|
Chiếc thuyền độc mộc được nhóm thợ lặn tìm thấy và tặng cho Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế. Ảnh: BTLS |
Những ngày cuối tháng 11, nhóm người tặng hiện vật là chiếc thuyền độc mộc được Sở Văn hóa và Thể thao cùng Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế vinh danh vì những đóng góp cho việc hiến tặng hiện vật. “Chỉ là một chút đóng góp nhỏ của chúng tôi, hy vọng rằng nó sẽ giúp ích cho quá trình nghiên cứu cũng như phát huy giá trị trong công cuộc bảo tồn, bảo tàng của tỉnh”, anh Lê Long (phường Phước Vĩnh, TP. Huế), đại diện nhóm hiến tặng chia sẻ.
Chiếc thuyền độc mộc mà nhóm anh Long vớt lên từ dưới lòng sông vào đầu năm 2024. Chiếc thuyền dài 674cm, bề rộng lòng thuyền nơi lớn nhất 63cm; thành dày từ 1,5cm đến 2,5cm và nặng khoảng 120kg. Hiện trạng của thuyền bằng mắt thường có thể thấy rõ không còn nguyên vẹn, toàn bộ thuyền bị nứt nẻ, cong vênh. Anh Long kể rằng, không rõ lắm về giá trị kinh tế nhưng nó vô giá về mặt giá trị văn hóa. Vì thế, sau khi tìm hiểu cả nhóm đã quyết định tặng cho Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế.
Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, chiếc thuyền này có niên đại khoảng cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX. Thuyền độc mộc này của đồng bào dân tộc thiểu số Bru – Vân Kiều sinh sống trên dãy Trường Sơn - Tây Nguyên, được làm từ gỗ kiền kiền nguyên cây khoét rỗng – một trong những loại gỗ được đồng bào sinh sống ở thượng nguồn các con sông sử dụng để làm phương tiện di chuyển trên sông nước.
Địa điểm phát hiện cũng như kích thước, kiểu dáng của hiện vật thuyền độc mộc mang đậm nét văn hóa của đồng bào sinh sống ở khu vực thượng nguồn sông Ô Lâu. Trải qua quá trình di chuyển, biến động của lịch sử, hiện vật được phát hiện tại lưu vực sông Bồ - đây cũng là cung đường di chuyển của dòng chảy, của phương tiện giao thông đường thủy giữa miền ngược và miền xuôi trong lịch sử.
Thuyền độc mộc có giá trị về lịch sử, văn hóa, góp phần làm phong phú thêm bộ sưu tập hiện vật khảo cổ học dưới nước hiện có tại Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế. “Hiện vật này phản ánh quá trình giao lưu văn hóa giữa các vùng miền trong lịch sử. Đặc biệt hơn, hiện vật sẽ được bổ sung vào nhóm hiện vật trưng bày về đặc trưng văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số tại tỉnh Thừa Thiên Huế khi chủ nhân của hiện vật này là đồng bào dân tộc thiểu số Bru - Vân Kiều, một bộ phận không thể thiếu trong cộng đồng 54 dân tộc trên toàn lãnh thổ Việt Nam”, đánh giá ban đầu của Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế về thuyền độc mộc. Hiện nay, hiện vật này đang được Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế bảo quản và tiếp tục nghiên cứu.
Ông Nguyễn Đức Lộc, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế cho biết, không riêng gì nhóm hiến tặng hiện vật thuyền độc mộc mà nhiều năm qua có rất nhiều cá nhân, tổ chức đã đóng góp hiện vật quan trọng cho bảo tàng. Ngoài tặng hiện vật, các cá nhân, doanh nghiệp khác còn tặng các sản phẩm thủ công truyền thống Huế, hỗ trợ sản phẩm cho bảo tàng phục vụ công tác trưng bày, triển lãm nhằm quảng bá di sản văn hóa Huế đến với công chúng, khách tham quan.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục vận động, kêu gọi các cá nhân, tổ chức hiến tặng hiện vật cho bảo tàng. Cùng với đó phối hợp với các cơ sở, cá nhân tham gia hỗ trợ sản phẩm cho bảo tàng để phục vụ công tác trưng bày, triển lãm. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành văn hóa nói chung và Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế nói riêng trong thời điểm hiện nay. Từ đó, góp phần khơi dậy truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức, trách nhiệm trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc”, ông Lộc chia sẻ.