ClockChủ Nhật, 19/01/2020 06:36

Văn hóa xích lô

TTH - Gần gũi và thân quen, nhưng thật bất ngờ khi biết rằng, từ xích lô được người Việt gọi phổ biến lại bắt nguồn từ tên tiếng Pháp “Cyclo”, do một người Pháp có tên là Coupeaud phát minh ra vào năm 1939. Được cho là một sản phẩm tân tiến, xích lô phát triển từ chiếc xe kéo từ thế kỷ 18 là loại xe cũng có thùng xe, gồm hai bánh nhưng do con người kéo.

Xích lô, xe thồ thân thiện

Chuyện cũ còn ghi, rằng để quảng cáo cho phương tiện vận chuyển mới này, Coupeaud tổ chức một cuộc hành trình với chiếc xích lô chạy từ Phnompenh tới Sài Gòn trên đoạn đường khoảng 200km. Để rồi, bắt đầu từ năm 1939, xích lô là phương tiện đi lại phổ biến của người dân Việt. Đầu thế kỷ 20, chỉ có tầng lớp quý tộc, giàu sang mới đủ điều kiện sử dụng xích lô để di chuyển chủ yếu ở các thành phố lớn, như Sài Gòn, Hà Nội và Huế. Theo thời gian, xích lô càng được phổ biến và bình dân hóa.

Đọng lại trong tâm trí của bao người giáp Tết Canh Tý là cuộc gặp gỡ bất ngờ do Liên đoàn Lao động Thừa Thiên Huế tổ chức dành cho các đoàn viên nghiệp đoàn xích lô và chủ xe xích lô ở Huế với sự tham dự của ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh. Tôi thích chủ đề của buổi gặp mặt: “Văn hóa xích lô”. Thì đó, Hà Nội, Sài Gòn và các nơi cũng đều có xích lô. Thế nhưng, xích lô Huế vẫn có dáng riêng. Có người mô tả rất hay, rằng cũng như tính cách Huế, xích lô Huế vừa phải và chừng mực. Nó không cao quá, không thấp quá, không rộng quá và không hẹp quá khiến ai đó ngại ngùng. Đi xích lô trên đường phố Huế là một cảm giác rất lạ. Cảnh sắc, dòng sông, những con đường… như muốn níu kéo chân người.

Trong ký ức của người Huế, xích lô là một hình ảnh đẹp. Không chỉ có vậy, xích lô đã đi vào văn, thơ, hội họa, âm nhạc và trở thành một nét văn hóa đẹp. Nhiều năm rồi, người Huế vẫn không quên nhà thơ “Phương xích lô” đã mất với những câu thơ để đời:“Vắng khách đôi khi về chở gió/ Không tiền không bạc vẫn cười vang/ Dừng lại bên cầu nghe nước chảy/ Chợt thấy mình giọt nước Hương Giang” (Giọt nước Hương Giang). Có người bảo, không biết để làm thi sĩ Phương phải đạp xích lô hay vì đạp xích lô mà Phương làm thi sĩ. Có lẽ, có cả hai trong con người Huế kỳ lạ này!

Khi mà những phương tiện chở khách hiện đại và tiện lợi ngày càng phổ biến, bóng dáng xích lô dần khuất ở các đô thị thì xích lô Huế lại xuất hiện với một dáng vẻ mới - xích lô du lịch. Điều mà những người đạp xích lô kia nhận được từ lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế tại buổi gặp mặt đầu năm 2020 là sự cảm thông và sẻ chia với những khó nhọc, vất vả của nghề này. Còn điều mà họ tự hào khi không chỉ là nghề nghiệp mưu sinh, người đạp xích lô hôm nay còn được xem là một “đại sứ” góp phần quảng bá du lịch và văn hóa Huế.

Huế là di sản văn hoá thế giới, là điểm đến của mọi người. Khách hàng xích lô bây giờ còn có cả những ông tây, bà đầm tận phương xa. Vậy nên, không có chi lạ khi những người đạp xích lô cũng cần được “nâng cấp”, biết ngoại ngữ, lịch sự, tao nhã, tấm lòng rộng mở đón khách phương xa và hơn cả là cốt cách, tâm hồn Huế. Tóm lại, đó phải là thứ “văn hóa xích lô” đậm đà bản sắc vùng đất Cố đô mà họ đang có và dần bổ sung, hoàn thiện.

ĐAN DUY

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quy hoạch và phát triển chú trọng bảo tồn bền vững các di tích, di sản văn hóa

Phương hướng phát triển lĩnh vực văn hóa và bảo tồn di sản văn hóa của Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Chính phủ phê duyệt chỉ rõ: Xây dựng hệ giá trị đặc trưng, giàu bản sắc văn hoá Huế, con người Huế trên cơ sở gìn giữ, bảo tồn, tôn vinh, phát huy những giá trị truyền thống, đặc trưng, tiêu biểu về văn hoá, lịch sử, con người Huế.

Quy hoạch và phát triển chú trọng bảo tồn bền vững các di tích, di sản văn hóa
Học sinh Huế và Nhật Bản tham gia giao lưu văn hóa

Chương trình giao lưu văn hóa Việt Nam – Nhật Bản với sự tham gia của hàng trăm học sinh đến từ Nhật Bản và Huế do Hội Hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức, khai mạc sáng 28/3 tại 16 Lâm Hoằng, TP. Huế.

Học sinh Huế và Nhật Bản tham gia giao lưu văn hóa
“Tìm đường” để áo dài trở thành di sản văn hóa phi vật thể

Cách đây vài năm, khi ngành văn hóa Huế tiên phong trong việc phục hưng áo dài truyền thống đã có nhiều luồng ý kiến khác nhau, kể cả trái chiều. Tuy nhiên, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh, sự kiên trì, đồng lòng của tập thể cán bộ, sự đồng hành của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và người dân, đề án “Huế - Kinh đô Áo dài” bước đầu đã gặt hái được những thành quả nhất định.

“Tìm đường” để áo dài trở thành di sản văn hóa phi vật thể
Return to top