ClockThứ Năm, 22/11/2012 16:07

Vắng vì chưa biết cách tạo hiệu ứng truyền thông

TTH - Triển lãm mỹ thuật là hoạt động góp phần đưa tác phẩm đến với công chúng. Tuy nhiên, để tạo sự lan tỏa rộng rãi, hoạt động triển lãm cần phải được tổ chức chuyên nghiệp hơn, phù hợp với sự phát triển của mỹ thuật đương đại.

Thiếu nơi trưng bày

So với nhiều địa phương khác, đời sống mỹ thuật ở Huế khá sinh động. Hầu như, tháng nào cũng có một vài cuộc triển lãm, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của người thưởng ngoạn. Nhiều triển lãm được chuẩn bị công phu, thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng.

Không gian trưng bày còn quá chật hẹp

Lệ thường, các cuộc triển lãm đều đông vào ngày khai mạc và vắng vào những ngày sau. Theo họa sĩ Đặng Mậu Tựu, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên Huế, đó là không khí cần thiết cho sự thưởng ngoạn. Trong không gian tĩnh lặng, người xem mới cảm nhận, hiểu và đối thoại với tác phẩm. Tuy nhiên, không thể phủ nhận một thực tế, nhiều triển lãm thiếu sức hút với công chúng. Sau ngày khai mạc nhộn nhịp, đông vui là không khí vắng tanh. Họa sĩ Phan Hải Bằng, giảng viên Trường đại học Nghệ thuật Huế băn khoăn: “Nhiều triển lãm chủ yếu thu hút sự tham dự của người thân, bạn bè và những người trong giới mỹ thuật hoặc một nhóm nghệ sĩ với nhau. Làm nghệ thuật mà co cụm như vậy là tự hủy”.

Triển lãm chưa thu hút được công chúng, ngoài chất lượng tác phẩm còn do công tác tổ chức. Dù là trung tâm văn hóa nghệ thuật nhưng Huế vẫn thiếu không gian trưng bày tác phẩm. Ngoài không gian của Làng nghề Huế - Trung tâm Văn hóa Phương Nam (15 Lê Lợi) tương đối rộng rãi, các phòng trưng bày ở số 4 Hoàng Hoa Thám hay trụ sở văn phòng Liên hiệp các Hội VHNT (26 Lê Lợi) quá nhỏ. Họa sĩ Đặng Mậu Tựu cho hay: “Chúng tôi đã chuyển xuống làm việc nơi ẩm thấp để tận dụng phòng làm việc phía trên làm nơi giới thiệu tác phẩm. Do vậy, nơi này chưa đáp ứng được yêu cầu của một phòng trưng bày. Những lúc giới thiệu số lượng tác phẩm lớn, chúng tôi phải mượn phòng triển lãm của New Space Arts Foundation, Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán hoặc Bảo tàng Hồ Chí Minh. Nếu có không gian triển lãm, đời sống mỹ thuật ở Huế sẽ tốt hơn nhiều”. Ngoài ra, Huế vẫn chưa có bảo tàng mỹ thuật để lưu giữ tác phẩm của những người đã sống và làm việc ở Huế.

Công tác quảng bá của hoạt động này cũng chưa thật sự hiệu quả. Nhiều triển lãm chưa được phổ biến rộng rãi mà chỉ bó hẹp trong số những người quen biết. Họa sĩ Phan Hải Bằng chia sẻ, năm 2011, anh tổ chức trại sáng tác đồ họa Huế lần thứ 1 (workshop). Trong 3 ngày, anh đã tổ chức chuỗi hoạt động: trình diễn kỹ thuật đồ họa, triển lãm, hội thảo nhưng đều vắng người. Workshop lần ấy chưa thể thành công mỹ mãn khi ê kíp của anh làm chưa tốt khâu truyền thông.

Tạo sự thông hiểu giữa nghệ sĩ và công chúng

Để thu hút công chúng, công tác tổ chức triển lãm cần chuyên nghiệp hơn chứ không đơn giản chỉ là treo tranh, cắt băng khai mạc. Khi triển lãm, họa sĩ muốn tổ chức một bữa tiệc về nghệ thuật. Vì thế, phải làm thế nào để công chúng có tâm thế đi dự tiệc. Người tổ chức cần đặt mình vào vị trí của công chúng để hiểu họ cần gì. Bằng những hoạt động kèm theo, triển lãm phải tạo sự đồng điệu thì người xem mới cảm nhận được những gì họa sĩ muốn chuyển tải qua tác phẩm. Nghệ thuật đương đại phải làm sao để công chúng phối hợp, thậm chí tương tác để tạo tác phẩm - Họa sĩ Phan Hải Bằng nói.

Trước hết, phải tạo sự thông hiểu giữa nghệ sĩ và công chúng. Những triển lãm sau này, New Space Arts Foundation đã tổ chức hoạt động artist talk (nghệ sĩ nói chuyện). Đây là dịp để nghệ sĩ giới thiệu phong cách sáng tác, tác phẩm và giao lưu với công chúng. Hoạt động này sẽ giải mã những bí ẩn sáng tạo, giúp công chúng hiểu tác phẩm. Có như vậy, họ mới hứng thú thưởng thức. Thông qua câu hỏi của công chúng trong các buổi artist talk, họa sĩ phải nhìn lại mình. Tuy nhiên, số triển lãm có tổ chức hoạt động artist talk vẫn chưa nhiều.

Họa sĩ Phan Hải Bằng tiếp tục chia sẻ: “Có nhiều cách làm cho công chúng thông hiểu, tạo sự tương tác giữa tác phẩm của nghệ sĩ với công chúng. Có thể giới thiệu tác phẩm và trình diễn các công đoạn sáng tạo của một tác phẩm sơn mài chẳng hạn. Hoặc có thể làm video giới thiệu cuộc đời, các giai đoạn sáng tác của họa sĩ... Nếu không được giải thích, người ta sẽ không thể hiểu hết hoặc cảm nhận một cách vu vơ, tùy vào tri thức nghệ thuật của mỗi người. Không hiểu, họ sẽ không đến thưởng thức”. Ngoài ra, cần tạo sự đồng bộ từ nghệ sĩ, đơn vị tổ chức triển lãm đến công chúng. Mỹ thuật Huế vẫn thiếu người giám tuyển làm trung gian, cầu nối tạo sự thông hiểu giữa nghệ sĩ và công chúng.

Họa sĩ Lê Ngọc Thanh (New Space Arts Foundation) cho biết: “Bây giờ, việc quảng bá rất dễ, chỉ cần bỏ công sức và biết cách làm. Mỗi lần tổ chức triển lãm, New Space Arts Foundation đã gửi thư mời đến hơn 3 nghìn địa chỉ email, thông báo trên các trang mạng xã hội. Từ đó tạo nên sự lan tỏa trong cộng đồng”.

Ngay từ bây giờ, cần nâng cao thị hiếu thẩm mỹ cho công chúng, trước hết là trẻ em. Họa sĩ Đặng Mậu Tựu đề xuất: “Các trường học nên đưa học sinh đến phòng triển lãm nhiều hơn, tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa để họa sĩ giới thiệu về các trường phái mỹ thuật, tác phẩm, bố cục, màu sắc, ý tưởng… Như vậy, chúng ta sẽ có lực lượng công chúng đông đảo, am hiểu về nghệ thuật”.

Trang Hiền
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ

Triển lãm Mỹ thuật trẻ 2024 vừa diễn ra tại Trường đại học Nghệ thuật thu hút được rất nhiều sự chú ý của các họa sĩ trẻ và người yêu nghệ thuật với nhiều tác phẩm mới lạ. Giữa những tác phẩm đầy màu sắc, “Không Không Kó Không” của Hoàng Thanh Khiêm là một tác phẩm sắp đặt khá nổi bật, và càng đáng chú ý hơn nữa khi tác giả là một chàng trai trẻ sinh năm 2009.

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ
220 năm quốc hiệu Việt Nam

“220 năm quốc hiệu Việt Nam – những chặng đường lịch sử (1804-2024)” là chủ đề cuộc hội thảo khoa học do Hội Khoa học Lịch sử tỉnh tổ chức, diễn ra sáng 23/4 tại TP. Huế.

220 năm quốc hiệu Việt Nam

TIN MỚI

Return to top