặc bị bị chèn ép, lừa gạt... Xây dựng văn hoá doanh nghiệp, tạo dựng niềm tin đối với du khách cũng là một trong những việc làm quan trọng để tạo dựng thương hiệu chung cho du lịch Thừa Thiên Huế.

Hoàng Thành

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top