ClockThứ Sáu, 18/09/2015 19:06

Thu Huế

TTH - Trời trở gió, mây vần vũ, lão nhà văn tóc trắng đến phòng mình chơi nói rằng: “Trời sắp chuyển, thu đang về!”. Đứa em đồng nghiệp hỏi: “Thường mùa thu Huế bắt đầu từ tháng mấy anh hè?”. Câu hỏi tưởng như dễ trả lời nhưng lại khó. Thu Huế từ tháng mấy? Có thể là sau rằm tháng bảy âm lịch, “tháng bảy nước nhảy lên bờ” như kinh nghiệm dân gian, cũng là kết thúc mùa “an cư kiết hạ” của nhà Phật…Cũng có thể là đúng vào mùa tựu trường hàng năm, khi những con đường Huế ngập tràn những sắc màu đồng phục của các trường…

Chiều chủ nhật cuối cùng của kỳ nghỉ hè năm nay, mình chở mấy đứa nhỏ đi về những làng quê ven đô Lại Thế, Ngọc Anh, Dương Nổ chơi…Ngang qua đường Thanh Tịnh chỗ cầu ông Thượng thấy mùa sen đã tàn, nghĩa là mùa hạ đã qua. Mình cũng không quên nói với con là con đường này mang tên nhà văn xứ Huế, người đã viết nên áng văn trong trẻo: “Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều…” mà các con đã học, đã yêu…

Lại nhớ anh Xuân Hoàng, cách đây chừng 10 năm đã viết cái tạp bút về “Hằng năm cứ vào cuối thu…”. Mình chỉ nhớ mang máng là Hoàng đã về Lại Thế, thấy hoa mướp vàng đầu thu bên những khu vườn cạnh cầu ông Thượng và thấy ngôi trường làng mà ngày xưa cậu bé Thanh Tịnh theo mẹ đến trường chỉ còn là một nền đất cũ mờ cỏ dại. Hồi đó, thỉnh thoảng theo anh đi quay phóng sự truyền hình, lang thang ở mấy làng quê ven đô, thấy anh ôm camera quay cái đụn rơm mùa gặt bên đường, quay cảnh bà lão ngồi bán hàng cuối ngõ xóm, quay mấy đám lau lách phơ phất bên sông mà cũng chẳng phỏng vấn chi cả. Sau này mới hiểu, anh đang ôm camera mà tìm cảm hứng để viết văn. Đó cũng là một cách xây dựng phóng sự của riêng anh.
Nhớ cái phóng sự truyền hình “Tôi đi học” mà anh viết lời bình cũng chẳng có phỏng vấn nhân vật mà chỉ bắt đầu bằng hình ảnh một cô bé học sinh tiểu học được quay nghiêng đang học thuộc lòng đoạn văn “Hằng năm cứ vào cuối thu…” và sau đó là những hình ảnh về con đường đi học, về những tán cây xanh ríu rít sân trường, những buổi học ngơ ngác của các cô cậu học trò lớp 1…Phóng sự đó cứ như là một bài thơ bằng hình ảnh chầm chậm đi vào lòng người…
Mà mùa thu ở Huế thì ngắn lắm, mây trắng, trăng thanh, gió mát, những con đường sấp ngửa lá rơi… chỉ chừng một tháng đổ lại. Thu đến, thu đi trong thoáng chốc để rồi đến mùa mưa gió, bão bùng… Cũng vì thế chăng mà mùa tựu trường vào những ngày đầu thu mà Thanh Tịnh đã viết: “Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường.”.
Phi Tân
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

220 năm quốc hiệu Việt Nam

“220 năm quốc hiệu Việt Nam – những chặng đường lịch sử (1804-2024)” là chủ đề cuộc hội thảo khoa học do Hội Khoa học Lịch sử tỉnh tổ chức, diễn ra sáng 23/4 tại TP. Huế.

220 năm quốc hiệu Việt Nam
Đưa triển lãm di sản văn hóa Huế đến Điện Biên

Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế ngày 22/4 cho biết, trong khuôn khổ các hoạt động năm Du lịch quốc gia 2024 và Kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) diễn ra tại Điện Biên, đơn vị đã đưa triển lãm chuyên đề “Huế - Di sản văn hoá, điểm đến tiềm năng” giới thiệu đến với công chúng.

Đưa triển lãm di sản văn hóa Huế đến Điện Biên
Hội thi tuyên truyền kỷ niệm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn đến Huế

Hội thi tuyên truyền lưu động kỷ niệm 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2024) do Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức sau khi đi qua nhiều tỉnh, thành đã đến Huế trình diễn vào tối 21/4 tại Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh, 41A Hùng Vương, TP. Huế.

Hội thi tuyên truyền kỷ niệm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn đến Huế
Return to top