ClockThứ Năm, 05/06/2014 13:26

Thế giới “hình như là…” của Đặng Mậu Tựu

TTH - Không tư duy nghệ thuật theo sự mô phỏng vật thể khách quan, họa sĩ Đặng Mậu Tựu tìm đến cho mình một hướng đi khác cho hội họa của ông. Hầu như trong tranh của ông người ta ít khi tìm thấy sự hiện diện một cách chân thực của vật thể mà bằng sự xô lệch của vật thể tranh...
Năm mươi năm gắn bó với Huế, gắn bó với Sông Hương... là cội nguồn cho sự mơ mộng thường thấy trong các gam màu mà họa sĩ Đặng Mậu Tựu sử dụng. Trong tranh của ông thường là sự xuyên thấm lẫn nhau của màu xanh lạnh, màu nâu của đất đá và màu trắng của khói sương. Các hình họa như không có đường biên mà chúng được làm mờ nhèo rồi tan biến vào nhau, khơi gợi một không gian liên tưởng rộng lớn hơn về một vùng đất giàu trầm tích văn hóa.
 
Thế giới màu sắc của Đặng Mậu Tựu dường như không chịu chi phối nhiều bởi lý tính, chúng nghiêng về sự ngẫu nhiên của trực cảm. Cảm xúc là điểm khởi phát cho một tác phẩm và khi cảm xúc dâng trào thì các họa tiết tự sản sinh. Là người không xếp mình vào bất cứ một trào lưu nghệ thuật nào nên tranh của ông có nhiều sự biến dịch liên tục, nhiều sự biến đổi qua các thời kỳ và qua các chất liệu mà ông thể nghiệm.
 
Những mảnh rời ký ức là cuộc triển lãm ấn tượng nhất từ trước đến nay của Đặng Mậu Tựu, triển lãm được khai mạc vào tháng 4-2014, tại phòng trưng bày Lê Bá Đảng. Đối với nhà phê bình Lê Huỳnh Lâm, thì khi bước vào không gian triển lãm này, người ta như được trỗi dậy những cảm xúc của kẻ trở về sau chuyến lang thang xa quê nhà. Rồi chợt nhận ra một điều, để thưởng ngoạn những tác phẩm trừu tượng hoặc phải thật say, hoặc phải bỏ quên bộ óc duy lý bên ngoài tác phẩm để mặc trái tim tự do cảm thụ.” Còn họa sĩ Đặng Mậu Tựu nói rằng, thế giới của ông “nó hình như là khúc quành của dòng sông, là cánh đồng mùa xuân, là mưa ở một gốc thành phố, là sắc rêu phong ở bờ tường thành cổ, là câu chuyện buồn vui dang dở, là hạnh phúc tràn đầy, cả những niềm đau quặn thắt ở nơi những thân phận bi thương mà mình đã gặp, cả những giấc mơ nửa chừng… Tất cả đều không trọn vẹn, có cái còn nhìn rõ, có cái vụn vỡ, tan hoang…”
Trò chuyện với chúng tôi tại Sông Như, một phòng tranh cá nhân của ông, họa sĩ Đặng Mậu Tựu thổ lộ rằng, việc sáng tạo cần vượt ra ngoài sự kìm tỏa của các trường phái. Sáng tạo phải khởi đi từ những cảm xúc mãnh liệt. Ở thế giới sáng tạo, người họa sĩ đang sống trong một thế giới tách biệt với đời thường trần trụi, đời thường lắm nỗi thị phi. Ông cho biết: “Khi vẽ, tôi thường diễn đạt những xúc cảm bị dồn nén trong nội tâm, cố gắng vượt ra ngoài các công thức, tìm đến sự tự do trong tưởng tượng và liên tưởng.” Sự chú trọng diễn đạt những xúc cảm chứa ẩn trong nội tâm, khiến sự thực hành nghệ thuật của Đặng Mậu Tựu gần với lối tư duy của nghệ thuật siêu thực, một trào lưu nghệ thuật lấy giấc mơ làm điểm tựa.
Đối với họa sĩ Đặng Mậu Tựu, những ai không tự làm mới mình sớm muộn cũng sẽ đứng trước những bế tắc. Xem tranh của ông, người ta nhận thấy có những dấu vết của trường phái phi hình thể (Informel), bán trừu tượng (Semi abstract), và biểu hiện trừu tượng (abstract expressionism)… Sự đa dạng đó sẽ hứa hẹn cho những thể nghiệm tiếp theo trong tương lai của ông. Ông sẽ còn mở ra một thế giới cho riêng mình, một thế giới “Hình như là”. Nghĩa là thế giới đó không rõ đường biên, mặc nhiên cho sự lan tỏa, một thế giới chưa hoàn kết, một thế giới vẫy gọi, một thế giới mở…
Lê Minh Phong
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tổ chức Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu lần thứ 10

Tiếp nối thành công 9 năm, Ban dự án Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu tiếp tục phối hợp với các tổ chức, cá nhân, Hội đoàn, cộng đồng kiều bào, các nhà trí thức, khoa học và bạn bè quốc tế tổ chức trực tiếp và trực tuyến Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu - Lễ Giỗ Tổ và vinh danh con cháu Vua Hùng toàn cầu 2024 với chủ đề “Hoà bình - Di nguyện của tổ tiên”.

Tổ chức Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu lần thứ 10
Đưa sách đến với cộng đồng

Những năm qua, bên cạnh công tác phục vụ tại chỗ cũng như tổ chức các sự kiện về văn hóa đọc, Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế còn triển khai việc đưa sách, báo về phục vụ tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, các đồn biên phòng, trại giam… với mong muốn đáp ứng tốt nhu cầu hưởng thụ sách, báo của người dân.

Đưa sách đến với cộng đồng
Tuổi trẻ kiến trúc với di sản

Liên hoan Sinh viên Kiến trúc toàn quốc là hoạt động được tổ chức hai năm một lần (bắt đầu từ năm 1988) bởi Hội Kiến trúc sư Việt Nam. Đây là hoạt động truyền thống có tầm vóc, quy tụ các trường đại học đào tạo ngành kiến trúc trên cả nước, là cơ hội thể hiện tài năng sáng tạo và hội nhập của các kiến trúc sư tương lai khi còn khoác áo sinh viên.

Tuổi trẻ kiến trúc với di sản
Bàn giao, đưa vào vận hành 20 xe đạp điện GCOO tại lăng Gia Long

Ngày 15/4, Công ty TNHH Gbike (Viet PM) phối hợp cùng Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế thực hiện Lễ bàn giao và đưa vào vận hành 20 xe đạp điện GCOO tại Lăng Gia Long. Đồng thời, chuyển giao công nghệ, cung cấp các dịch vụ phụ trợ như ứng dụng công nghệ chia sẻ xe đạp GCOO, sạc điện và bảo trì xe đạp điện.

Bàn giao, đưa vào vận hành 20 xe đạp điện GCOO tại lăng Gia Long
Return to top