ClockThứ Năm, 12/11/2015 11:19

Võ sư mê binh khí cổ

TTH - Nghe ở đâu có cây kiếm, cây đao liên quan đến lịch sử võ thuật cổ truyền trên đất Huế, ông lại cất công tìm kiếm, bỏ tiền ra mua cho bằng được. Người ấy là võ sư Nguyễn Văn Anh (63 tuổi), Chủ tịch Hội Võ thuật cổ truyền tỉnh Thừa Thiên Huế.

Mê võ

Nói đến võ sư Anh người ta thường biết đến là một vị võ sư rất say mê võ thuật cổ truyền. Trong thời kỳ đất nước khó khăn, chiến tranh loạn lạc, ông đã tìm đến những võ đường có tiếng ở xứ Huế thời điểm đó để bái sư học võ. Môn võ Judo được ông học đầu tiên, sau đó chuyển sang tập Taekondo.

Võ sư Nguyễn Văn Anh bên cạnh các loại binh khí cổ triều Nguyễn

Đến năm 1968, nhận thấy võ cổ truyền dân tộc có nhiều thế võ hay, ông tìm đến võ đường Vạn An ở làng An Cựu xin học dưới sự chỉ dạy của cố võ sư Trương Thăng. Muốn tìm hiểu thêm các thế võ cổ truyền hay, ông tìm đến môn phái Thiếu Lâm Bắc phái Vi Đà ở Cồn Hến và được cố võ sư Nguyễn Giá chỉ dạy một thời gian. Ông còn học thêm Hầu quyền đạo do võ sư Hoàng Thành dạy. Không chỉ được thụ giáo võ thuật, các bài quyền binh khí các võ sư trong tỉnh, năm 1977, võ sư Anh còn ra tận Hà Nội để theo học võ Thiếu Lâm do cố võ sư Nguyễn Tiền chỉ dạy.

Cũng chính những năm tháng theo học võ tại các môn phái, võ sư Anh tích luỹ nhiều thế võ hay gắn với nhiều loại binh khí khác nhau. Cũng từ đây, võ thuật đã thấm vào da thịt. Ông xem việc duy trì và phát triển võ thuật cổ truyền dân tộc là một sứ mệnh mà ông và các võ sư khác ở các môn phái trên địa bàn tỉnh cùng nhau gánh vác, trong đó có việc lưu giữ các loại binh khí, các bài quyền hay.

Võ sư Anh cho biết, những lúc rảnh rỗi, ông thường nghiên cứu về võ thuật cổ truyền, đặc biệt là các bài quyền có sử dụng binh khí. Từ những nghiên cứu, sưu tập các bài quyền giúp ông hiểu hơn về các các loại binh khí. Ông nghĩ, chỉ có lưu giữ lại các loại binh khí cổ, các bài quyền mới giữ lại được nét đẹp, truyền thống lịch sử võ cổ truyền cho thế hệ mai sau.

Bảo tàng binh khí cổ

Từ năm 2013, võ sư Anh bắt tay vào việc tìm kiếm và sưu tập các loại binh khí cổ của triều Tây Sơn, triều Nguyễn từ các phủ đệ, các cá nhân chơi đồ cổ ở Huế.

Gần ba năm võ sư Nguyễn Văn Anh đã sưu tầm gần 100 binh khí, trong đó chủ yếu là kiếm thời Tây Sơn, triều Nguyễn. Bên cạnh sưu tầm binh khí, ông cũng sưu tầm được gần 3.000 cuốn sách viết về võ thuật cổ truyền Việt Nam. 

Trong không gian ngôi nhà gỗ ở tầng 2 số 50 đường Bến Nghé, TP Huế, các loại binh khí như kiếm, đao, được ông bố trí một cách gọn gàng, phân theo từng giai đoạn lịch sử. Các loại kiếm thời Tây Sơn có cán bằng đồng, lưỡi kiếm đã rỉ rét theo thời gian được treo ngay ngắn trên các giá ở phía trên tường nhà. Còn các binh khí như đao, đoản kiếm, chuỳ triều Nguyễn được bố trí trong các tủ gương. Không chỉ sưu tập các loại kiếm, đao, súng trường, ông còn sưu tập các loại binh khí như hắc hổ chuỳ, câu liêm thương, thiết quyển, trường phủ, thanh long đao, trường kích, đinh xà, bát xà mâu, các loại binh khí được xem là bát bang trong võ cổ truyền Việt Nam. Trong bộ sưu tập binh khí của võ sư Nguyễn Văn Anh, có rất nhiều loại binh khí được làm từ chất liệu đồng được chế tác rất công phu về hoạ tiết như đoản kiếm, cây bát xà mâu, thanh long đao.

Theo võ sư Anh, mỗi loại binh khí trong lịch sử có những cách sử dụng khác nhau, có điểm mạnh, điểm yếu riêng biệt vì thế ngày xưa mỗi danh tướng đều gắn liền với một loại binh khí nhất định. Có những loại binh khí mà ông phải bỏ ra trên chục triệu đồng để mua về cho bằng được từ các phủ đệ và những người chuyên buôn đồ cổ. Ông nhớ nhất là sưu tầm được bộ kiếm thời vua Gia Long từ những người đi hút cát sạn trên sông Hương.

Võ sư Nguyễn Văn Anh tâm sự: “Huế là một miền đất võ của Việt Nam. Tại các kỳ Festival, đôi lúc kỳ thi tiến sĩ võ thời Nguyễn được tái hiện nhưng chưa mang lại dấu ấn đặc biệt”. Với bảo tàng binh khí thu nhỏ bao năm sưu tập được, ông ước nguyện một ngày nào đó các loại binh khí ông đang lưu giữ sẽ được mang vào trưng bày tại Võ Miếu (nếu được khôi phục) để tôn vinh võ học dân tộc ngay trên chính đất Huế mà triều Tây Sơn, triều Nguyễn từng tồn tại.

Võ Ngọc Thạnh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ

Triển lãm Mỹ thuật trẻ 2024 vừa diễn ra tại Trường đại học Nghệ thuật thu hút được rất nhiều sự chú ý của các họa sĩ trẻ và người yêu nghệ thuật với nhiều tác phẩm mới lạ. Giữa những tác phẩm đầy màu sắc, “Không Không Kó Không” của Hoàng Thanh Khiêm là một tác phẩm sắp đặt khá nổi bật, và càng đáng chú ý hơn nữa khi tác giả là một chàng trai trẻ sinh năm 2009.

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ
220 năm quốc hiệu Việt Nam

“220 năm quốc hiệu Việt Nam – những chặng đường lịch sử (1804-2024)” là chủ đề cuộc hội thảo khoa học do Hội Khoa học Lịch sử tỉnh tổ chức, diễn ra sáng 23/4 tại TP. Huế.

220 năm quốc hiệu Việt Nam
Return to top