ClockThứ Sáu, 18/09/2015 19:07

Mưa & ngâu

TTH - Ngày cuối cùng trước khi rời đi, Hà Nội mưa. Theo dự báo thời tiết thì bão đang đi vào vùng biển từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi. Cơn mưa bất chừng khi Hà Nội đang vào những ngày đầu thu lãng đãng. Nhưng có lẽ sống ở Huế lâu và cơ hồ đã tạo lập được thói quen ứng phó với khắc nghiệt của thời tiết, nên mình cũng chỉ hơi tiếc một chút xíu. Mà lúc vừa đến, mình nhìn qua cửa máy bay, thấy Nội Bài loáng ướt. Vừa có một cơn mưa qua.

Bạn mình bảo, đang là những ngày cuối của tháng mưa ngâu. Theo như cách mà bạn nói thì đây cũng là một thói quen buộc phải chịu đựng khác của người Bắc. Cái kiểu mưa rầy rà, đôi khi làm nhỡ hết việc và thường thì người ta không làm những việc đại sự trong tháng mưa ngâu. Mình nhớ, sau cuộc trò chuyện trên mạng, mình đã chống cằm ngồi thừ ra để mường tượng cái mưa ngâu là mưa như thế nào, có dai dẳng hoài mãi như mưa Huế không. Nhưng cái mà mình có, sau tất cả những mường tượng, chỉ là một cảm giác có thể gọi tên về một sự chia xa như cách mà người ta nói về một sự ngâu nào đó; hoặc dùng chính từ ấy để nói về sự xa vắng, có phần mong chờ và khắc khoải nhưng không hẳn là chia cắt. Hay là mình bị ám ảnh bởi câu “vợ chồng nhà ngâu”?

Mình nhiều khi đã nghĩ, buồn là một trạng thái khó che giấu nhất trong tất cả các biểu đạt ở con người, nhưng chỉ cần có một chút ngâu theo nghĩa của tính từ thì sẽ thấy đáng yêu lắm. Đó không hề và không phải về sự canh cánh, mà có lẽ luôn là một điều gì nhoi nhói, là nỗi trông chờ không chừng về điều mình vừa có, lại vừa không. Không phải là khao khát nhưng lại rất mong ngóng và nhiều khi thấy run rẩy vì bất định.

Thì cũng là thử phân tích và lý giải một chút về những xúc cảm đang có. Mình đã nghĩ như thế với một cái nhoẻn cười, khi lại chợt mường tượng về một cái nhướng mắt lúc đọc những điều ấy. Nhưng rõ ràng, nó là điều có thật. Và đôi khi bị quên đi trong những công việc mải miết, trôi trong những phím gõ, trong những trao đổi chuyện trò và những cuộc xê dịch. Rồi chợt thấy mình lễnh loãng trước điều vừa chợt đến, có khi chợt khựng lại vì điều gì đó đã trở nên quen thuộc quá đỗi nhưng cũng xa vắng quá đỗi. Y như là khi ta rối bời trong những mông lung nào…

Chạm đến Huế sau khi rời ngày ngâu, mình lại gặp mưa. Bên kia đèo lúc ấy sắp có bão. Nơi mình ở, cảm giác về mùa chắc chắn là rất khó đoán, vì điều rõ rệt nhất chỉ là sự phân định của những ngày nắng cháy và những tháng mưa dầm dề. Có những ngày nắng rất mỏng. Có những ngày con đường cũng xao xác nhưng không như Hà Nội mùa rụng lá. Nhưng sông thì hiền lắm. Âm thầm trôi như giấu hết mọi thứ vào trong.

Nói thì bảo là quá, nhưng đúng là mình đã có mưa và đã có ngâu rồi.
Lê Nguyễn Nhi An
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ

Triển lãm Mỹ thuật trẻ 2024 vừa diễn ra tại Trường đại học Nghệ thuật thu hút được rất nhiều sự chú ý của các họa sĩ trẻ và người yêu nghệ thuật với nhiều tác phẩm mới lạ. Giữa những tác phẩm đầy màu sắc, “Không Không Kó Không” của Hoàng Thanh Khiêm là một tác phẩm sắp đặt khá nổi bật, và càng đáng chú ý hơn nữa khi tác giả là một chàng trai trẻ sinh năm 2009.

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ
220 năm quốc hiệu Việt Nam

“220 năm quốc hiệu Việt Nam – những chặng đường lịch sử (1804-2024)” là chủ đề cuộc hội thảo khoa học do Hội Khoa học Lịch sử tỉnh tổ chức, diễn ra sáng 23/4 tại TP. Huế.

220 năm quốc hiệu Việt Nam

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top