ClockChủ Nhật, 01/01/2012 16:08

Sương non tháng Giêng

TTH - Tháng giêng dương lịch ở Huế, đất trời vừa sạch bùn sau những ngày mưa lũ tháng chạp ta. Mưa dội bùn liên miên suốt chuỗi ngày dài cuối năm, như muốn kịp dọn dẹp để làm một cái gì đó trước thời khắc mới. Nếu thời tiết may mắn, sẽ có một ngày nắng lên, lúc đó cây lá như vừa được lau khô sau cuộc tắm rửa sạch sẽ.

Dù vậy, trong ánh nắng rực rỡ, cành lá vẫn đang mặc chiếc áo cũ năm trước của những tán lá già cỗi, và từ những nách lá đã nghe cựa bên trong thân cây mầm non đang trồi lên cuộc thế. Đó đây, những tán cây bàng lá vẫn mang màu xanh nặng hơn, làm cho vạt nắng rọi chiếu lên nó vàng đậm hơn. Những cây muối còn sót lại như những chứng nhân xanh lá kiêu hãnh đi giữa thời gian. Những cây phong trên đường Lê Lợi dọc sông Hương cũng vậy, khúc khuỷu những mắc cành, mắc cây như những ánh mắt trải đời đã đi qua không biết bao nhiêu lần bốn mùa trong năm… Chỉ có những cành me là lại ra lộc non, xanh phơn phớt vẫy tay chào người. 

Và sương tháng Giêng đẹp đến tinh khôi là bởi những giọt sương non nằm trên những chiếc lá non ấy. Chúng lãng đãng từ tầng không và neo lại một cách nhẹ nhàng trên từng chiếc lá nhỏ li ti, và khi ánh nắng ban mai chiếu lên đó, những hạt sương bỗng như thức dậy, óng ánh. Tất cả tạo nên một vũ hội xanh non và lấp lánh non, tạo nên một hiệu ứng thanh tân vô tiền khoáng hậu giữa đất trời.
 
 
Gốc rễ cho vũ hội thanh khiết xanh tinh khôi ấy, lại là một xù xì nâu, sần sùi nâu của thân cây me oằn mình qua bao mùa mưa bão. Lạ lùng thay là tạo hóa, cái đẹp bao giờ cũng vậy, thăng hoa từ những thân thể mang dung mạo xấu xí không ngờ.
 
 
Hoa phù dung nở trong nắng sớm, để rồi sẽ rụng lúc cuối chiều. Hoa ấy cùng họ với sương, cũng đến làm nên một cuộc vũ hội hương sắc tưng bừng rồi tan biến đi. Hoa phù dung tím như một giấc mơ ngắn ngủi, như một đoản miên giữa cơn mộng mị thế gian.
 

Ảnh : Phan Hải Bằng
 
 
Tháng giêng đi trong phố sớm. Cái áo khoác lạnh sương không đủ ướt nhưng hơi lạnh lại nhắc nhở rằng sương đang hiện diện quanh đây. Những chiếc vài trắng trên cầu Trường Tiền phủ một lớp hơi sương mỏng, chạm tay vào đó, ngỡ như đọc được trên thành cầu dấu vân tay của cuộc đời mình, như đã gắn bó máu thịt nơi xứ sở này, không rứt ra được, mà cũng chẳng cần rứt ra để làm chi. Bây chừ đi mô, làm cái chi cũng lồ lộ cái chất Huế từ dáng đi, giọng nói, cung cách tỏ bày... Người Huế đi xa giọng Huế còn sang hơn cả người sở tại, vậy thì rứt ra để làm chi nữa. Không còn mặc chiếc áo dài tím, không còn đi guốc mộc, nhưng giọng nói, cung cách dạ thưa thì vẫn là Huế đó thôi, làm sao khác được. Vậy nên có rứt để cho đỡ chút ít cái nỗi nhớ Huế ngân ngấn dâng đầy trong mắt tháng giêng chưa về với Mạ, thì cũng là rứt đòi đoạn, rứt kiểu “chiều chiều ra đứng ngõ sau nhớ về quê mạ” mà thôi...
 
 
Soi vào màn sương sông Hương dưới kia, như thấy dấu vân tay Huế lăn tăn an nhiên, bình thản trên sóng nước thu ba. Dấu vân tay của một xứ sở tài hoa in trên dòng sông thơm thảo, quả không thể có một nơi nào khác nữa trên thế gian này, lại có dấu vân tay lưu dấu trên dòng sông như Huế.
 
 
Sương non tháng giêng Huế mỏng tang như cõi “áo em trắng quá nhìn không ra” trong thơ Hàn thi nhân, hay chính sương non tháng giêng làm nên chiếc áo ảo ảnh càn khôn qua năm qua tháng ấy?
 
 
Sương lưu dấu mỏng manh, bãng lãng trên khắp trời Huế. Lưu dấu trên những cánh rêu cổ thành, trên những cành ngô đồng tháng giêng ấp ủ nụ tím trong cây, lưu dấu trên những tán lá “đường phượng bay mù không lối vào” từ mấy mươi năm trước đến giờ, lưu dấu trên những vườn hoa mà bàn tay bao người tài hoa đang chuẩn bị hoa cho tết… Những vườn hoa tết tháng giêng nụ đã bắt đầu căng. Năm nay chừng sau hai mươi tháng giêng là tết, nên nhà vườn chăm hoa sớm, mới sang tháng mười hai mà buổi sáng đã thấy sương treo trên những nụ căng vừa chớm từ cành nách cây hoa.
 
 
Về Huế giữa mùa sương non tháng giêng dương lịch, chạm tay đó đây trên di tích kinh kỳ thành cổ Huế, bỗng nghe dư âm cuộc đời thoảng lại đó đây, như thoảng trong bụi mù sương, biết bao câu chuyện vọng ngân của xứ sở. Những câu chuyện từ sương non, bao giờ cũng vậy, là những câu chuyện tồn sinh ân cần của tạo hóa, nhắc nhở mình sống sao cho lưu dấu vân tay vô thường giữa thinh không, để khỏi phải ngày sau, có lúc nhìn đôi bàn tay in hằn dấu tuổi, giật mình vì những nỗi sân si...
 
 
Sương non tháng giêng rơi, rất mỏng giữa lưng chừng trời...
 
Hồ Đăng Thanh Ngọc
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kỷ niệm ngày Sân khấu Việt Nam

Ngày 26/9, tại nhà hát Duyệt Thị Đường, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Hội nghệ sĩ Sân Khấu Thừa Thiên Huế tổ chức kỷ niệm Ngày Sân khấu Việt Nam (12/8 âm lịch).

Kỷ niệm ngày Sân khấu Việt Nam
Thăm Văn miếu Trấn Biên

Sự xuất hiện của Văn miếu Trấn Biên cách đây hơn 300 nơi vùng đất phương Nam xa xôi là một minh chứng sống động cho sự coi trọng văn hóa, giáo dục, bồi đắp nhân tài của các đấng tiền nhân trong tiến trình mở cõi…

Thăm Văn miếu Trấn Biên
Tôn vinh những cống hiến của Đại thi hào Nguyễn Du đối với văn hóa dân tộc và nhân loại

Ngày 24/9, Lễ tưởng niệm lần thứ 203 ngày mất Đại thi hào dân tộc, Danh nhân Văn hóa thế giới Nguyễn Du (1820 - 2023) được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Tĩnh phối hợp cùng Hội đồng Gia tộc Nguyễn Tiên Điền cử hành tại Khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh.

Tôn vinh những cống hiến của Đại thi hào Nguyễn Du đối với văn hóa dân tộc và nhân loại
Return to top