ClockThứ Bảy, 04/09/2010 20:53

Đã có sân chơi, phải có trọng tài

TTH - Thành lập trung tâm giám định cổ vật là cách để chuyên nghiệp hoá hoạt động giám định và đấu giá cổ vật đang nảy sinh rất nhiều vấn đề – đó là nhận định của PGS.TS Đặng Văn Bài – nguyên cục trưởng cục Di sản văn hoá, hiện là uỷ viên hội đồng Di sản văn hoá quốc gia, Phó Chủ tịch hội Di sản văn hoá Việt Nam.
PGS - TS Đặng Văn Bài - ảnh từ internet

Bộ Văn hoá – thể thao và du lịch đã có thông tư 07 hướng dẫn các địa phương tiến hành đăng ký cổ vật, nhưng đến nay chỉ có vài nơi hưởng ứng. Thưa ông, phải chăng nhu cầu giám định cổ vật chưa cao hay niềm tin vào chiếc tem chứng nhận đã giảm sút?

Theo tôi, có mấy nguyên nhân.Thứ nhất, chủ sở hữu sợ mất quyền tự do, sợ đăng ký cổ vật rồi sẽ bị quản lý. Họ không hiểu, tự do cũng đi kèm rủi ro. Nếu cổ vật chẳng may bị mất cắp sẽ không có cơ sở nào để công an vào cuộc điều tra. Tôi không loại trừ trường hợp có một số ít cá nhân, chơi cổ vật là phụ, buôn bán là chính, thậm chí buôn bán trái phép, chắc chắn không muốn đăng ký. Thứ hai, có những lãnh đạo sở và bảo tàng địa phương chưa tích cực thực hiện thông tư 07 do sợ ôm cái khó vào người, sợ thẩm định sai. Thứ ba, năng lực chuyên môn của cán bộ giám định chưa cao.
 
Còn về nhu cầu giám định cổ vật, tôi nghĩ, bao giờ cũng có, nhất là trong thời kỳ hội nhập quốc tế, cổ vật Việt Nam nếu muốn tham gia triển lãm tại nước ngoài, bắt buộc phải có tem chứng nhận.
 
Lâu nay, sai sót trong công tác giám định cổ vật xảy ra khá thường xuyên, thậm chí có lúc ngay ở hội đồng giám định cấp bộ! Theo ông, đó là do trình độ của chuyên gia hay một số người “nhắm mắt làm ngơ” vì động cơ thiếu trong sáng?
 
Cả hai. Hội đồng giám định cổ vật của bộ, số lượng thành viên có hạn và cùng lúc phải kiêm nhiệm nhiều việc, nên có lẽ, chỉ tham gia giám định những trường hợp quan trọng, chứ không có điều kiện bao quát tất cả. Trong trường hợp quá nhiều nhà sưu tập cùng một lúc đăng ký thì vượt quá sức thẩm định của hội đồng giám định cấp bộ lẫn ban giám định cấp sở. Còn việc cố tình nhầm lẫn trong giám định cổ vật, theo tôi biết, ở triển lãm này, kia, đã có những cổ vật bị nghi ngờ. Không loại trừ trường hợp, một số nhà sưu tầm trót mua phải đồ “giả cổ” từ Trung Quốc với giá không nhỏ, nên không muốn thừa nhận cổ vật của mình không phải là “gốc”.
 
Vậy thì việc ra đời trung tâm giám định cổ vật sẽ có tác động tích cực thế nào đến công tác giám định cũng như sự hình thành thị trường đấu giá cổ vật?
 
Muốn có một sân chơi chính thức, thì những gì liên quan đến sân chơi ấy đều phải được hình thành một cách hoàn chỉnh, đặc biệt là trọng tài. Hiện tại, chúng ta chưa có thị trường đấu giá cổ vật, nhưng thị trường “ngầm” thì xuất hiện khắp nơi. Ở đó, người ta chơi cổ vật theo kiểu buôn bán trao tay, không chịu sự quản lý của pháp luật. Mọi điều khuất tất, bao gồm cả nạn chảy máu cổ vật từ đấy mà nảy sinh. Nếu có trung tâm giám định cổ vật, đồng thời cho phép mở cửa hàng cổ vật, chúng ta có thể quản lý được hoạt động buôn bán cổ vật. Như thế thì mới hình thành được thị trường đấu giá cổ vật chính thức, công khai và tiến tới tổ chức đấu giá cổ vật quốc tế.
 
Đương nhiên, khi đó, quy trình giám định cổ vật, tem chứng nhận đều phải thống nhất, và chỉ có chuyên gia được cấp chứng chỉ mới có quyền tham gia giám định. Xét trên thực tế Việt Nam, hiện tại, để ra mắt ngay một trung tâm giám định và đấu giá cổ vật là hơi khó. Nhưng đấy là con đường chúng ta nhất định phải đi, bởi rất nhiều quốc gia khác đều đã đi!
 
Thiếu chuyên gia và thiếu trang thiết bị hiện đại, trung tâm sẽ làm gì để giải hai bài toán khó ấy?
 
Đến thời điểm này, trong công tác giám định, ở ta vẫn chưa sử dụng những phương tiện kỹ thuật hiện đại mà dựa trên kinh nghiệm là chính. Trung tâm sẽ phải dần dần đầu tư mua thiết bị. Về đội ngũ chuyên gia, bên cạnh thành phần “cứng” – chỉ cần vài người, hội đồng giám định nên mời các nhà sưu tầm lâu năm, có uy tín cùng tham gia.
 
Hương Lan (thực hiện) - theo SGTT
 
“Yếu tố chuyên gia quan trọng hơn”
 
“Giám định cổ vật, không thể chỉ coi trọng máy móc thiết bị, vì có những phương pháp có sai số lớn, hoặc chỉ có thể giám định về tuổi của chất liệu (đất, đá, gỗ…) mà không thể giám định tuổi cổ vật (do con người làm ra từ khi nào, bằng cách nào). Do vậy kinh nghiệm và kiến thức của chuyên gia, theo tôi, là cực kỳ quan trọng. Những chuyên gia giỏi ngoài kiến thức và kinh nghiệm về các loại hình cổ vật còn có sự từng trải trong xã hội và kiến thức nhiều khoa học liên quan, mang lại cho họ sự mẫn cảm khá chính xác về đối tượng mà họ giám định.
 
Hội đồng giám định nếu là những chuyên gia giỏi chuyên môn, thuần tuý nghiên cứu mà cá nhân họ không tham gia sưu tầm hay chơi đồ cổ thì có lẽ sẽ khách quan, tạo được sự tin tưởng hơn cho người có cổ vật giám định. Có thể sẽ có người hỏi: không sưu tầm (mua bán) đồ cổ thì làm sao biết giá trị của nó? Theo tôi, hai vấn đề này tách biệt nhau: giá trị của cổ vật do chuyên gia giám định, còn trị giá kinh tế của nó trên thị trường thì các hãng – cơ quan đấu giá là nơi xác định.
 
Theo sự hiểu biết của tôi, ở nhiều nước những người làm trong bảo tàng nhà nước thì không sưu tầm cổ vật cho cá nhân để đảm bảo không chia sẻ lợi ích cá nhân và lợi ích của bảo tàng, cũng như đảm bảo cho sự “an toàn” của hiện vật trong bảo tàng. Đây cũng là những chuyên gia mà các hãng đấu giá cổ vật mời tham gia giám định”.
 
TS Nguyễn Thị Hậu - Phó Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam
 
 
 
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sách Huế trong Hội Sách Quốc gia

Nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin – Truyền thông, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức chuỗi sự kiện chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.

Sách Huế trong Hội Sách Quốc gia
Tuổi trẻ kiến trúc với di sản

Liên hoan Sinh viên Kiến trúc toàn quốc là hoạt động được tổ chức hai năm một lần (bắt đầu từ năm 1988) bởi Hội Kiến trúc sư Việt Nam. Đây là hoạt động truyền thống có tầm vóc, quy tụ các trường đại học đào tạo ngành kiến trúc trên cả nước, là cơ hội thể hiện tài năng sáng tạo và hội nhập của các kiến trúc sư tương lai khi còn khoác áo sinh viên.

Tuổi trẻ kiến trúc với di sản
Return to top