ClockThứ Năm, 14/06/2012 05:45

Sen hồ Tịnh

TTH - Khi nói đến hồ Tịnh Tâm ở Cố đô Huế mọi người liên tưởng ngay đến sen. Một loài hoa tinh khiết, cao quý nhưng lại được mọc lên từ đất bùn nơi các ao hồ. Suốt thời gian dài trong năm, mặt hồ Tịnh Tâm lặng lẽ chỉ có gió nước, nắng mưa, bèo và rau muống, không hề thấy dấu vết của sen hồng, sen bạch.

Cuối mùa xuân, những tia nắng vàng giúp cho những cuống lá sen dần dần mở ra, trải rộng những hình tròn màu lục non với vô số đường gân mơ hồ vàng trắng đan lồng nhau như tơ trời. Qua mùa hạ, sắp đến mùa Phật Đản chúng ta sẽ thấy những phép lạ từ mặt hồ Tịnh Tâm. Sau những đêm dài tĩnh lặng, mặt hồ bỗng rộ lên những búp hồng, búp trắng e ấp, thẹn thùng như dáng hình thiếu nữ miền Hương Ngự nghiêng chào. Khi đợt hoa sen sau cùng vừa úa tàn là lúc tiết trời sang thu, sen buông từng đám bụi phấn vàng rồi thả hương theo gió và hấp thu, tích tụ những dòng năng lượng của trời đất để chuẩn bị tạo nên những mầm sen mới trong tương lai.

Rồi mùa đông qua và xuân lại đến, qua bàn tay của con người những mầm sen ẩn mình trong lòng đất bùn dưới ao hồ để chờ ngày vượt thoát khỏi lớp bùn và mặt nước để vươn lên trong không gian nở hoa. Trong kinh Phật đã ví hành trình của sen như sự chuyển hóa của người tu tập vượt qua tam giới để giải thoát. Đời sen cũng tuần hoàn theo nhịp quay của thiên nhiên, theo vòng xoay của sinh, thành, hoại, diệt rồi lại sinh. Hoa sen như một minh triết sống, đó là sự vô nhiễm trước những môi trường được xem là không trong sạch, biểu hiện qua câu ca dao “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Không những vô nhiễm mà sen còn có chức năng thanh lọc làm cho nước ao hồ lắng trong. Sen còn tượng trưng cho sự hồi sinh, sáng tạo, cho trí huệ siêu việt…

Xứ Huế, có rất nhiều nơi trồng sen. Các ao hồ ở các vùng làng quê, dọc con đường về biển Thuận An, hay các ao hồ ở nhà vườn Kim Long, trong khuôn viên các ngôi chùa,… nhưng đặc biệt nhất là các hồ sen quanh Kinh thành Huế, trong số đó, sen hồ Tịnh Tâm là tuyệt hảo nhất. Một giả thuyết cho rằng, sen hồ Tịnh có vị thanh và thơm ngon như vậy là do dòng nước đó bắt nguồn từ sông Hương. Ngày trước, hồ Tịnh Tâm còn có tên là Ký Tế. Ký Tế là tên một quẻ trong Kinh Dịch bao hàm ý nghĩa “việc đã xong, đã rồi”. Theo sử sách, hồ Ký Tế là một khúc sông Kim Long (thuộc chi lưu sông Hương) chảy qua làng Phú Xuân. Năm 1805, vua Gia Long quyết định nắn, chặn dòng sông này để xây dựng Kinh thành Huế.
 
Những đêm trăng tháng tư, hoa sen hồ Tịnh Tâm nở rộ. Mỗi hạt sương đọng trên mỗi cánh sen in bóng muôn vàn mặt trăng lay động khắp hồ. Mỗi cánh hoa sen như mỗi chiếc thuyền chở trăng lênh đênh theo dòng đời và đưa hồn người vào cõi mông lung với những biến điệu ảo của sắc màu. Đến hồ Tịnh Tâm vào mùa sen nở, mùa trăng lên, đặc biệt là trăng tháng tư, chúng ta mới cảm nhận sự yên bình, thanh thoát trong tâm hồn.
 
Phải chăng, từ các yếu tố: mặt hồ tĩnh lặng, ánh trăng thơ mộng và làn hương sen dìu dặt, đã gợi nên cái tên rất ý vị: Tịnh Tâm? Con người sau những chuỗi ngày tất bật ai ai cũng muốn có những phút giây thanh thản, những cảm giác thư thái, an vui trong tâm hồn. Để rồi trong cuộc hành trình cuối cùng trở về nơi trú xứ xa xưa, trở về với trạng thái vắng lặng,… mọi người phải nỗ lực và thắp lên niềm hy vọng, rồi đây tất cả chúng ta sẽ lần lượt được đón nhận một đoá hoa sen trong cõi miền tràn đầy phúc lạc.

Lê Huỳnh Lâm

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ

Triển lãm Mỹ thuật trẻ 2024 vừa diễn ra tại Trường đại học Nghệ thuật thu hút được rất nhiều sự chú ý của các họa sĩ trẻ và người yêu nghệ thuật với nhiều tác phẩm mới lạ. Giữa những tác phẩm đầy màu sắc, “Không Không Kó Không” của Hoàng Thanh Khiêm là một tác phẩm sắp đặt khá nổi bật, và càng đáng chú ý hơn nữa khi tác giả là một chàng trai trẻ sinh năm 2009.

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ
220 năm quốc hiệu Việt Nam

“220 năm quốc hiệu Việt Nam – những chặng đường lịch sử (1804-2024)” là chủ đề cuộc hội thảo khoa học do Hội Khoa học Lịch sử tỉnh tổ chức, diễn ra sáng 23/4 tại TP. Huế.

220 năm quốc hiệu Việt Nam
Return to top