ClockChủ Nhật, 12/02/2017 05:56

Những câu hỏi quanh tấm bia của ngôi mộ hiệp táng ở chùa Ba Đồn

TTH - Trong hàng trăm ngôi chùa xứ Huế, có một ngôi chùa "không giống ai" nhưng lại được rất nhiều người biết tiếng, đó là chùa Ba Đồn.

Ngôi chùa "dị biệt"

Nói không giống ai là bởi, tiếng gọi là chùa, nhưng ngày trước, nơi đây không thờ Phật mà chỉ thờ Thánh và các vị âm linh vô tự. Sau này do nổi tiếng linh thiêng, "lắc xăm, đoán vận" được đưa vào, tại đây có thêm những ông thầy "đầu tròn áo vuông" làm nghề giải xăm nhưng không phải là thầy tu; tượng Phật được thỉnh về tôn trí ở ngôi cao nhất; "tín đồ" đệ tử kéo về nườm nượp để chiêm bái, cúng dường, cầu tài khấn lộc... Chùa ngày càng trở nên nổi tiếng, nhưng lại không có trụ trì và không nằm trong "bản đồ" chùa viện của giáo hội Phật giáo...

Mặt sau bia bị đục bỏ

Về cái tên Ba Đồn, thoạt nghe nhiều người sẽ liên tưởng ngôi chùa gắn với địa danh nào đó liên quan đến quân sự. Song kỳ thực không phải như vậy. Chùa Ba Đồn gắn liền với sự kiện ra đời Kinh thành Huế. Sau khi thống nhất sơn hà, vua Gia Long đã cho khởi công xây dựng Kinh thành Phú Xuân ở bờ bắc sông Hương. Để phục vụ cho công trình này, có đến 8 ngôi làng đã phải di dời. Trong số mồ mả phải giải tỏa để xây dựng công trình, có nhiều ngôi không ai nhận. Vậy là triều đình cho chuyển đến hiệp táng (chôn chung) tại khu đất hoang vu ở bờ nam sông Hương, phía nam Kinh thành và gọi là cồn mồ 8 làng; nay thuộc phường An Tây, Tp. Huế. Sau đó, để xây Đàn Nam Giao, lăng Gia Long, nhiều ngôi mộ vô chủ nữa tiếp tục được chuyển về chôn chung trong 2 ngôi mộ lớn nữa, 2 ngôi này nằm về phía nam của ngôi mộ 8 làng vừa kể.

Để cúng tế cho các vong hồn không nơi nương tựa, vua Minh Mạng cho xây 3 cái đàn giữa trời để làm nơi hào soạn lễ phẩm cho trang trọng tôn nghiêm, danh xưng Ba Đồn (tức 3 đàn) bắt đầu có từ đó. Sau này, theo biến động lịch sử, thêm nhiều ngôi mộ hiệp táng tiếp tục được thành hình tại khu vực Ba Đồn. Ngôi thứ tư là nơi an nghỉ của binh lính, ngôi thứ năm là nơi an nghỉ của sĩ quan, ngôi thứ sáu là nơi an nghỉ của thường dân đã hy sinh, tử nạn trong sự kiện "Thất thủ Kinh đô" 23 tháng 5 năm Ất Dậu (5/7/1885). Chính vì vậy, Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân trong một khảo cứu của mình đã kiến giải, “theo tiêu chí lịch sử dân tộc hiện nay: Chùa và Nghĩa Trủng Ba Đồn là một Nghĩa trang Liệt sĩ mở đầu thời chống xâm lược Pháp”. Tiếp sau nữa, còn có thêm 4 ngôi mộ hiệp táng khác. Tổng cộng, Ba Đồn hiện có đến 10 ngôi mộ chung với số hài cốt ước tính đến chừng 1 vạn.

Rất nhiều những câu chuyện thực thực hư hư với những nhân chứng có tên có tuổi cụ thể gắn với Ba Đồn. Có thể có người tin, có người không tin. Tuy nhiên, có một sự kỳ lạ mà ai cũng phải thừa nhận là không hiểu sao, trên bề mặt rộng lớn của những ngôi mộ hiệp táng dù qua hàng bao nhiêu năm rồi vẫn không thấy có cây to bụi lớn mọc lên. Tất cả chỉ là một bãi cỏ phẳng lì, thoáng đẹp. Lý giải, có người cho rằng do cốt người bốc hỏa, không cây nào chịu thấu; lại có ý kiến khẳng định do khi chôn các hài cốt cải táng đến đây, người ta rải muối rất nhiều để "khử mùi", nên bây giờ cây không lên được. Những "bãi cỏ" đẹp đẽ ấy dù sát nách thành phố nhưng cũng ít thấy bị lũ trẻ mang bóng đến quấy nhiễu như vẫn thấy ở các bãi cỏ khác, bởi nghe nói đã nhiều trường hợp bị gãy tay lãng xẹt khi chơi bóng tại đây. Người ta còn kể rằng, thời chiến tranh, một chiếc trực thăng Mỹ thấy bãi cỏ "ngon ăn" chọn làm bãi đáp. Xuống được nhưng đến khi muốn lên thì khởi động kiểu gì máy cũng không nổ, cuối cùng phải gọi xe cẩu đến "tha" về Phú Bài để sửa (?)...

Những câu hỏi chưa lời giải

Đặc điểm hình thành, những nét dị biệt thú vị, ý nghĩa lịch sử-tâm linh và những giai thoại hư hư thực thực bao quanh đã khiến cho Ba Đồn trở thành một địa chỉ đặc biệt của đất Huế. Năm 2005, Ba Đồn được công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh.

Cồn mồ 8 làng và bia "Ân tứ hiệp táng" thời Gia Long

Các ngôi mộ hiệp táng ở Ba Đồn vẫn còn đó, được hương khói và cúng tế hàng năm. Có những năm còn được tổ chức đại trai đàn chẩn tế. Ngoài các ngôi mộ hiệp táng, mồ mả bá tánh cũng xen vào năm này qua năm khác đến dày đặc, buộc chính quyền địa phương phải cắm bảng cấm chôn cất, xây dựng để bảo vệ di tích.

Nhiều lần viếng thăm Ba Đồn, một điều làm tôi khá thắc mắc là về tấm bia mộ tại cồn mồ 8 làng nằm ngay sau lưng chùa. Tấm bia bằng đá Thanh, cao chừng 1,5m, có nhà bia bảo vệ, lặng lẽ, u linh nép dưới cội sứ già dáng thế đẹp. Bia ghi toàn chữ Hán. Mặt trước bia, phần chính là mấy chữ đại tự "Ân Tứ Hiệp Táng Vô Tự Chi Mộ" (Vua cho hiệp táng những mộ không người thờ tự). Các dòng lạc khoản ghi đối xứng ở 2 bên, chữ nhỏ hơn; bên phải đề: "Vị dĩ bách cận thành trì thiên táng tại thử" (Vì lẽ mộ cận thành trì nên dời chôn tại đây); bên trái đề: “Tuế thứ Quý Hợi niên tam nguyệt sơ thất nhật phụng khắc” (Kính vâng mệnh khắc ngày 7 tháng 3 năm Quý Hợi). Tất cả các chữ đều còn rất rõ nét. Tuy nhiên, ở mặt sau chỉ thấy còn hơn nửa dòng "lạc khoản" bên phải, phía dưới, ghi: "Cộng sơn doanh tam thiên lục bách bát thập tam huyệt" (tổng cộng có 3.683 huyệt mộ), còn phần chữ nhỏ hơn phía bên trên và dòng chữ chính ở giữa bia thì đều đã bị đục bỏ, vết đục rất sâu và triệt để.

Cố gắng tìm hiểu nhưng vẫn không thấy tư liệu nào viết và cũng không ai biết về sự đục bỏ này cũng như những chữ đã bị đục bỏ là chữ gì, tại sao lại phải đục bỏ? Hay là có người vì "thù hằn", nên cố phá? Vô lý, những người nằm dưới mộ đều là những vong linh vô danh tánh, không người thờ phụng, không người chăm nom, thù hằn gì với ai mà ai nỡ phá? Hay là bia đục bị sai, phải xóa? Giả thiết này cũng không ổn, bia "Ân tứ" của vua ban, ai dám khinh suất? Hoặc là những người thợ đã tận dụng tấm bia cũ nào đó để làm nên tấm bia này? Cũng khó tin, bởi lẽ, đã gọi là "Ân tứ", chẳng lẽ vua, triều đình lại... nghèo đến mức không thể chi nổi một tấm đá để làm bia cho một ngôi mộ của hàng ngàn hài cốt? Cái thể diện của triều đình, của vua không thể "bèo bọt" thế được.

Bí ẩn trên cứ làm tôi bứt rứt hoài mỗi khi có dịp qua lại chùa Ba Đồn. Giá như có bậc thức giả nào đó có tư liệu kiến giải cho mối băn khoăn này thì thật vô cùng cảm kích...

Bài, ảnh: DIÊN THỐNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Câu hỏi điểm liệt sát hạch lái xe ô tô: Khó đo lường kiến thức người học

Bộ 600 câu hỏi sát hạch lý thuyết lái xe ô tô với 100 câu hỏi điểm liệt sắp được đưa vào sử dụng thay cho bộ 450 câu hiện hành. Mỗi đề sẽ có 1-2 câu điểm liệt, chỉ cần sai 1-2 câu này, dù còn lại đều đúng cũng không đạt. Vì thế, việc đạt sát hạch lý thuyết sẽ trở nên khó khăn hơn. Nhưng liệu như vậy có giúp nâng cao kiến thức lái xe so với trước đó?

Câu hỏi điểm liệt sát hạch lái xe ô tô Khó đo lường kiến thức người học
Câu hỏi

Âm nhạc truyền thống từ bác học cung đình cho đến dân gian của Huế không thiếu phong phú và thừa sự nổi tiếng. Người Huế đều tự hào về di sản ấy của cha ông. Vậy nhưng...

Câu hỏi

TIN MỚI

Return to top