ClockThứ Năm, 28/07/2016 20:35

Văn hóa không có đất cho dị đoan

TTH - Lâu lắm rồi mới đi lại con đường mà một thời giao thông còn cách trở, phương tiện còn thô sơ tôi vẫn chọn để “đi băng” tới chỗ này chỗ khác ở phía tây thành phố cho nhanh.

Con đường bây giờ khác xưa một trời một vực, bờ bụi được phát quang, mở rộng, đúc bê tông chắc chắn. Ở chỗ xưa kia là đất mồ mả, hoang hóa, nay nổi lên một ngôi điện. Nói là điện, nhưng to rộng, hoành tráng còn hơn cả nhiều ngôi chùa mà tôi từng biết. Trước điện đông đúc xe cộ của con nhang đệ tử khắp nơi “tề tựu”, không ít trong số đó là những chiếc ô tô sang trọng, biển số “đẹp”. Bề thế, rộn ràng như thế, ngó qua cũng có thể biết là ngôi điện làm ăn được.

Xã hội ngày càng văn minh, đời sống ngày càng phát triển, theo logic, mông muội phải bị đẩy lùi. Chẳng hạn trước, loài người thấy sấm chớp thì sợ! Sợ nên thờ, nên cúng. Sau này hiểu đó là hiện tượng bình thường của tự nhiên, nên thôi. Nay lẽ ra mấy cái chuyện ma quỷ vô minh, dị đoan mê tín phải bị đẩy lùi mới phải, sao lại có chiều hướng ngày càng nhiều? Có những chỗ, người đến xem bói đông không kém phòng khám của bác sỹ nổi tiếng. Phải “xin số”, chầu chực chờ đợi, quá bữa có “dịch vụ” ăn uống tại chỗ. Đến lượt nghe “thầy” phán nhăng phán cuội, đôi lúc còn ôm cả mớ bong bong ra về, ăn ngủ không yên. Tiếng là  cứu nhân độ thế, tiền bạc tùy tâm, nhưng sau khi “thánh”, “cô”, “cậu” (nhập vào) đã “thăng”, “thầy” trở lại người bình thường và “bày vẻ” cho người hữu sự phải cúng lễ này lễ khác, tiền vài chục, thậm chí trên trăm triệu là bình thường. Người cúng không biết có được gì không, nhưng “thầy” thì nhà cao cửa lớn, xe xịn, thuốc thơm, bia bọt toàn loại đắt tiền…

Không ít người sau một lễ cúng như vậy là đổ nợ, nhưng “gia sự” thì vẫn rối bời. Con hư, chồng bỏ, làm ăn thất bát, bệnh nan y vẫn đeo trong người …  Có trở lại gặp “thầy” thì “thầy” có… bảo hành đâu? Đôi khi còn bị phán là do “thiếu lễ”, “thiếu thành tâm”, phải cúng lại thì càng chết. Thỉnh thoảng ngồi uống cà phê với một người có chút “căn cốt”, anh này bảo, có những ông chủ điện đến đặt vấn đề chia phần trăm nếu anh giới thiệu “con nhang đệ tử” của mình đến cúng tại điện của họ. “Toàn là những kẻ buôn thánh bán thần cả. Dân mình bị lừa, tội nghiệp!”- Anh này trải bụng.

Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa phát động gần hai chục năm rồi. Ban ngành nào, địa phương nào cũng triển khai, cũng thực hiện, cũng duy trì sơ kết, tổng kết rầm rộ. Nhưng những hoạt động mê tín dị đoan, hoặc núp bóng tôn giáo, tín ngưỡng để hoạt động mê tín dị đoan thì có vẻ vẫn bị buông lỏng, thiếu quản lý, thiếu nhắc nhở. Để bây giờ các địa chỉ, các đối tượng “hành nghề thần thánh” đua nở nhiều nơi từ bác chí nam, gây nên không biết bao nhiêu phiền lụy. Chỉ riêng chuyện lạm dụng vàng mã thôi cũng đã là một vấn nạn cho xã hội rồi. Chưa kể cứ ỷ y lời thầy phán rồi hành xử lung tung, hậu quả có khi khôn lường. Chẳng hạn có nhà có đứa con nhậu đã về, phóng xe máy tự gây tai  nạn, chết! Nghe “thầy”, nhà này cho đập phá lăng mộ của hàng xóm để lấy thêm đất, mở rộng mộ phần của nhà mình. Mà chúng tôi chính là nạn nhân, cơ quan công an phải nhập cuộc và mới xử lý xong hôm qua. Cũng may mà người nhà chúng tôi biết kiềm chế, tôn trọng pháp luật. Còn không, 2 bên sẽ sứt đầu mẻ trán, có khi còn đổ máu như chơi. Ngược ngạo, thất đức và vô nhân như vậy mà “thầy” cũng phán được. Rõ ràng là trò bịp bợm, buôn thần bán thánh không hơn không kém!

Tâm linh, tín ngưỡng là nhu cầu của mọi người, được pháp luật tôn trọng và bảo vệ. Tuy nhiên, nếu thái quá mà sa vào mê tín dị đoan thì là điều rất không nên; những người lợi dụng để hành nghề, trục lợi lại càng là hành vi cần phải phê phán. Xây dựng đời sống văn hóa, hướng đến xã hội văn minh, nạn mê tín dị đoan nhất thiết phải được chấn chính, bài trừ.

Hiền An

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quy hoạch và phát triển chú trọng bảo tồn bền vững các di tích, di sản văn hóa

Phương hướng phát triển lĩnh vực văn hóa và bảo tồn di sản văn hóa của Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Chính phủ phê duyệt chỉ rõ: Xây dựng hệ giá trị đặc trưng, giàu bản sắc văn hoá Huế, con người Huế trên cơ sở gìn giữ, bảo tồn, tôn vinh, phát huy những giá trị truyền thống, đặc trưng, tiêu biểu về văn hoá, lịch sử, con người Huế.

Quy hoạch và phát triển chú trọng bảo tồn bền vững các di tích, di sản văn hóa
Học sinh Huế và Nhật Bản tham gia giao lưu văn hóa

Chương trình giao lưu văn hóa Việt Nam – Nhật Bản với sự tham gia của hàng trăm học sinh đến từ Nhật Bản và Huế do Hội Hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức, khai mạc sáng 28/3 tại 16 Lâm Hoằng, TP. Huế.

Học sinh Huế và Nhật Bản tham gia giao lưu văn hóa
“Tìm đường” để áo dài trở thành di sản văn hóa phi vật thể

Cách đây vài năm, khi ngành văn hóa Huế tiên phong trong việc phục hưng áo dài truyền thống đã có nhiều luồng ý kiến khác nhau, kể cả trái chiều. Tuy nhiên, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh, sự kiên trì, đồng lòng của tập thể cán bộ, sự đồng hành của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và người dân, đề án “Huế - Kinh đô Áo dài” bước đầu đã gặt hái được những thành quả nhất định.

“Tìm đường” để áo dài trở thành di sản văn hóa phi vật thể
Return to top