Tôi tình cờ đọc được trên facebook của người bạn đang sống ở Tây Nguyên: “Nhìn 7 đóa sen hồng mừng Phật đản dần nở trên hồ Nhân Cơ, chao ơi nhớ Huế quê mình, nơi miền núi Ngự - sông Hương”. Lần theo status của người bạn mới hay, chuẩn bị cho các sự kiện kính mừng Phật đản Phật lịch 2567, chùa Phước Quang, xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông hạ thủy 7 đóa sen hồng trên hồ Nhân Cơ. Đây là lần đầu tiên những hoa sen khổng lồ xuất hiện ở vùng đất cao nguyên Đắk Nông để kính mừng Phật đản năm nay.
Lại nhớ về năm 2008, Nhà nước Việt Nam đăng cai tổ chức Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc. Tác phẩm “Bảy đóa sen vàng nâng gót tịnh” trên sông Hương được thiết kế để chào mừng.“Bảy đóa sen vàng nâng gót tịnh” mang ý nghĩa khi Đức Phật mới sinh ra đã đi được 7 bước và trên mỗi bước chân nở thành 1 hoa sen. Bảy hoa sen này nói lên tiến trình tu tập của Đức Phật để chính được đạo quả, chính được giải thoát - niết bàn.
Năm 2010, trong một phiên họp của Ban Trị sự và Ban tổ chức Đại lễ Phật đản đã quyết định lấy 7 hoa sen làm biểu tượng cho Đại lễ Phật đản của Thừa Thiên Huế. Cũng kể từ đó, hằng năm đến mùa Phật đản, tác phẩm “Bảy đóa sen vàng nâng gót tịnh” đã đều đặn được thực hiện. Điều đáng nói là, không chỉ có ở trên dòng Hương của xứ Huế vào dịp Đản sinh mà 7 đóa sen hồng này đã lan tỏa khi lần lượt xuất hiện ở nhiều nơi trên cả nước. Mỗi khi thấy 7 hoa sen xuất hiện trên những con sông là biết mùa Phật đản đã về.
Cũng đã quen với những chè sen, rượu sen hay trà sen và cũng đã nghe nhiều về những sản phẩm từ sen mới lạ và độc đáo, thế nhưng mới đây tôi vẫn thực sự ngỡ ngàng khi tận mắt trông thấy “Nón lá sen to nhất Việt Nam” của họa sĩ Nguyễn Thanh Thảo, cùng những sản phẩm thủ công mỹ nghệ sáng tạo từ sen, như tráp đựng trang sức, bình hoa trang trí lá sen đến những chiếc đèn lồng, quạt, tranh lá sen…
Cách nay 6 năm, Nguyễn Thanh Thảo bắt đầu nghiên cứu, tìm chất liệu mới trong nghệ thuật và ứng dụng vào hàng lưu niệm. Thảo đã tìm ra lá sen và thành công với việc tạo độ bền để lá sen hiện diện trên lớp lợp ngoài cùng của nón Huế. Qua đôi tay người thợ nón Đốc Sơ, nón lá truyền thống và lá sen hợp thành sản phẩm biến tấu nón lá sen độc đáo, giành được giải A cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thừa Thiên Huế 2018. Nón lá sen - chưa nơi nào có được, là một tác phẩm nghệ thuật từ thiên nhiên đã và đang trở thành sản phẩm lưu niệm mang hồn riêng của đất Việt và xứ Huế đến với thế giới.
Có quá nhiều sáng tạo và những câu chuyện mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc về sen - một biểu tượng văn hóa của người Việt. Cũng như áo dài, sen không phải của riêng Huế. Thế nhưng, với “Bảy đóa sen vàng nâng gót tịnh” vào dịp Phật đản mang ý nghĩa biểu tượng văn hóa tâm linh, nón lá sen, một lần nữa cho thấy khả năng phát hiện, sáng tạo và lan tỏa những giá trị của sen, của con người ở đất Thần kinh.