ClockChủ Nhật, 06/12/2015 08:35

Thông điệp ẩn hiện từ nghệ thuật

TTH.VN - Như thường lệ, triển lãm mỹ thuật thường niên được tổ chức vào dịp cuối năm mang đến cho công chúng thưởng lãm những trải nghiệm nghệ thuật thú vị.


Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu (giữa) cắt băng khai mạc triển lãm

Chiều tối 5/12, tại New Space Art Foundation – Trung tâm Văn hóa Phương Nam, Liên hiệp các Hội VHNT, Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế và Chi hội Mỹ thuật Việt Nam tại Huế phối hợp tổ chức triển lãm mỹ thuật mừng 64 năm ngày truyền thống mỹ thuật Việt Nam (10/12/1951 – 10/12/2015). Ông Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã đến dự và cắt băng khai mạc.

Triển lãm trưng bày 55 tác phẩm của 52 tác giả thuộc nhiều thế hệ hội viên của Hội Mỹ thuật. Với nhiều thể loại, như: hội họa, đồ họa, điêu khắc, sắp đặt trên nhiều chất liệu cùng sự đa dạng phong cách thể hiện, phòng tranh có thể xem là bức chân dung khá tiêu biểu của mỹ thuật Thừa Thiên Huế hiện nay.

Bên cạnh các tác phẩm mang giá trị biểu cảm cao, sâu lắng từ các chất liệu truyền thống như sơn mài, lụa, sơn dầu, acrylic, in khắc kim loại, khắc gỗ, gò đồng, còn có những khai phá, tìm tòi mới trên chất liệu kim loại, tạo hình từ nghệ thuật giấy, kỹ thuật in paper block hay thủ pháp kết hợp chất liệu phi truyền thống mang lại những rung cảm thú vị trong thị giác người xem.

Một số tác phẩm tại triển lãm được Hội đồng nghệ thuật đánh giá cao. Trong đó, tác phẩm được nhận giải thưởng thường niên của Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế năm 2015 gồm: “Giao thừa” (lụa) của Phan Hoài Niệm, “Tiếng chuông vàng” (khắc gỗ) của Nguyễn Ý Nhi, “Ký ức tuổi thơ” (gò đồng) của Vũ Hữu Chung. Hai tác phẩm: “Mẹ thiên nhiên” (in độc bản) của Nguyễn Thị Lan và “Người trẻ” (acrylic) của Trần Ngọc Bảy được đề cử tham dự giải thưởng VHNT Thừa Thiên Huế năm 2015.


Tác phẩm “Ký ức tuổi thơ” (gò đồng) - Vũ Hữu Chung

Họa sĩ Nguyễn Thiện Đức, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế chia sẻ: “Ở phòng tranh này, cái đẹp của thế giới nội tâm được ẩn dụ qua cấu tứ của ngôn ngữ tạo hình và kỹ thuật chất liệu đa dạng nhưng vẫn lấp lánh trong cảm nhận của chúng ta những thông điệp ẩn hiện từ nhiều góc cạnh của sự khát khao tìm kiếm lý tưởng chân – thiện – mỹ cho nghệ thuật và cho cuộc sống đời thường”.

Họa sĩ Nguyễn Thiện Đức cũng đã điểm lại chặng đường phát triển của mỹ thuật tỉnh nhà: “Qua 12 nhiệm kỳ, mỹ thuật Thừa Thiên Huế đã không ngừng lớn mạnh, luôn thể hiện được vai trò hạt nhân kết nối, quy tụ và tổ chức các hoạt động mỹ thuật trên địa bàn tỉnh. Với trên 130 hội viên địa phương, trong đó có 45 hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam cùng nhiều thành tích hoạt động và giải thưởng từ địa phương đến quốc tế, Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế đã khẳng định được vị thế là một trong ba trung tâm mỹ thuật của cả nước”.

Triển lãm diễn ra đến ngày 12/12.

 

Trang Hiền
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

220 năm quốc hiệu Việt Nam

“220 năm quốc hiệu Việt Nam – những chặng đường lịch sử (1804-2024)” là chủ đề cuộc hội thảo khoa học do Hội Khoa học Lịch sử tỉnh tổ chức, diễn ra sáng 23/4 tại TP. Huế.

220 năm quốc hiệu Việt Nam
Đưa triển lãm di sản văn hóa Huế đến Điện Biên

Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế ngày 22/4 cho biết, trong khuôn khổ các hoạt động năm Du lịch quốc gia 2024 và Kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) diễn ra tại Điện Biên, đơn vị đã đưa triển lãm chuyên đề “Huế - Di sản văn hoá, điểm đến tiềm năng” giới thiệu đến với công chúng.

Đưa triển lãm di sản văn hóa Huế đến Điện Biên
Hội thi tuyên truyền kỷ niệm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn đến Huế

Hội thi tuyên truyền lưu động kỷ niệm 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2024) do Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức sau khi đi qua nhiều tỉnh, thành đã đến Huế trình diễn vào tối 21/4 tại Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh, 41A Hùng Vương, TP. Huế.

Hội thi tuyên truyền kỷ niệm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn đến Huế
Return to top