ClockChủ Nhật, 11/03/2012 06:13

Vàng chưa phải ngôi “vua”

TTH - Thực hiện một cuộc “khảo sát bỏ túi” đối với 10 nhà đầu tư (NĐT) trên địa bàn với cách đặt vấn đề “Có tiền nhàn rỗi sẽ đầu tư vào đâu để sinh lời?”, hơn một nửa trong số này cùng quan điểm chọn vàng. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia hàng đầu của các kênh đầu tư, hiện nay thì vàng chưa phải là ngôi “vua” trong năm 2012.

Nếu như các năm trước, bảng xếp hạng các kênh đầu tư được đưa ra khá dễ dàng thì năm nay rất khó để sắp xếp theo thứ tự cho các kênh đầu tư vàng, bất động sản, chứng khoán hay gửi tiết kiệm. “Bỏ trứng vào cùng một giỏ hay chia nhỏ rủi ro” là câu hỏi lớn đối với nhiều NĐT trong bối cảnh hiện nay.

 

Còn nhớ, giá vàng thời điểm giao thời giữa năm cũ và năm mới vừa qua khiến “kẻ cười, người khóc”. Những gương mặt với đủ cung bậc cảm xúc, từ hớn hở đến rầu rĩ, thất thần, lo lắng, bất an... xuất hiện nhiều hơn cả trong thời gian qua tại Trung tâm Vàng bạc đá quý SJC&DOJI Huế hay Cửa hàng Vàng bạc đá quý Thuận Thành Duy Mông... Những NĐT kiên định với việc vàng “chỉ tăng, không giảm” đã lỗ nặng khi giá vàng xuống dưới ngưỡng 42 triệu đồng/lượng tại các phiên giao dịch cuối năm Tân Mão. Nhưng cũng không ít NĐT chớp thời cơ thành công nhờ vượt qua nỗi do dự trước dự báo vàng sẽ giảm để gom hàng ở mức đáy và bán kịp thời khi vàng tăng trở lại. Phụ thuộc vào giá thế giới, vào những quy định tại thị trường nội địa, vào tỷ giá... là rủi ro lớn khi đầu tư vào vàng. Tuy nhiên, thanh khoản cực cao với các bước tăng, giảm mạnh lại chính là yếu tố quan trọng nhất giúp vàng giữ vững vị trí hàng đầu trong bảng xếp hạng các kênh đầu tư năm 2012.

 

Trong khuôn khổ “Ngày hội các NĐT 2012” diễn ra giữa tháng 2 vừa qua, các chuyên gia hàng đầu của các kênh đầu tư “ngôi sao” hiện nay là vàng, chứng khoán, bất động sản và gửi tiết kiệm đã có những phân tích khá thú vị. Tiến sĩ Lê Đạt Chí, Trưởng bộ môn tài chính thuộc Trường đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh nhận định, cuộc khủng hoảng nợ châu Âu vẫn chưa có tín hiệu khả quan sau hội nghị các nhà lãnh đạo của khối này hồi cuối năm 2011. Sau diễn biến trên, giá vàng và chứng khoán thế giới đã giảm khá mạnh vì lãi suất trái phiếu Chính phủ các nước Ý, Tây Ban Nha... tăng. Điều này cho thấy, khả năng thiếu tiền mặt là rất lớn. Các tổ chức đầu tư, không ngoại trừ chính phủ các nước sẽ bán vàng để huy động tiền mặt. Cung tăng mạnh từ nguồn này là yếu tố đầu tiên dự báo vàng sẽ còn tiếp tục giảm. Chỉ số sản xuất của Trung Quốc đang giảm chứng tỏ nền kinh tế toàn cầu đình đốn, tăng trưởng thấp và có nguy cơ rơi vào thiểu phát. Khi đó, nhu cầu tiền mặt sẽ tăng cao, các chủ thể trong nền kinh tế chuyển sang nắm giữ tiền mặt. Đó là lý do giá vàng sẽ điều chỉnh giảm.

 

Với phân tích trên, tiến sĩ Lê Đạt Chí cho rằng, các NĐT nên “giữ tiền mặt, gửi ngân hàng chờ cơ hội mua vàng giá rẻ”. “Vàng giá rẻ” mà ông Chí dự báo ở mức 1.300USD/ounce đối với giá thế giới và giá trong nước ở mức khoảng 37 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, theo các NĐT, vàng dưới mốc 40 triệu đồng/lượng là không khả thi. Giả sử mua được vàng ở mức giá này thì những yếu tố nào sẽ khiến vàng tăng trở lại? Theo ông Chí, sau các động thái trên, các chính phủ tiếp tục cung tiền, nguy cơ lạm phát cao thì theo quy luật tất yếu, vàng tiếp tục tăng trở lại. Đó là cơ hội “có một không hai” cho các NĐT chọn vàng trong năm 2012.

 

Nếu như vàng được nhiều người lựa chọn là kênh “trú ẩn an toàn” thì chứng khoán lại gây nhiều ý kiến cả trong giới chuyên gia và các NĐT trực tiếp. Có dịp theo dõi bảng điện tử tại Công ty CP Chứng khoán Châu Á-Thái Bình Dương (APEC)-Chi nhánh Huế, mới biết các NĐT như ngồi trên đống lửa nhưng “phóng lao phải theo lao”. “Đỏ” liên tục và mất thanh khoản kéo dài, trong mắt nhiều người, chứng khoán bị “lãng quên” trong “giỏ” đầu tư năm 2012. Tuy nhiên, kế hoạch tái cấu trúc nền kinh tế mà chủ trương cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) sẽ chính thức khởi động trong năm nay đã đưa chứng khoán trở lại bảng xếp hạng các kênh đầu tư.

 

Nhóm không ủng hộ chứng khoán cho rằng, khi mục tiêu tái cấu trúc nền kinh tế chưa rõ ràng, các NĐT dài hạn sẽ không bao giờ giải ngân vốn. Họ đang có tâm lý chờ đợi những biện pháp cụ thể từ Chính phủ nên tiếp tục đứng ngoài quan sát các nỗ lực trong việc này rồi mới tính chuyện đầu tư. Một yếu tố làm khó cho chứng khoán nữa là, ngân hàng-kênh cung ứng vốn cho thị trường hiện đang khó khăn và cũng đang là đối tượng phải tái cấu trúc. Chính vì vậy, rất khó để chứng khoán có thể khởi sắc trong 2012. Với góc nhìn lạc quan hơn, nhóm ủng hộ cho rằng, Chính phủ muốn tái cấu trúc tất cả các DNNN nên thị trường chứng khoán năm 2012 sẽ chứng kiến các cuộc IPO rầm rộ. Quyết tâm tái cấu trúc và để chắc thắng, giá cổ phiếu của nhiều DN lớn sẽ được nghiên cứu ở mức hấp dẫn. Đây là động lực “ấm” lại của thị trường, tạo cơ hội cho các NĐT muốn “đón gió” từ các chính sách vĩ mô.

 

Thị trường bất động sản “ấm lên” hay “đóng băng” phụ thuộc rất lớn vào dòng vốn trong nền kinh tế. Tiếp tục đặt mục tiêu kiềm chế lạm phát lên hàng đầu trong năm nay, Chính phủ đã gửi đi thông điệp, chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục bị thắt chặt. Định hướng của Ngân hàng Nhà nước cho tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng năm 2012 cũng chỉ từ 15-17%, thấp hơn năm 2011. Điều này đồng nghĩa với việc, nguồn vốn cung cấp cho các công ty bất động sản, cho NĐT và cả cho những người có nhu cầu nhà, đất thực sự cũng bị hạn chế. Dòng vốn nước ngoài vào thị trường này thông qua đầu tư trực tiếp nước ngoài và kiều hối cũng sẽ giảm khi mà giá nhà của nhiều nước trên thế giới còn thấp hơn Việt Nam. Đó là lý do, bất động sản-kênh đầu tư nhiều năm đứng vị trí số 1 đã chính thức bị xếp lại trong “giỏ” đầu tư của năm sau và những năm kế tiếp...

 

Bạch Quang

 

Gửi tiết kiệm được xem là kênh đầu tư an toàn

Vàng-sự lựa chọn của không ít nhà đầu tư

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khảo sát mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn

Chiều 15/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh cùng các đơn vị liên quan đã có buổi khảo sát nhằm phục vụ công tác chuẩn bị đầu tư Dự án (DA) mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn.

Khảo sát mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn
Tháo gỡ mặt bằng đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương

Mặt bằng thi công Dự án (DA) đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương chưa giải phóng hoàn toàn, mới chỉ đủ để triển khai phần cầu. Chủ đầu tư yêu cầu các đơn vị liên quan đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) nhằm đáp ứng tiến độ thi công DA.

Tháo gỡ mặt bằng đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương
Return to top