ClockThứ Sáu, 11/02/2011 08:52

Không có người xem, nghệ sĩ không tồn tại được

TTH - Tốt nghiệp thạc sĩ học viện Âm nhạc Hoàng gia Anh loại xuất sắc, chuẩn bị “chạm ngõ” làng nhạc cổ điển Việt Nam bằng chương trình “Nhật ký dương cầm” (diễn ra tối 23.2 tại nhà hát lớn Hà Nội), sự nghiệp của nữ nghệ sĩ piano Trịnh Mai Trang có trải toàn hoa hồng như người ta vẫn nghĩ?

 
Nghệ sĩ piano Trịnh Mai Trang. Ảnh: Ảnh do nghệ sĩ cung cấp

Bảy năm tại học viện Âm nhạc Hoàng gia Anh chắc chắn không phải là một hành trình bằng phẳng. Tài năng và đam mê liệu đã đủ để một sinh viên đến từ châu Á tồn tại và khẳng định mình trong môi trường đào tạo khắc nghiệt ấy?

Đương nhiên là chưa đủ. Bạn sẽ khó tồn tại, chứ chưa nói đến khẳng định mình nếu không biết cách tránh khỏi những áp lực tinh thần. Tôi đã suýt thất bại ngay trong buổi ra mắt các giáo sư của học viện. Bản nhạc chơi với bao tâm huyết bị dội ngay một gáo nước lạnh: “Trang à, đây không phải là âm nhạc. Em chơi đàn với ý nghĩ nung nấu trong đầu: Làm sao thuyết phục chúng tôi. Đừng thế. Khi chơi đàn, em hãy chỉ nghĩ đến âm nhạc thôi”. Tôi được phép “thư giãn” 15 phút trong vườn rồi chơi lại. Lần này, trong đầu tôi chỉ có âm nhạc, và tôi được nhận vào Học viện.

Những ngày đầu đến lớp, tôi đã nghĩ, có lẽ, mình là học sinh kém cỏi nhất ở đây, và bị “ngộp” vì nhìn quanh, thấy ai cũng tài giỏi quá. Nhưng các giáo sư bảo: “Ở đây, tất cả học sinh đều là những viên ngọc, và đều có khả năng tỏa sáng nếu nỗ lực rèn giũa. Vậy đừng so sánh với bất kỳ ai”. Khóa của tôi, hệ đại học chỉ có 10 sinh viên. Học viện đã tổ chức thi tại nhiều nơi để tìm kiếm những gương mặt triển vọng, nhưng vẫn chỉ chọn được có 10 người. Con số này được giữ nguyên đến khi tốt nghiệp. Những khóa trước, đã có không ít sinh viên bỏ cuộc giữa chừng, thậm chí mắc bệnh trầm cảm nặng vị bị điểm thấp, bị chấn thương, hay không thành công trong một cuộc thi âm nhạc…

 Nếu như muốn 10, 20 năm sau, nhạc cổ điển được đón nhận nồng nhiệt và có một thị trường rộng mở thì từ bây giờ đã phải kiến tạo một lớp công chúng mới.

Năm 2009, ngay trước kỳ thi tốt nghiệp thạc sĩ, chị cũng gặp phải một chấn thương nặng, phải hủy 3 buổi diễn tại London, bỏ thi và đối mặt với nguy cơ vĩnh viễn không thể chơi piano. Cái gì đã giúp chị - một cô gái chưa từng vấp váp trong cuộc sống - vượt qua được cú sốc ấy?

Hai tuần trước khi thi tốt nghiệp, tôi bị chấn thương vai trái. Lúc ấy, bài vở đã chuẩn bị xong hết rồi, chỉ còn đợi thi. Chán nản vô cùng. Tôi không tưởng tượng nổi, nếu không được chơi đàn nữa thì mình sẽ làm gì? Chao đảo mất một thời gian. Cũng thử vẽ, thử viết truyện… Đều không được. Vì những thứ đó không phải là ngôn ngữ của mình. Đúng lúc ấy, không khí trong Học viện lại rất sôi động. Tất cả đều hăng say tập đàn, chuẩn bị cho kỳ thi. Tôi thì bị rớt lại, và có cảm giác mình là người thất bại. Các giáo sư luôn an ủi và giới thiệu cho tôi một bác sĩ chuyên về chấn thương trong tennis. Ông biết rất rõ, chấn thương cổ tay là cái đáng sợ nhất đối với các vận động viên tennis. Bác sĩ đã chữa bệnh tinh thần cho tôi trước, rồi mới điều trị chấn thương.

Thời gian đầu, tôi phải tập đàn trước gương, tập “chay” chứ không được gõ phím đàn. Dần dần, được phép luyện ngón chừng 10 phút mỗi ngày như một người mới tập tành học piano. Khó chịu lắm. Đã có lúc tôi muốn bỏ cuộc. Nhưng rồi vẫn kiên nhẫn luyện tập và hồi phục sau 7 tháng. Đôi lúc nhớ lại quãng thời gian ấy, tôi không biết mình đã vượt qua bằng cách nào. Vì đam mê, vì kỳ vọng của bố mẹ, vì những ước mơ chưa hoàn thành…? Chắc có lẽ là vì một khoảnh khắc, đó là khi một mình tôi đứng trên sân khấu, với cây đàn piano. Và tôi, bằng âm nhạc, được phép “thâu tóm” cả sân khấu, cả khán giả phía dưới. Tôi rất thích cảm giác lúc ấy, cái cảm giác mình được chia sẻ ngôn ngữ âm nhạc của mình với tất cả mọi người…

Hiện tại, chị lựa chọn cuộc sống – 6 tháng ở London và 6 tháng ở Việt Nam. Có sự phân vân nào không trong quyết định này?

Sự thật là nếu sống tại London, công việc của tôi sẽ hết sức thuận lợi. Khán giả London rất chú ý đến những nghệ sĩ trẻ, không bao giờ có ý so sánh những gương mặt mới với các bậc tiền bối. Các nghệ sĩ châu Á cũng được cổ vũ nhiệt tình tại đây, vì những nét riêng biệt so với nghệ sĩ châu Âu. Nhưng tôi muốn về Việt Nam, và thực hiện nhiều kế hoạch, không chỉ là biểu diễn.

Một trailer hiện đại, một câu chuyện vòng đời mang đậm triết lý phương Đông được kể bằng âm nhạc, “Nhật ký dương cầm” hứa hẹn sẽ mới lạ so với một chương trình âm nhạc cổ điển thuần túy. Chị muốn tạo ra một cách thưởng thức âm nhạc cổ điển hoàn toàn khác so với trước đây?

Tôi chỉ muốn mở một cánh cửa, dẫn người xem cùng tôi bước vào thế giới âm nhạc cổ điển, một thế giới nhiều người cho rằng, không dễ bước vào. Không có người xem thì người nghệ sĩ không tồn tại được. Ở Anh, nhạc cổ điển cũng bị pop, rock… lấy mất không ít khán giả. Nhịp sống quá nhanh, người ta chỉ có đủ thời gian nghe nhạc trong 3 phút, thay vì 20 phút. Các thầy giáo của tôi đã tìm mọi cách để kéo khán giả trở lại, chẳng hạn, họ chơi nhạc cổ điển trong quán bar hay tổ chức giao lưu với khán giả… Tôi cũng muốn làm một cái gì đó, bắt đầu từ “Nhật ký dương cầm”. Nếu như muốn 10, 20 năm sau, nhạc cổ điển được đón nhận nồng nhiệt và có một thị trường rộng mở thì từ bây giờ đã phải kiến tạo một lớp công chúng mới.

25 tuổi, Trịnh Mai Trang sở hữu một “gia tài” đáng nể: là nghệ sĩ Việt Nam duy nhất đến nay tốt nghiệp Thạc sĩ học viện Hoàng gia Anh, pianist chính cho dàn nhạc học viện Âm nhạc Hoàng gia Anh, giải nhất cuộc thi chọn người độc tấu trong Festival “Paganini”, giải xuất sắc cuộc thi độc tấu Piano và biểu diễn các tác phẩm Sonata – Beethoven, giải thưởng cho người có thành tích học tập xuất sắc…

Năm 2010, Trịnh Mai Trang thực hiện chuyến lưu diễn châu Âu đầu tiên với các buổi biểu diễn độc tấu tại các thành phố lớn: Vienna, Dublin, Belfast, Enns, London…

Đầu năm 2011, Trịnh Mai Trang trở lại Việt Nam với nhiều kế hoạch: Thực hiện chương trình độc tấu piano “Nhật ký dương cầm” tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; thành lập quỹ âm nhạc dành cho các tài năng âm nhạc có hoàn cảnh khó khăn…

Hương Lan (thực hiện) - Theo SGTT

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đón Tết muộn

Dịp tết Nguyên đán, nhiều chương trình nghệ thuật được tổ chức để mang đến cho mọi người không khí vui tươi của năm mới; trong đó, không thể không nói đến sự cống hiến của các nghệ sĩ. Biểu diễn xuyên Tết phục vụ khán giả, năm nào họ cũng đón Tết muộn.

Đón Tết muộn
Sỹ Thiên và niềm đam mê nhạc cụ truyền thống

Yêu thích và đam mê thổi sáo từ những ngày còn bé, chàng trai trẻ Đào Bá Sỹ Thiên (sinh năm 1999) đã miệt mài gắn bó với loại nhạc cụ truyền thống này của dân tộc hơn 5 năm nay. Tiếng sáo du dương, bay bổng của Thiên đã để lại nhiều dấu ấn ngọt ngào trong cảm xúc người nghe.

Sỹ Thiên và niềm đam mê nhạc cụ truyền thống
Return to top