ClockThứ Hai, 19/07/2021 13:00

Vào “cuộc đấu mới”

TTH - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký văn bản 970/TTg-KGVX ngày 18/7/2021 về việc thành lập “Tổ công tác đặc biệt” phòng, chống dịch COVID-19.

Công văn gửi các đồng chí Bộ trưởng các Bộ: Quốc phòng, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Xây dựng, Thông tin và Truyền thông, Lao động – Thương binh và Xã hội nêu rõ:

Để hỗ trợ và phục vụ kịp thời, hiệu quả cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố Chí Minh và các địa phương phía Nam, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đồng chí Bộ trưởng căn cứ chức năng, nhiệm vụ quyền hạn được giao, thành lập ngay “Tổ công tác đặc biệt” phòng, chống COVID-19 của từng Bộ tại Thành phố Hồ Chí Minh, do một đồng chí Thứ trưởng phụ trách trực tiếp để phối hợp chặt chẽ với Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương phía Nam, nhất là các địa phương đang thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg chủ động xử lý, giải quyết ngay những nhiệm vụ phát sinh trong công tác phòng, chống dịch và những vấn đề liên quan. Tổ công tác đặc biệt hàng ngày báo cáo Bộ trưởng và Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và kịp thời đề xuất, kiến nghị đối với những vấn đề vượt thẩm quyền.

Đây là nhiệm vụ công việc rất quan trọng, cấp bách; Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đồng chí Bộ trưởng tập trung chỉ đạo thực hiện, sớm phát huy hiệu quả vai trò của Tổ công tác đặc biệt của Bộ trong công tác phòng, chống dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương phía Nam.

Vào 0h sáng nay, cùng với TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai, đã có thêm 16 tỉnh thành phía nam, bao gồm Cần Thơ, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau và Kiên Giang áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Việc lựa chọn này cho thấy, diễn biến tình hình dịch bệnh ở đây đã trở nên rất phức tạp. Điểm khác so với các đợt dịch trước ở các tỉnh phía bắc như Hải Dương, Bắc Ninh và Bắc Giang là các ca F0 không chỉ được phát hiện trong các khu công nghiệp mà phần lớn, lại được phát hiện trong cộng đồng. Việc kiểm soát dịch bệnh, nỗ lực để hạn chế thấp nhất trong khả năng có thể sự lây lan đã trở nên khẩn thiết, nhưng cũng rất đỗi khó khăn.

Ngay trong thời điểm này, hầu hết các bệnh viện dã chiến của các tỉnh kể trên đều áp lực trong việc thu dung, điều trị cho các ca bệnh dương tính với COVID-19. TP Hồ Chí Minh đang cấp tốc thi công hai bệnh viện dã chiến tại quận 7 và huyện Bình Chánh, với tổng số 5.880 giường. Cũng tại điểm nóng với số ca bệnh tăng nhanh, liên tục và chưa có dấu hiệu dừng lại này, Bộ Y tế cũng đã thành lập kho trang thiết bị, vật tư tiêu hao dã chiến tại TP. Hồ Chí Minh; đồng thời điều phối 2.000 máy thở chức năng cao cũng như máy thở thông thường cho kho dự trữ này. Tích cực huy động các nguồn lực, vận động các nhà tài trợ để có thể đảm bảo trang thiết bị cho công tác phòng, chống dịch khu vực này cũng là một trong những vấn đề đang được đẩy mạnh.

Người dân TP. Hồ Chí Minh vừa mới xong 10/14 ngày giãn cách xã hội đầu tiên theo Chỉ thị 16, đã lại cộng thêm 14 ngày giãn cách mới theo văn bản hỏa tốc của Thủ tướng Chính phủ. Giảm tải cho Tp Hồ Chí Minh, giảm tải cho 19 tỉnh trong khu vực thực hiện Chỉ thị 16, các tỉnh khác trong toàn quốc cũng đã chuẩn bị cơ sở vật chất, các khung cách ly, các phương án thu dung, điều trị khi phát hiện F0 và bắt đầu thực hiện kế hoạch đưa người dân về địa phương.

Thông tin COVID-19 cập nhật liên tục từng buổi, từng ngày và từng giờ. Điều đó cũng cho thấy, dù không phải là toàn quốc, nhưng chúng ta rõ ràng đang bước vào “cuộc đấu mới” với dịch bệnh. Một tổ công tác tiền phương về đảm bảo hàng hóa thiết yếu cho TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam gồm 27 thành viên đã được Bộ Công thương thành lập. Trước diễn tiến của tình hình, Bộ Y tế cũng đã thay đổi phác đồ điều trị COVID-19 theo hướng linh hoạt hơn trên quan điểm phân loại người bệnh và xác định nơi điều trị theo mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Ở “cuộc đấu mới” này, vấn đề được đặt lên hàng đầu trong thời điểm này chính là thực hiện nghiêm các quy định về cách ly, giãn cách xã hội; chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống … để trên hết và trước tiên, phải bảo vệ sức khỏe và đảm bảo chăm sóc y tế cho người dân.

Lê Bình An

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gửi yêu thương trên thao trường

Ngày 29/3, Tại Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 6, Hội Phụ nữ Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh phối hợp với Hội phụ nữ các đơn vị Quân đội đứng chân trên địa bàn tỉnh, Hội Liên hiệp phụ nữ các huyện, thị xã, thành phố tổ chức chương trình Đồng hành cùng chiến sĩ mới – Gửi yêu thương trên thao trường, Khâu áo chiến sĩ và bữa cơm ấm lòng tình mẹ.

Gửi yêu thương trên thao trường
Cơ hội bứt phá cho mục tiêu mới

Với nhiều quy hoạch lớn mang tầm chiến lược ở Thừa Thiên Huế cũng như Luật Đất đai 2024 (sửa đổi) và nhiều luật mới đã, sắp ban hành, hy vọng sẽ tạo động lực cho Thừa Thiên Huế bứt phá trong tương lai gần.

Cơ hội bứt phá cho mục tiêu mới
Để chiến sĩ mới yên tâm vững vàng

Ngày 26/2, tại Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động (HLCĐ), Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh, rộn ràng bước chân của 115 chiến sĩ mới (CSM). Trong những nụ cười, xen lẫn rất nhiều bỡ ngỡ. Thượng tá Hoàng Minh Hùng, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng, phụ trách Chỉ huy trưởng, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, trực tiếp cùng Ban Chỉ huy Tiểu đoàn Huấn luyện cơ động (HLCĐ) khích lệ, để CSM ổn định, yên tâm, vững vàng bước vào huấn luyện.

Để chiến sĩ mới yên tâm vững vàng
Học sinh cần làm gì trước phương án thi tốt nghiệp mới

Bắt đầu từ năm 2025, học sinh cuối cấp trung học phổ thông (THPT) sẽ thi tốt nghiệp theo chương trình giáo dục phổ thông mới 2018. Việc thay đổi phương án thi tốt nghiệp THPT sao cho phù hợp với chương trình mới đang được xã hội đặc biệt quan tâm.

Học sinh cần làm gì trước phương án thi tốt nghiệp mới
Return to top