Thể thao

Vắng cả những nỗi buồn

ClockThứ Hai, 03/05/2021 07:11
TTH - Trong bóng đá, thỉnh thoảng chúng ta vẫn thường thấy báo chí đề cập đến cụm từ “Những trận cầu thiếu lửa”. “Lửa” ở đây có thể hiểu là tinh thần thi đấu, là màu cờ sắc áo, là niềm vui vỡ òa khi thắng trận, là những giọt nước mắt sau những thất bại của cầu thủ lẫn cổ động viên.

Huế chặn đứng chuỗi trận toàn thắng của Khánh Hòa

"Phù thủy" Đoàn Phùng và mái tóc lãng tử một thời

Cảm xúc một thời...

Sau ngày đất nước thống nhất, giải bóng đá đầu tiên được tổ chức tại Huế vẫn còn được rất nhiều người hâm mộ bóng đá Cố đô nhớ đó là Giải bóng đá Trường Sơn trên sân Tự Do năm 1976. Tham dự giải có các đội bóng của Phú Khánh, Lâm Đồng, Nghĩa Bình, Quảng Nam Đà Nẵng và Bình Trị Thiên.

Đội bóng đá Bình Trị Thiên tập hợp những cầu thủ cũ của các đội Cảnh sát, Công binh trước giải phóng như Hiền, Rớt, Thọ, Sau, Thông, Thương, Hữu, Trọng... Ở giải đấu năm đó, các đội thi đấu vòng tròn chọn 2 đội có thành tích tốt nhất tham dự giải A1 toàn quốc. Kết quả 2 đội được lên hạng A1 là Phú Khánh và Nghĩa Bình...

Bóng đá Huế những năm cuối thập niên 70 và đầu thập niên 80 gặp rất nhiều khó khăn. Theo lời kể của cựu cầu thủ Nguyễn Ngọc Sau, hồi đó mỗi khi chuẩn bị thi đấu giải cầu thủ chỉ được tập trung khoảng 1 tuần để được bồi dưỡng và tập luyện.

Cũng có thể nói rằng, đây là giai đoạn thoái trào của bóng đá Huế khi chủ yếu chơi ở hạng A2 và cũng không có thành tích gì đáng kể… Nhưng theo cựu HLV Nguyễn Đình Thọ thì lúc đó đi đá bóng không có gì cả, có trận đấu đá xong không có nước để uống, cầu thủ phải tự bỏ tiền túi ra mua nước, nhưng khi vào sân thì tinh thần thi đấu rất hăng.

Sân Tự Do đang vắng cả những nỗi buồn

“Chúng tôi chỉ muốn được vào sân và thi đấu. Niềm vui sân cỏ đã giúp chúng tôi quên hết những khó khăn thường nhật. Có cầu thủ đạp xe thồ nhưng đến trước giờ thi đấu thì bỏ hết, đạp thẳng xe tới sân Tự Do để được ra sân cùng đồng đội...”, ông Thọ nhớ lại. Và, sân Tự Do đã được sống trong không khí cuồng nhiệt trong suốt những năm 80, 90 và những năm đầu của thế kỷ XXI với những trận cầu cảm xúc cho dù bóng đá Huế có lúc thắng lúc thua, lúc thăng lúc trầm, xuống hạng và lên hạng.

Đến đầu thập niên 90, bóng đá Huế bắt đầu hồi sinh với các đội bóng thiếu niên (TN) được thành lập ở khắp các phường, xã, nhất là ở các phường nội thành của Huế. Từ các đội bóng TN này, các cầu thủ năng khiếu đã được phát hiện và tuyển vào lớp bóng đá năng khiếu của tỉnh… Năm 1993 với lớp cầu thủ tài năng như Lê Đức Anh Tuấn, Trần Quang Sang, Đình Tuấn, Văn Hòa, Công Quốc, Đức Dũng, Quý Tâm Anh, Sỹ Hùng, Đình Nghĩa… đội bóng đá Thừa Thiên Huế dưới sự dẫn dắt của HLV Nguyễn Hồng Vinh đã giành suất thăng hạng mạnh Quốc gia.

Sau khi thăng hạng, đội bóng đá Thừa Thiên Huế còn có sự bổ sung quan trọng đó là việc mời HLV người Nam Định Ninh Văn Bảo về dẫn dắt đội thi đấu ở giải Vô địch Quốc gia năm 1995. Mùa bóng năm 1995 là mùa bóng đáng nhớ nhất trong lịch sử của bóng đá đất Cố đô. Sân vận động Tự Do trở thành chảo lửa của bóng đá Việt Nam khi người hâm mộ xứ Huế thường đến sân từ 12 giờ trưa để xếp hàng mua vé xem đội nhà thi đấu.

Cảm xúc không còn

Trong một lần tâm sự, HLV Đoàn Phùng nói vui rằng: “Mình quyết định về lại Huế để cầm quân vì nghe khán giả Huế mình… chửi hay quá”.

Ông Phùng trưởng thành từ sân Tự Do sau đó vô Lâm Đồng mà thành danh. Khi còn là HLV đội Lâm Đồng, Đoàn Phùng được làng bóng đá Việt nhắc đến bởi tài cầm quân của mình và cả những mối quan hệ rộng trong môi trường bóng đá vốn quá phức tạp những năm cuối thế kỷ trước...

Hồi đó, Lâm Đồng là một đội bóng cứng cựa, những đội bóng mạnh cỡ như CLB Quân Đội, Cảng Sài Gòn, Hải Quan, CA TP. Hồ Chí Minh cứ lên sân Đà Lạt là mất điểm. Báo chí hồi đó nói do độ cao của sân Đà Lạt khiến cầu thủ đồng bằng lên không đá được. Nhưng vai trò quan trọng nhất chính là tiếng nói của "phù thủy" Đoàn Phùng...

Riêng với đội bóng quê nhà xứ Huế, khi còn cầm quân Lâm Đồng, ông Phùng đã nhiều phen ra tay cứu nguy, nhưng cũng có lúc ông thúc quân đánh bại luôn đội bóng Cố đô ngay trên sân Tự Do với tỷ số 4-2 mùa bóng năm 1996. Và sau trận đó, nhiều khán giả quá khích đứng trên khán đài, chỉ tay chửi thẳng mặt ông Phùng không có tình với quê hương, không nhớ tình xứ sở. Lúc đó, ông Phùng nhìn lên khán đài và cười, không biết buồn hay vui...

HLV Đoàn Phùng là một cá tính của bóng đá Việt từ mái tóc lãng tử, nụ cười và nhất là cách ông xưng “tui” khi trả lời phỏng vấn. Ông Phùng đã tắt lửa lòng với bóng đá Huế từ lâu lắm rồi để rồi dứt áo ra đi khỏi bóng đá Huế.

Ông Phùng ra đi thì bóng đá Huế vẫn vậy. Thế hệ cầu thủ đã từng mang vinh quang về cho bóng đá Huế là Trần Quang Sang, Nguyễn Đức Dũng, Nguyễn Đình Tuấn, Phan Văn Hòa... tiếp tục chung tay lèo lái con thuyền bóng đá Huế ở giải hạng Nhất. Nhưng thỉnh thoảng ra quán cà phê hay trong một cuộc vui nào đó, những người yêu bóng đá Huế lại hỏi nhau rằng đội Huế ra răng rồi? Câu trả lời đã quá cũ chẳng ai muốn nghe là vẫn tà tà ở giải hạng Nhất, rứa thôi!

Còn tôi, đã lâu lắm rồi không còn được thấy những giọt nước mắt trên sân Tự Do. Những giọt nước mắt tức tưởi, tiếc nuối và có “lửa” của cầu thủ trên sân và cả những cổ động viên trên khán đài. Bóng đá Huế đang thiếu những niềm vui và vắng cả những nỗi buồn...

Bài: Phi Tân - Ảnh: Hàn Đăng

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Vượt qua mặc cảm “bóng đá nhà nghèo”

Nửa mùa hạng Nhất đã đi qua và với vị trí top 3, bóng đá Huế đang có một mùa giải trên cả mong đợi. Cụ thể với 17 điểm, các học trò của ông Nguyễn Đức Dũng chỉ xếp sau 2 đội bóng được chỉ đích danh thăng hạng ngay từ đầu mùa giải và không có chi bất ngờ nếu được góp mặt ở sân chơi V. League vào năm sau. Sự thật thì chỉ có SHB Đà Nẵng là vượt trội, còn PVF-CAND cũng chỉ hơn CLB Huế vẻn vẹn 1 điểm và vượt lên ở lượt đá cuối cùng vào cuối tuần qua.

Vượt qua mặc cảm “bóng đá nhà nghèo”
Chờ ngày “hóa rồng”

Biết dựa vào nội lực và đặt niềm tin vào lớp trẻ, bóng đá Huế đang có hy vọng “cá chép hóa rồng” và tạo được đột phá trong tương lai.

Chờ ngày “hóa rồng”
Đón chờ bất ngờ từ U13 Huế

Bóng đá trẻ Huế đang có cơ hội thể hiện mình khi lần đầu tiên chính thức được góp mặt tại Giải bóng đá thiếu niên quốc tế U13 lần thứ 5. Hy vọng, sẽ có được bất ngờ đến từ các cầu thủ nhí Cố đô.

Đón chờ bất ngờ từ U13 Huế
Đá hay đó chơ!

Dự khán trận cầu đầu tiên trên sân Tự Do mùa giải mới, CLB Huế gặp CLB Phù Đổng Ninh Bình, tôi nghe nhiều lời khen từ khán giả Huế, vốn khá kiệm lời. Chứng kiến bàn thắng đẹp mắt mở tỷ số của “Voi rừng” Hồ Thanh Minh, chạy cắt mặt cầu thủ đối phương để đánh đầu ở góc hẹp từ quả từ quả đá phạt góc bên cánh trái vào phút 63 của trận đấu, nhiều khán giả cạnh tôi không dấu được cảm xúc: Đá hay đó chơ!

Đá hay đó chơ
Ấn tượng “lò” đào tạo bóng đá Huế

Cho dù còn khiêm tốn nhưng bóng đá Thừa Thiên Huế vẫn góp mặt đầy đủ ở các giải trẻ. Cũng đã xuất hiện nhiều tài năng trẻ từ “lò” đào tạo bóng đá Huế.

Ấn tượng “lò” đào tạo bóng đá Huế
Return to top