ClockThứ Ba, 28/12/2021 06:45

Sông Hương: Bao giờ cập bến di sản? - Kỳ II: Hài hòa giữa bảo tồn và phát triển

 

 
 
 

 

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường khi trả lời phỏng vấn về bút ký nổi tiếng “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” của ông cách đây nhiều năm, đã nói lời gan ruột: “Sông Hương như một viên ngọc quý mà thiên nhiên đã ban tặng cho Huế. Hãy bảo vệ vẻ đẹp ấy để nó trường tồn mãi mãi, đừng tham vọng tác động làm thay đổi nó dù điều này không phải dễ...”.

 

Sông Hương đoạn chạy qua cồn Hến, được xem là “Tả thanh long” của Kinh thành Huế. Dòng sông này cũng được xem là linh hồn, trục cảnh quan quan trọng bậc nhất của đô thị Huế

 

Tâm nguyện của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng là trăn trở của bao người Huế trước câu hỏi lớn: Trong khi chưa thể chạm đến giấc mơ di sản thế giới, phải làm gì để bảo tồn sông Hương trước yêu cầu và áp lực phát triển. Khai thác giá trị cảnh quan sông Hương như thế nào trong thành phố mở rộng trên lộ trình đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố di sản cũng là vấn đề đặt ra.

 

 

Trong con mắt nhà đầu tư, cảnh quan đôi bờ sông Hương là tiềm năng đắc địa nếu biết  đầu tư các dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ du lịch. Lịch sử cho thấy, sông Hương từng thu hút một vài dự án du lịch lớn, tuy nhiên, với mong muốn và quyết tâm giữ gìn vẻ đẹp viên ngọc quý sông Hương, những ý tưởng xây dựng, làm dịch vụ dựa trên cảnh quan sông Hương có nguy cơ xâm phạm đều đã dừng lại.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, sông Hương có vị thế khá “nhạy cảm” trong tổng thể kiến trúc đô thị Huế. Mọi động thái xây dựng các công trình liên quan đến cảnh quan sông Hương do đó phải cẩn trọng. Để giữ được giá trị của sông Hương, góp phần tăng giá trị cảnh quan đô thị Huế là nhiệm vụ bảo tồn. Bảo tồn làm sao để đẹp thêm. Bảo tồn cũng là cách để Huế phát triển.

 
 

 

 

Để bảo vệ sông Hương trước áp lực phát triển, năm 2014, Thừa Thiên Huế mời các chuyên gia đến từ Hàn Quốc nghiên cứu, lập quy hoạch chi tiết cho hai bờ sông Hương, đoạn từ đồi Vọng Cảnh về đến phố cổ Bao Vinh với chiều dài 15km, bề rộng tiếp cận các tuyến đường dọc hai bờ sông trung bình mỗi bên khoảng 100m (bao gồm cồn Hến và cồn Dã Viên). Đây được xem là trục cảnh quan quan trọng, đóng vai trò then chốt trong việc phát triển kinh tế, xã hội của đô thị Huế.

 

Sông Hương là thành tố đặc sắc chủ đạo, tạo nên hình thái, thuộc tính duy nhất, không lặp lại, là linh hồn của Huế

Cùng với quy hoạch, một số dự án thí điểm, cải tạo chỉnh trang hai bờ sông Hương – đoạn chảy qua khu vực trung tâm thành phố theo nguyên tắc nương nhờ tự nhiên cũng được thực hiện, như cung đường đi bộ bằng gỗ lim cùng một số hạng mục đi kèm ở bờ Nam sông Hương. Hay việc mở rộng, chỉnh trang tuyến đường đi bộ dọc hai bờ sông từ trung tâm ngược lên hướng thượng nguồn; dự án chỉnh trang đồi Vọng Cảnh, cồn Dã Viên trở thành không gian xanh chung, phục vụ cộng đồng. Những dự án thí điểm được thực hiện trên nguyên tắc tôn trọng yếu tố tự nhiên sẵn có của sông Hương cho thấy tính hợp lý.

 

Tháng 3/2021, UBND tỉnh có quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết 2 bên bờ sông Hương, mở ra một giai đoạn mới trong câu chuyện bảo tồn, phát triển “dòng sông di sản”. Bản quy hoạch chi tiết này sẽ là một công cụ hữu hiệu để chăm chút, quản lý và khai thác giá trị to lớn, một cách bài bản và bền vững sông Hương - “linh hồn của Huế”.

 

 

Nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu thiết tha rằng, với “di sản” sông Hương một khi làm gì thì phải nghĩ kỹ, cho thấu đáo và phải làm từ từ, để khỏi sai lầm

Quy hoạch có không gian, kiến trúc cảnh quan với diện tích khoảng 855 ha, trong đó có hơn 500 ha mặt nước. Theo đó, sẽ có 5 cụm trung tâm bao gồm, khu vực trung tâm TP. Huế và 4 khu vực phụ trợ gồm Phường Đúc, Thuỷ Biều, Vọng Cảnh, Tiên Nộn. Ngoài ra, còn có các khu vực chức năng như khu văn hoá du lịch, hỗ trợ cư trú. Với hệ thống giao thông đô thị theo mối liên quan với tuyến dịch vụ du lịch chủ yếu và khu vực lân cận. Đặc biệt, hệ thống giao thông công cộng được đẩy mạnh giao thông đường thuỷ trên sông Hương và phương tiện giao thông mới. Hệ thống không gian xanh chú trọng mang tính liên tục và tăng cường khả năng tiếp cận với tuyến phố đi bộ.

Ngoài ra, sẽ tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan phân theo 3 vùng: Vùng thượng lưu - từ đồi Vọng Cảnh đến cồn Dã Viên được bảo tồn cảnh quan và quản lý tài nguyên văn hóa lịch sử; Vùng trung tâm đô thị - từ cồn Dã Viên đến cồn Hến là trung tâm du lịch văn hóa và các không gian mở; Vùng hạ lưu – từ cồn Hến đến phố cổ Bao Vinh bảo tồn và khai thác cảnh quan tự nhiên sinh thái.

 

Người dân, du khách trải nghiệm các hoạt động giải trí như tắm, chèo sup… trên sông Hương, đoạn chạy qua giữa lòng TP. Huế

Giáo sư Ohn Yeoung Te - Quản lý dự án của KOICA Hàn Quốc từng cho hay, trong quá trình nghiên cứu quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương chú trọng giữ gìn cảnh quan thiên nhiên và vẻ đẹp thơ mộng của sông Hương, núi Ngự.

Điểm nhấn của quy hoạch là thiết lập các điểm mốc ven sông Hương và địa điểm tổ chức các sự kiện, lễ hội tầm vóc quốc tế, đồng thời hình thành cảnh quan ven sông hài hòa với cảnh quan tự nhiên và môi trường văn hóa lịch sử.

Sắp xếp và định hướng phát triển các công viên xanh gắn với các khu vui chơi giải trí ngoài trời, quảng trường, khu thương mại nhằm thiết lập không gian ven sông thân thiện môi trường và an toàn trước thiên tai và biển đổi khí hậu. Đề xuất dự án đầu tư các địa điểm du lịch trọng tâm, đặc trưng thông qua không gian lễ hội ven sông và trải nghiệm du lịch văn hóa truyền thống bằng đường thủy trên sông.

 

Quy hoạch đã có, tuy nhiên, việc phát triển có ảnh hướng đến mục tiêu bảo tồn sông Hương và ngược lại hay không là vấn đề được nhiều người đặt ra.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cho rằng: “Trên sông Hương nên tạo ra những khu vực phát triển”. Ông Hoa dẫn chứng, hai bờ sông Hương - đoạn đường từ đường Trịnh Công Sơn kéo dài về phía Bãi Dâu và phía đối diện từ Vỹ Dạ kéo về vùng Tiên Nộn, có thể hình thành đô thị cảnh quan mới mà không ảnh hưởng đến kiến trúc. “Khu đô thị mới này nếu được hình thành có thể là vùng đô thị phát triển, tạo ra sự liên kết”, ông Hoa nêu quan điểm.

Chuyên gia quốc tế về tư vấn thiết kế, quy hoạch kiến trúc - TS.KTS. Ngô Viết Nam Sơn – bày tỏ, bản quy hoạch đã tạo cơ hội phát triển các khu vực dọc hai bờ sông và thể hiện được nét văn hóa của Huế qua các giai đoạn. Điều này giúp Huế phát triển bền vững với các hệ thống không gian đô thị riêng biệt tiếp nối các thời kỳ lịch sử của vùng đất thần kinh. “Đây là quy hoạch tốt, đưa ra những đề xuất giúp hai bờ sông Hương trở thành không gian, điểm đến của cộng đồng. Việc quy hoạch này có ý nghĩa quan trọng cho việc chỉnh trang Huế trong tương lai”, ông Sơn đánh giá.

 

Nói về mối liên hệ giữa vấn đề lập hồ si sản – bảo tồn – phát triển, ông Sơn cho biết, ủng hộ việc lập hồ sơ sông Hương trở thành di sản thế giới nhưng “di sản hoá” cả dòng sông thì không nên, cần có những khu vực dành cho phát triển.

Quan điểm của ông Sơn là bảo tồn sông Hương hài hoà với các công trình di sản đã được công nhận nằm trên trục sông Hương, đặc biệt là đoạn chảy qua lăng tẩm, đền đài và khu vực Kinh thành, trung tâm TP. Huế. Nhưng cũng phải tính toán cho những đoạn sông có thể phát triển trong tương lai. “Đây là con sông của nhiều thế kỷ, nó không riêng gì của quá khứ, hiện tại mà còn là con sông của tương lai. Do vậy, chính quyền cần phải nghiên cứu, làm rõ và giải quyết được nút thắt này, từ đó sẽ dễ dàng hơn trong định hướng vừa bảo tồn, vừa phát triển dọc theo hai bờ sông Hương”, ông Sơn nhìn nhận.

 
 

TS.KTS. Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, bản quy hoạch chi tiết 2 bên bờ sông Hương đã tạo cơ hội phát triển các khu vực dọc hai bờ sông và thể hiện được nét văn hóa của Huế qua các giai đoạn

Ông Phan Thiên Định, Bí thư Thành uỷ Huế cho biết, sau khi mở rộng địa giới, tăng diện tích gấp 4 lần, theo trục dọc của sông Hương và không chỉ ôm trọn con sông tuyệt vời ấy vào lòng đô thị mà còn kéo dài, giao thoa ra tận vùng đầm phá, cửa biển. Đó chính là tiềm năng, lợi thế và cơ hội để bảo tồn, gìn giữ giá trị sản, văn hoá cốt lõi song song với thúc đẩy phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó, sẽ xử lý nghiêm những công trình, dự án vi phạm, có sự điều chỉnh các dự án, công trình theo hướng bảo vệ sông Hương. Cũng theo ông Định, sẽ tính toán đến việc di dời một số nhà máy có nguy cơ gây ô nhiễm, xả thải… từ thượng nguồn cho đến hạ lưu.

 

 

“Ngoài ra, chúng ta phải có những đầu tư để đảm bảo tránh những sạt lở của sông Hương, đồng thời nâng vẻ đẹp sông Hương lên. Rồi phải có biện pháp nạo vét, để dòng chảy đảm bảo lưu lượng thoát nước tốt nhất cho việc bảo vệ thành phố, bảo vệ người dân và bảo vệ cảnh quan của hai bờ sông vào mùa mưa lũ”, ông Định nhấn mạnh.

 

 

>>  Sông Hương: Bao giờ cập bến di sản? - kỳ I: Gian nan đường đến di sản thế giới

Nội dung: PHAN THÀNH - LÊ THỌ

Hình ảnh: HOÀNG HẢI - TRẦN THIỆN - PHAN THÀNH - PHAN THẮNG TƯ LIỆU

Thiết kế: NGUYỄN QUÂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đến hẹn lại... đua

Đã thành thông lệ, đúng vào dịp kỷ niệm giải phóng 26/3, sông Hương lại dậy sóng với lễ hội đua ghe truyền thống thành phố Huế. Người Huế gọi dịp này là đua ghe 26/3 để phân biệt với lễ hội đua ghe truyền thống tổ chức vào dịp Quốc khánh 2/9, có quy mô toàn tỉnh.

Đến hẹn lại  đua
Huế xưa mới

“Huế cổ kính, mà luôn luôn mới mẻ, bất ngờ. Ai đã từng dành trọn buổi sớm mai sương khói hay buổi chiều tà mát mẻ đi một vòng dọc hai bờ sông Hương mới cảm nhận được sức sống kỳ diệu của thành Huế bây giờ… Huế đi lên từng ngày, dần xứng tầm là một đô thị di sản, một trung tâm văn hóa, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu tương lai của nước nhà, của khu vực” - Đó là những cảm nhận sâu sắc của một người bạn xa về một Huế “muôn đời đẹp và thơ”.

Huế xưa mới
“Tìm đường” để áo dài trở thành di sản văn hóa phi vật thể

Cách đây vài năm, khi ngành văn hóa Huế tiên phong trong việc phục hưng áo dài truyền thống đã có nhiều luồng ý kiến khác nhau, kể cả trái chiều. Tuy nhiên, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh, sự kiên trì, đồng lòng của tập thể cán bộ, sự đồng hành của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và người dân, đề án “Huế - Kinh đô Áo dài” bước đầu đã gặt hái được những thành quả nhất định.

“Tìm đường” để áo dài trở thành di sản văn hóa phi vật thể
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thời Nguyễn

Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế vừa cho ra mắt cuốn sách: Giá trị văn hóa thời Nguyễn, gồm 23 bài viết với 380 trang. Các bài viết đã nhìn nhận một cách toàn diện, khách quan, mang tính chất tổng kết nghiên cứu di sản Cố đô Huế, góp phần làm rõ giá trị văn hóa truyền thống và bản sắc văn hóa Huế.

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thời Nguyễn
Cầu... nối lòng dân

Chuyện thật đáng mừng cho đất nước ta là có hàng trăm cây cầu được xây mới trong những năm vừa qua đến từ sự đóng góp của cá nhân người dân, nhóm thiện nguyện, doanh nghiệp. Điều đó cho thấy lời kêu gọi Nhà nước và Nhân dân cùng làm là giải pháp hiệu quả cho những thách thức lớn về phát triển cơ sở hạ tầng trong mọi thời kỳ.

Cầu  nối lòng dân
Return to top