ClockThứ Hai, 30/05/2016 14:10
MÔI TRƯỜNG NUÔI TÔM TRÊN CÁT:

Vẫn nhiều mối lo

TTH - Trở lại vùng nuôi tôm trên cát ở Ngũ Điền (Phong Điền), chúng tôi nhận thấy bước đầu đã có sự chuyển biến tích cực, song vẫn còn nhiều nỗi lo về ô nhiễm môi trường, dịch bệnh.

Nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát đã khẳng định hướng đi mới trong phát triển kinh tế, xã hội các vùng ven biển Ngũ Điền. Khi diện tích nuôi còn ít, môi trường chưa ô nhiễm, ít dịch bệnh nên năng suất tôm đạt cao trên dưới 10 tấn/hồ 3.000m2. Mấy vụ nuôi đầu tiên, các hộ nuôi đều lãi lớn từ 500-700 triệu đồng/vụ.

Thuốc kháng sinh tràn lan các khu vực, ao hồ nuôi tôm ở Phong Hải

Chuyển biến tích cực

Từ khi diện tích ao nuôi phát triển ồ ạt, tự phát, thiếu quy hoạch dẫn đến ô nhiễm môi trường, tôm thường xuyên xảy ra dịch bệnh, thua lỗ triền miên khiến nhiều hộ lao đao, nợ nần chồng chất. Quá trình sản xuất, người dân sử dụng kháng sinh, hóa chất vượt giới hạn ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm, nên chủ yếu tiêu thụ nội địa.

Trước vấn nạn ô nhiễm môi trường, tôm nuôi dịch bệnh, một số hộ bước đầu đã tiếp cận phương thức nuôi an toàn bằng chế phẩm sinh học EM (CPSH). Ông Lê Khanh ở thôn Thế Mỹ A, xã Điền Hòa chia sẻ: “Việc sử dụng CPSH trong nuôi trồng thủy sản được phổ biến từ lâu, mới đây một số hộ ứng dụng vào nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát, bước đầu mang lại hiệu quả. Công dụng của CPSH là tẩy sạch đáy ao, tạo nguồn vi sinh làm thức ăn cho tôm, kích thích phát triển nhanh...”.

Trước đây, người dân thường sử dụng kháng sinh, vi sinh mua tại các công ty không mang lại hiệu quả, độ màu trong nước không ổn định, độ trong chỉ giới hạn từ 10-15cm. Sử dụng kháng sinh còn tăng chi phí, đầu tư khá lớn (trên 100 triệu đồng/vụ) và gây hại đến sức khỏe con người, tôm chậm phát triển, hạn chế năng suất. Giờ đây ứng dụng CPSH, ngoài có lợi cho môi trường còn giảm tối đa chi phí, mỗi lít CPSH EM chỉ 50 ngàn đồng, trong khi men vi sinh thông thường có giá 350 ngàn đồng/lít...

Ông Lê Khanh cho rằng, ứng dụng CPSH vào nuôi tôm tương đối đơn giản. Cứ 10 kg bột cám gạo ủ với 1 lít vi sinh EM, 5kg đường, 46 lít nước. Sau hai ngày hai đêm ủ, đem đánh hòa tan trong môi trường nước trên diện tích ao nuôi 2.000m2... Hai vụ nuôi gần đây, một số hộ ứng dụng CPSH, tôm đạt năng suất, hiệu quả kinh tế cao. Trong khi nhiều hộ khác bị dịch bệnh, thua lỗ thì các hộ này đều có lãi. Điển hình như hộ Lê Khai, Lê Khanh ở thôn Thế Mỹ A, xã Điền Hòa; Võ Kháng, Võ Như Thanh ở thôn Hải Thế, Hoàng Chín ở thôn Hải Nhuận, xã Phong Hải có lãi từ 500 triệu đến gần 1 tỷ đồng/vụ.

Đường ống nước thải trực tiếp ra biển tại một hồ nuôi tôm ở Phong Hải

Vẫn nhiều lo ngại

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, xét về khía cạnh môi trường chung của các vùng nuôi tôm hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề đáng lo ngại. Thực trạng nuôi tôm tự phát, thiếu quy hoạch, không tuân thủ quy định sản xuất an toàn là điều không thể yên tâm và khó tránh khỏi nguy cơ dịch bệnh.

Ông Văn Thanh Liêm ở xã Điền Hòa thừa nhận: “Hầu hết các hộ nuôi tôm trên cát hiện nay đều không có bể lắng, xử lý nước trước khi cấp vào ao nuôi hoặc xả ra môi trường. Các hộ đều lấy nguồn nước biển, bơm trực tiếp vào ao nuôi, hoặc xả trực tiếp ra biển mà không qua xử lý theo quy định”. 

Ông Liêm lý giải: “Quỹ đất xây dựng ao lắng hiện nay rất hiếm. Việc xử lý môi trường nước trước khi cấp vào ao nuôi và thải ra biển sẽ qua nhiều khâu, làm tăng chi phí đầu tư (tiền điện, hóa chất), có thể đến vài chục triệu đồng/vụ (!?) Phó Chủ tịch UBND xã Điền Hòa - Nguyễn Đăng Phúc chia sẻ: “Chính quyền địa phương khuyến cáo, yêu cầu người dân tuân thủ quy trình sản xuất an toàn; ba, bốn hồ nuôi phải có một ao lắng để xử lý môi trường, nhưng hầu hết hộ nuôi không chấp hành”.

Đi dọc các vùng nuôi tôm từ xã Điền Hương đến Phong Hải, chúng tôi chứng kiến chai lọ, bao bì thuốc kháng sinh vứt bỏ tràn lan, quanh các ao hồ, trên các mương thoát nước thải. Điều này không chỉ hạn chế  năng suất, chất lượng, hiệu quả nuôi tôm mà còn ảnh hưởng đến vệ sinh an toàn, có nguy cơ ô nhiễm môi trường. Ông Phan Khánh, Chủ tịch UBND xã Phong Hải cho biết, hằng tuần chính quyền địa phương đều yêu cầu người dân xử lý, thu dọn vệ sinh tại các khu vực ao hồ. Nhưng lượng chất thải, chai lọ, bao bì… đựng thức ăn, hóa chất, thuốc kháng sinh do người dân sử dụng hằng ngày quá lớn nên không thể xử lý triệt để.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phong Điền thông tin, tỉnh đã có chủ trương đầu tư trên 100 tỷ đồng để xây dựng hệ thống trạm bơm, kênh mương cấp, thoát nước cho các vùng nuôi tôm trên cát. Trong khi chờ triển khai xây dựng, huyện yêu cầu các địa phương, người dân tuân thủ quy hoạch, quy định nuôi tôm an toàn nhằm tránh rủi ro và mang lại hiệu quả… Đến nay, toàn huyện Phong Điền có khoảng 450 ha nuôi tôm chân trắng trên cát, trong tổng diện tích quy hoạch khoảng 900 ha.

Bài, ảnh: Hoàng Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xây dựng môi trường lao động an toàn

Đảm bảo an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trong lao động, sản xuất được doanh nghiệp (DN), các cấp công đoàn chủ động thực hiện nhằm hạn chế tối đa mọi rủi ro gây ra.

Xây dựng môi trường lao động an toàn
Phú Vang đồng loạt ra quân xử lý rác thải

Ngày 6/4, trên các trục đường giao thông của các xã, thị trấn, trên các bãi biển...ở Phú Vang, hàng trăm cán bộ, đoàn viên, hội viên và Nhân dân đồng loạt ra quân tổng vệ sinh môi trường, tiến hành phát quang bụi rậm, thu gom rác thải, cắt tỉa cây xanh che khuất tầm nhìn, góp phần làm cho môi trường ngày càng xanh – sạch - sáng.

Phú Vang đồng loạt ra quân xử lý rác thải
Ứng phó nguy cơ dịch bệnh gia súc, gia cầm

Các biện pháp phòng, chống được triển khai đồng bộ, có hiệu quả nên đến thời điểm này, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm (GSGC) chưa xảy ra. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm, tái bùng phát dịch bệnh GSGC.

Ứng phó nguy cơ dịch bệnh gia súc, gia cầm
Return to top