ClockThứ Năm, 05/06/2014 05:30

Văn thánh của làng

TTH - Xứ Huế tự hào cùng với Hà Nội là nơi lưu lại dấu tích Văn miếu Quốc gia một thời. Lịch sử Văn Miếu Huế khai sinh từ khi chúa Nguyễn mở mang khai phá phương Nam. Khởi đầu được thiết lập ở Phú Xuân, tại làng Triều Sơn và được xem là Văn Miếu riêng của xứ Đàng Trong. Năm Canh Dần (1770), dưới thời chúa Nguyễn Phúc Khoát, Văn Miếu được dời đến Long Hồ. Sang nhà Nguyễn, ngay từ thời vua Gia Long, Văn Miếu Huế đã được xây dựng và tồn tại cho đến hôm nay tại Hương Long, thành phố Huế. Ngôi miếu cũ được giữ lại để làm Khải Thánh Tử (tức miếu thờ cha mẹ Khổng Tử).

Ít người biết rằng, cũng tại xứ Huế, bên cạnh Văn Miếu mang tầm quốc gia kia, đã và đang tồn tại hệ thống Văn Thánh, tạm gọi là của làng. Mới đây về làng, tôi hay tin làng Dạ Lê Thượng của tôi đã có một việc làm đẹp, giàu tính nhân văn là đã tiến hành trùng tu lại Văn Thánh của làng. Vì những lý do khác nhau, Văn Thành làng Dạ Lê Thượng gần như đổ nát. Và rồi, bên cạnh đó là tình trạng xâm chiếm đất đai, làm nhà trái phép. Trước tình cảnh đó, làng đã chủ động đứng ra vận động quyên góp để phục hồi. Kết quả thật đáng mừng là vào tháng 1- 2014 này, công trình tu sửa hoàn thành và lễ an vị được tổ chức. Tính ra, từ khi xây dựng vào đầu thế kỷ 19 đến nay, Văn Thánh làng Dạ Lê Thượng đã qua 3 lần trùng tu. Sự tồn tại Văn Thánh ở các làng xứ Huế, trong đó có làng Dạ Lê Thượng là biểu tượng cho giá trị văn hóa cao đẹp của người dân vùng đất xứ Thần Kinh. Điều khiến cho nhiều người và trong đó có cả tôi nữa ngạc nhiên là hầu hết các làng ở Huế đều có Văn Thánh. Nó là thiết chế văn hóa lâu đời hiện hữu và tồn tại bên cạnh đình, chùa, miếu mạo.

Không xa Dạ Lê Thượng, Văn Thánh làng Thần Phù được xác định có lịch sử gần 500 năm. Hay như ở làng Lương Văn, trong thiết chế văn hóa tồn tại cho đến hôm nay, bên cạnh đình làng, chùa làng Thiên Lương nơi còn lưu lại chiếc trống cổ có niên đại từ năm Cảnh Hưng (1767), ngôi miếu thờ thần Thiên Y A Na, miếu thờ Ngũ Hành, còn có miếu thờ Khổng Tử (Văn Thánh). Trên gò đất cao gọi là xứ Ông Trọng ở địa phận xóm Bảy, làng Phù Bài đã xây dựng  ba ngôi đền là Tiên Thánh, Văn Thánh và Võ Thánh. Hằng năm, xưa vào dịp tháng hai, các vị có phẩm hàm, chức tước, khoa mục trong hội thơ văn đã tổ chức lễ thánh. Hội trưởng Tư văn chủ trì và người đứng chánh tế. Làng trích một mẫu ruộng công điền để hội lo lễ vật cúng tế. Lễ chuyên dùng xôi, thịt heo và dĩa gừng củ.

Văn Miếu hay Văn Thánh là cách gọi tắt tên của một ngôi miếu: Văn Thánh Miếu. Cũng như Văn Miếu Huế nhưng ở cấp độ làng xã, Văn Thánh của làng thờ Đức Khổng Tử, các học trò của ông. Sự khác nhau giữa các làng là sự xuất hiện bên trong ngôi miếu những bậc tiên nho, danh sư nổi tiếng của làng như sự ngưỡng mộ, tự hào và tri ân mà làng quê dành cho những đứa con yêu, tài năng của mình. Người ta cũng tìm thấy ở các Văn Thánh làng Huế, bên cạnh các di chỉ của triều đình là những văn chỉ, văn thánh của các làng. Tôi hiểu, có rất nhiều ý nghĩa rút ra từ sự tồn tại và những cố gắng gìn giữ, bảo tồn những Văn Thánh Miếu ở những làng quê Huế. Quan trọng nhất ở đây vẫn là biểu tượng của truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, biết trọng kẻ hiền tài và luôn xem cái sự học như chìa khóa vạn năng để mỗi người bước vào đời, phụng sự quê hương, đất nước. Con người xứ Huế mình là thế.

Đình Nam
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top