ClockThứ Năm, 31/05/2012 05:22

Vẫn khó trăm bề

TTH - Tiếp sau Nghị quyết 13/NQ-CP ngày 10/5/2012 của Chính phủ và quyết định giảm trần lãi suất tín dụng của Ngân hàng Nhà nước, tuần qua, UBND tỉnh đã có chỉ thị về việc triển khai một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn. Một hội nghị nhằm đánh giá thực trạng và bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển cũng vừa được UBND tỉnh tổ chức chiều 28-5. Những động thái trên cho thấy quyết tâm của Trung ương và của tỉnh trong việc gỡ khó cho DN. Tuy nhiên, thực tế cho thấy khó khăn vẫn bộn bề và nếu không có những giải pháp hữu hiệu thì việc tiếp cận những ưu đãi của Nhà nước và nguồn vốn vay mới là không dễ.

Thực trạng chung của hầu hết các DN trên địa bàn tỉnh là thiếu vốn. Cơn sốt lãi suất tín dụng vừa qua đã đẩy hàng loạt DN đến bên vực phá sản và ngưng trệ hoạt động, mà nguyên nhân chính là chí phí cho trả lãi quá cao. Tài sản đã cầm cố để vay vốn, làm ăn lại thua lỗ... DN gần như đã kiệt sức. Nay lãi suất cho vay giảm, nhưng DN lấy gì để vay khi tất cả tài sản đã cầm cố, nợ cũ chưa trả xong...?!

Lãnh đạo một ngân hàng thương mại nói rằng, khi lãi suất cho vay giảm, ngân hàng này đã gửi thư mời đến nhiều DN, nhưng không thấy sự hồi âm của các DN. Thực ra, việc tiếp cận nguồn vốn vay mới với lãi suất giảm gần như nằm ngoài tầm tay của các DN, dù rằng họ rất cần vốn. Ngân hàng muốn cho vay nhưng ít người vay được. Ngược lại, các DN rất cần vốn nhưng không hội đủ điều kiện để được vay. Đây là một nghịch lý có thật.
 
Nghị quyết 13/NQ-CP của Chính phủ với 6 giải pháp quan trọng và gói cứu trợ 29.000 tỷ đồng được xem là “phao cứu sinh” cho các DN. Dù vậy, để được nhận hưởng những ưu đãi từ gói cứu trợ là không dễ. Nhiều DN trên địa bàn tỉnh thở dài khi nói rằng, lâu nay DN họ bị đình đốn, làm ăn lại thua lỗ thì làm gì có doanh thu lớn, có lãi để được hưởng phần ưu đãi gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN. Tương tự, Nhà nước giảm 50% tiền thuê đất năm 2012 là với các DN thuê đất của Nhà nước; còn các DN thuê đất ở các KCN, của tư nhân thì cơ hội được giảm là bằng không... Khó là thế, nên có DN nói rằng, họ chỉ “xin” Nhà nước “cho” lại phần chênh lệnh lãi vay mà họ đã phải trả cho ngân hàng ở thời điểm lãi suất cao với thời điểm hiện nay. Đây là một ý kiến hay được nhiều DN ủng hộ, nhưng lại không được đề cập trong gói cứu trợ.
 
Làm thế nào để DN tiếp cận được vốn vay và nguồn hỗ trợ từ gói ưu đãi của Chính phủ là vấn đề cần được đặt ra không chỉ với các DN, cơ quan chức năng, các ngân hàng thương mại... mà với cả lãnh đạo tỉnh và các địa phương. Các DN đề nghị UBND tỉnh thành lập nhóm công tác để “kề vai sát cánh” cùng họ trong việc nắm bắt và tìm cách hiện thực hoá chủ trương kịp của Chính phủ. Các ngân hàng thương mại cũng cần ngồi lại với DN để xem xét lại các khoản vay nhằm tiếp vốn cho DN và cũng để mở “đầu ra” cho chính mình.
 
Hoàng Nguyên
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top