ClockThứ Bảy, 14/09/2019 16:29

Hẹn ngày trở lại

Giữa những ngày đẹp nhất của mùa thu, du khách bốn phương trở lại xứ Tuyên để hòa mình vào không khí của một lễ hội “có một không hai” trên thế giới. Năm nay, Lễ hội Thành Tuyên và Liên hoan trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2019 đã thu hút hàng vạn người, để lại những dư âm và ấn tượng tốt đẹp.

Ca Huế trình diễn tại Lễ hội Thành Tuyên 2019Khai mạc Liên hoan trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và Lễ hội Thành Tuyên năm 2019Kế hoạch tổ chức Lễ hội Thành Tuyên và Liên hoan trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2019Ca Huế tham gia Liên hoan trình diễn di sản văn hóa phi vật thể

“Thiên thời, địa lợi, nhân hòa”

Để có được thành công, Ban Tổ chức Lễ hội và Liên hoan đã triển khai kế hoạch hiệu quả, phân công nhiệm vụ cụ thể, khoa học cho từng thành viên. Từ chủ trương đúng, tỉnh Tuyên Quang nhận được sự đồng thuận, nhất trí cao của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các tỉnh có đoàn tham gia trình diễn di sản.

Mô hình “Kim long trảy hội Thành Tuyên” của tổ 12, phường Tân Quang.  Ảnh: Quang Lê

Không gian của Lễ hội được trải rộng ở nhiều địa điểm như Quảng trường Nguyễn Tất Thành, Trung tâm Hội nghị tỉnh, đại lộ Tân Trào, Hồ công viên Tân Quang, Trung tâm Văn hóa, Thể thao thanh thiếu nhi tỉnh và nhiều trục đường chính trên địa bàn thành phố Tuyên Quang. Từ đó, tạo điểm nhấn ấn tượng để du khách có thể lựa chọn trải nghiệm.

Điều đặc biệt, trong những ngày diễn ra Lễ hội, thời tiết thuận lợi cho việc tổ chức các hoạt động. Chị Trần Nhi Bình (Hà Nội) chia sẻ, đường phố được trang hoàng lộng lẫy, sạch sẽ là điều chị cảm nhận được đầu tiên khi đặt chân đến TP Tuyên Quang. Cùng với đó là khí hậu trong lành, mát mẻ; công tác an ninh trật tự đảm bảo, du khách thoải mái trải nghiệm. Quả thực, “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” hội tụ đã tạo nên sự thành công cho Lễ hội, Liên hoan lần này.

Đêm hội Trung thu có chủ đề “Lung linh sắc màu Đêm hội Thành Tuyên” đã tạo ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách. Năm nay, có 62 mô hình đèn Trung thu tham gia diễn diễu trong Đêm hội, bao gồm nhiều ý tưởng khác nhau của bà con nhân dân các tổ dân phố, song đều gắn với những chủ đề lịch sử hay những truyền thuyết và câu chuyện mang tính giáo dục cao như: “Cây đa Tân Trào, lán Nà Nưa”, “Con Lạc cháu Hồng”, “Cá chép hóa rồng”, “Gia đình nhà Kiến trẩy hội”... Trong Đêm hội, các em thiếu nhi được rước đèn, được nhận quà và quan trọng nhất là được hiểu thêm về giá trị của cuộc sống thông qua ý nghĩa được thể hiện trong các mô hình đèn Trung thu.

Trong những ngày diễn ra lễ hội, giao thông thông suốt, an ninh trật tự được đảm bảo. Các cơ sở lưu trú, nhà hàng, dịch vụ ăn uống thực hiện nghiêm quy định kinh doanh, tại đây không xảy ra tình trạng nâng giá, “chặt chém” du khách... Công ty Điện lực Tuyên Quang và ngành Viễn thông Tuyên Quang đã thực hiện hiệu quả các phương án đảm bảo an toàn lưới điện, thông tin liên lạc thông suốt.

Cũng như mọi năm, mỗi mô hình đèn Trung thu được UBND TP Tuyên Quang hỗ trợ 5 triệu đồng. Với phương châm xã hội hóa và xuất phát từ tình yêu con trẻ, các tổ dân phố đã lên ý tưởng và huy động người dân, doanh nghiệp đóng góp, ủng hộ tiền, ngày công lao động. Sau đó, mỗi người một việc, cùng nhau sáng tạo mô hình. Trên thực tế, các mô hình sau khi hoàn thiện đã lên đến 20, 30 triệu đồng... cho thấy sự huy động xã hội hóa là rất lớn. Mỗi tổ dân phố một ý tưởng, một mô hình khác nhau đã tạo nên sự đa dạng, phong phú cho Lễ hội. Từ đó mang đến niềm vui và hạnh phúc cho trẻ thơ.

Còn em Chúc Thị Hồng Tâm là một trong số những học sinh vượt khó vươn lên học tập tốt ở xã Khuôn Hà (Lâm Bình) vừa được nhận quà của tỉnh tại Đêm hội Thành Tuyên chia sẻ, được nhận quà Trung thu em thấy rất tự hào và xúc động. Ngoài ra, em và các bạn còn được vui chơi, ngắm nhìn những mô hình đèn Trung thu khổng lồ lung linh sắc màu. Đây chính là động lực để thiếu nhi tiếp tục phấn đấu học tốt hơn nữa, xứng đáng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và cha, mẹ, thầy cô.

Khu trưng bày, giới thiệu các sản phẩm nông sản đặc trưng của tỉnh tại Đại lộ Tân Trào (TP Tuyên Quang). Ảnh: Quốc Việt

“Tinh hoa hội tụ”

Chương trình nghệ thuật của Lễ hội Thành Tuyên và Liên hoan trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2019 diễn ra trong 3 tối, từ 12 đến 14-9 tại Sân khấu Quảng trường Nguyễn Tất Thành, thành phố Tuyên Quang. Với chủ đề “Tinh hoa hội tụ”, chương trình đã đem đến những tiết mục đặc sắc, ấn tượng, mang tính nghệ thuật cao, đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa - nghệ thuật của đông đảo người dân, du khách thập phương.

Tại đêm Khai mạc Lễ hội và Liên hoan (12-9) có 12 di sản của 11 tỉnh tham gia được trình diễn. Mở màn là phần “Khai từ”, tái hiện và trình diễn Lễ cấp sắc của người Dao đỏ Tuyên Quang. Nghệ nhân Dao đỏ Phàn Văn Phú của Tuyên Quang cùng tốp nghệ nhân chủ trì buổi lễ cấp sắc. Để phụ họa cho lễ cấp sắc, Tổng đạo diễn còn sắp xếp 40 diễn viên múa mặc trang phục Dao cổ, cùng 150 diễn viên quần chúng tỉnh Tuyên Quang phụ họa cho buổi lễ.

Các tiết mục Chầu Văn (Nam Định), Hát Trống Quân (Hưng Yên), Múa Bồng (Hà Nội), Hát Xoan (Phú Thọ), Dân ca Quan họ (Bắc Ninh), Trò diễn Xuân Phả (Thanh Hóa), Múa trống Chhay-dăm (Tây Ninh), Ca Huế (Thừa Thiên Huế), Xòe Thái (Sơn La), Cồng chiêng Tây Nguyên (Đắk Nông) đã tham gia trình diễn một cách chuyên nghiệp, ấn tượng, đem đến cho người xem nhiều cung bậc cảm xúc. Từ đó, cảm nhận được sâu sắc hơn các di sản văn hóa phi vật thể trên mọi miền Tổ quốc.

Ông Nguyễn Minh Quang, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Nông, Trưởng đoàn Đắk Nông nói, do đường xá xa xôi, nên đoàn chỉ huy động khoảng 30 diễn viên, nghệ nhân tham gia. Nhưng được sự giúp sức từ tỉnh chủ nhà Tuyên Quang, đoàn đã có thêm hàng trăm diễn viên múa, diễn viên quần chúng chất lượng, phục vụ cho buổi trình diễn thêm sinh động.

Ông Dian Jatmiko Santoso đến từ đất nước Indonexia phấn khởi nói, việc ông được tham gia Lễ hội Thành Tuyên cũng chính là dịp để ông hiểu thêm về một đất nước giàu truyền thống văn hóa và có nhiều lễ hội độc đáo, thú vị. Khi trở về nước, ông sẽ giới thiệu với bạn bè, người thân về Lễ hội Thành Tuyên để mọi người khi du lịch đến Việt Nam, họ sẽ tìm đến để được trải nghiệm và cảm nhận.

Theo bà Trịnh Thị Thủy, Thứ Trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, việc tổ chức Liên hoan là một chủ trương đúng, nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Các chương trình diễn ra trong khuôn khổ đều thành công tốt đẹp, đúng yêu cầu đề ra. Đặc biệt, Liên hoan được tổ chức gắn với Lễ hội Thành Tuyên độc đáo nhất cả nước, đã để lại nhiều dấu ấn trong lòng công chúng và du khách.

Sau nhiều ngày, các con phố rộn ràng với những âm thanh sôi động thì thành phố miền sơn cước lại trở về yên bình với nhịp sống hàng ngày. Thế nhưng, dư âm Lễ hội và Liên hoan vẫn còn đọng mãi, để biết bao người thêm một lần nữa hẹn trở lại xứ Tuyên.

Theo baotuyenquang.com.vn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sáng tạo nghệ thuật từ cộng đồng

Tham gia các hoạt động hướng về cộng đồng và tìm hiểu, cảm nhận vùng đất mới là cách để sinh viên Trường đại học Nghệ thuật, Đại học Huế thỏa sức sáng tạo nghệ thuật.

Sáng tạo nghệ thuật từ cộng đồng
Return to top