ClockThứ Sáu, 07/07/2017 13:21

Vẫn nóng chuyện học hè

TTH - Ngày 24/5, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) có công văn chỉ đạo và tổ chức hoạt động hè 2016-2017, trong đó nhấn mạnh: “Hiệu trưởng các trường, Giám đốc các trung tâm GDNN-GDTX… chịu trách nhiệm quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm (DTHT) của đơn vị mình theo đúng Quy định của Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh, bảo đảm tính tự nguyện của học sinh và tính hiệu quả của nội dung dạy học. Các đơn vị tổ chức ôn tập văn hóa cho học sinh chỉ được triển khai sau ngày 1/8/2017 trên cơ sở tự nguyện, không được ép buộc học sinh học thêm trong dịp hè dưới bất kỳ hình thức nào. Không tổ chức dạy trước chương trình, ôn tập, luyện thi, kiểm tra”.

Thay vì được chơi, HS vẫn phải học thêm trong dịp hè

Thế nhưng, chớm vào tháng 6, H., cô giáo trường trung học cơ sở (THCS) N. lo lắng: “Hè này không kịp cho con đi chơi vài ngày đã phải lo khai giảng lớp hè”. Thậm chí trong lễ trao thưởng của Phòng GD&ĐT TP. Huế có không ít học sinh (HS) vắng mặt. Các em học giỏi, được gia đình thưởng đi thăm nội, ngoại, đi du lịch vài ngày và do phải “đi tranh thủ” nên phải nhờ người đi nhận thưởng thay. Lý do cho những chuyến đi vội vàng đầu hè không phải vì các bậc phụ huynh nôn nóng cho con nghỉ ngơi, vui chơi sau một năm học vất vả mà vì sau khi nghỉ ở trường độ 1 tuần đến 10 ngày, các em sẽ lập tức có lịch học thêm. Chị Trần Thị H., một giáo viên Trường THCS T. cho biết, thời điểm này giáo viên trường chị cũng tranh thủ đi thăm con, thăm cha mẹ hoặc du lịch một “tour” ngắn, vội vội vàng vàng, vì sau đó họ phải về khai giảng lớp hè.

Khi phí học thêm không đùa được

Một gia đình có 2 con đi học, ngoài những đóng góp đầu năm, đầu học kỳ và mua sách vở thì khoản mà phụ huynh “sợ” không phải là học phí, mà là phí học thêm. Một HS THCS có thể học thêm đến 5 môn, với mức phí trung bình thì cũng hết 250.000 đồng đến 500.000 đồng/em/tháng. Nếu học kèm thì cao hơn, từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng/môn, có suất cả triệu bạc…

Với sức dạy “đang phong độ” và liên tục có học sinh đạt giải, cô H., giáo viên dạy môn vật lý trường T. hiện có số học sinh đăng ký khá đông. Trong năm học cô đã bận túi bụi, nhưng hè cũng không thể dứt. Lý do, cô là giáo viên chủ chốt trong việc bồi dưỡng HS giỏi của trường T., mà trường T. năm nào cũng có giải, mỗi giải các em đạt được không chỉ góp phần củng cố thương hiệu ngôi trường các em học mà tên tuổi giáo viên đứng lớp cũng được nhiều người biết đến; HS do cô dạy thi vào Quốc Học cũng rất hiệu quả. Tiếng lành đồn xa, phụ huynh có định hướng cho con thi khối A đều tìm đến gửi gắm, coi như “đầu tư chiều sâu”. Từ nhận học phí từng tháng, nay cô nhận theo quý. Mỗi khóa học khoảng 100 em, thu nhập gấp cả chục lần lương. Với những lớp học thêm như vậy, HS không chỉ phải nộp học phí cao mà đôi khi còn phải… kiểm tra đầu vào. Còn giáo viên trẻ, chưa có các danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp này cấp nọ, chưa tham gia dạy đội tuyển HS giỏi… thì học phí mỗi em cũng chỉ khoảng 50.000 đến 100.000 đồng/em/tháng, số HS cũng ít hơn hẳn… nhưng số tiền dạy thêm cũng vượt lương ở trường vài lần.

Mới đầu tháng 6 nhưng chị T., phụ huynh có con học trường tiểu học L. cũng lo xong chuyện học hè cho con. Chị vừa than... vừa khoe: “Cả hai đứa đều học ở những giáo viên có tên tuổi của thành phố. Kệ, “con họ hay con mình học dọi” cũng đỡ hơn là để đi chơi ở xóm, nhỡ theo bạn hư thì làm sao”. Nghe đâu cu con nhà chị mới học lớp 7 nhưng đi học thêm 5 môn, toán, văn, Anh văn, lý và học trước môn hoá. Chị nói với thêm: “May là hè chứ trong năm học toán đến 2 chỗ vì thầy ở trường cũng mở lớp, nhưng chỉ là giáo viên… hạng 2 nên cháu phải học thêm với một thầy giỏi cho chắc”.

Không học hè, con vui, mẹ lo...

Năm nay, trong khi một số tỉnh, thành ra quy định cấm DTHT thì Thừa Thiên Huế chỉ nhắc nhở với một số quy định khá… chung chung. “Thăm dò” ý tứ phụ huynh, nhiều người nhẹ nhàng: “Nếu không ai dạy thì tôi cho cháu ở nhà chơi, hơi vất vả trong trông coi nhưng cũng là cho cháu được thoải mái chút. Nhưng nếu cấm không triệt để, người dạy người không thì mệt lắm”. Mệt ở đây là do sợ con mình không học thêm sẽ thua bạn kém bè khi vào năm học mới.

Nhiều phụ huynh vẫn cho rằng, nếu hè không cho con đi học thêm thì… ai giữ con để đi làm? Chưa nói rất nhiều ông bố, bà mẹ dành khá nhiều thời gian cho mình nhưng lại rất ít thời gian chơi với con. Sân chơi cho trẻ mùa hè cũng ít ỏi, quanh đi quẩn lại chỉ vào các địa chỉ với vài loại hình cũng phải học và luyện tập như học vẽ, học đàn, học võ, học ngoại ngữ… Trong khi đó, việc các nhà trường mở cửa sân chơi, thư viện cho HS vui chơi ngày hè cũng như việc phối kết hợp giữa nhà trường, gia đình, địa phương để tạo sinh hoạt hè lành mạnh cho trẻ em xem ra vẫn trên giấy tờ là chính.

Bài, ảnh: Hương Giang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Loanh quanh chuyện tiền mừng tuổi

Chúng tôi có 2 cậu con trai. Việc làm gì với tiền mừng tuổi của các con chưa bao giờ là vấn đề cần thảo luận một cách nghiêm túc trong gia đình chúng tôi. Chúng tôi đơn giản rằng, tiền mừng tuổi con nhận được là của con và ba mẹ có trách nhiệm giữ giúp. Cách truyền thống là chúng tôi dồn 2 năm một lần, lập cho các con mỗi đứa một sổ tiết kiệm có ngày đáo hạn là sinh nhật của con để phân biệt, dù mẹ đứng tên. Nhưng năm nay, khi các con đều lần lượt lên 11 và 16 tuổi, lần đầu tiên vấn đề này chúng tôi đem ra hỏi các con một cách nghiêm túc. Cậu em thì đơn thuần: “Tùy ba mẹ!”, trong khi cậu anh chỉ im lặng và tủm tỉm cười.

Loanh quanh chuyện tiền mừng tuổi
Chuyện người đàn ông làm bánh Huế

Xưa nay chuyện bếp núc, nhất là làm các món bánh, mứt đòi hỏi đôi bàn tay mềm mại khéo léo nên đa phần do người phụ nữ đảm trách. Ấy thế nhưng lại có một chàng trai theo đuổi đam mê này, đó là Trần Thanh Quang, một nghệ nhân trẻ năm nay 45 tuổi, là chủ nhân một quán trà, bánh, mứt khá “chất” ở Huế.

Chuyện người đàn ông làm bánh Huế
Chuyện chiếc chìa khóa

Cậu bé điều khiển chiếc xe cup 50 vào cây xăng trên đường Phạm Văn Đồng, phường Vỹ Dạ (TP. Huế) để đổ xăng.

Chuyện chiếc chìa khóa
Return to top