ClockThứ Sáu, 29/04/2016 10:23

Vào Hoàng cung thưởng lãm

TTH - Với nhiều hình thức trưng bày khác nhau, như: Tái hiện cảnh quan; giới thiệu nhân vật, kiến trúc; trưng bày bổ sung; trưng bày bảo tàng… không gian của các di tích ở khu vực Đại Nội ngày càng được sử dụng nhiều cho các triển lãm liên quan đến di sản văn hóa Huế, đáp ứng tốt hơn nhu cầu tham quan của du khách.

Thêm sắc màu cho Festival Huế

Festival Huế 2016, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế phối hợp tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng khác để làm mới, thêm sắc màu cho không gian thưởng lãm trong Đại Nội. Bắt đầu từ ngày 23/4 đến 2/5, nhiều cuộc trưng bày, triển lãm được khai mạc, như: Báu vật Hoàng cung “Kim ấn và Kim sách thời Nguyễn”, “Triều Nguyễn và Huế xưa”, “Văn bản hành chính nhà nước qua Châu bản triều Nguyễn”, “Sắc gốm Lý Trần qua bản phục chế của Nghệ nhân ưu tú Trần Độ”, “Không gian nghề truyền thống Huế”, “Phong lan ba miền và cây kiểng Huế”, “Tạp chí Heritage với Di sản Văn hóa Huế”, bánh mứt cung đình do nghệ nhân ẩm thực Hoàng Anh thực hiện...

Tham quan không gian trưng bày ở Trường Lang (Đại Nội)

Nghề gốm đã ra đời và phát triển ở nhiều nơi trên đất Việt cách đây hàng nghìn năm. Đến thời Lý (1010-1225) - Trần (1225-1400), kỹ thuật làm gốm đã lên đến đỉnh cao, được xem là giai đoạn vàng. Nét đặc biệt của gốm thời Lý-Trần được thể hiện qua hình dáng, hoa văn trang trí, màu men và kỹ thuật nung. Trong không gian của cung Trường Sanh, nghệ nhân Trần Độ (làng gốm Bát Tràng – Hà Nội) tiếp tục giới thiệu đến công chúng Huế về những tinh hoa của sắc gốm Lý – Trần qua các bản phục chế gốm sứ tuyệt đẹp, thể hiện tay nghề điêu luyện mang hồn gốm Việt.

Hay đến với không gian Trường Lang, du khách có thể hiểu hơn về triều Nguyễn xưa qua triển lãm “Văn bản hành chính nhà nước qua Châu bản triều Nguyễn”. Châu bản triều Nguyễn là khối tài liệu hành chính duy nhất còn lưu giữ được của triều Nguyễn –triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam (1802-1945) với nội dung bao quát gần như toàn bộ lịch sử, đời sống kinh tế, xã hội, con người ở Việt Nam giai đoạn thế kỷ 19 và nửa đầu thế kỷ 20 trên các lĩnh vực chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế… Với những giá trị nổi bật đáp ứng các tiêu chí về nội dung và hình thức như tính độc đáo, xác thực, tầm ảnh hưởng khu vực và quốc tế, năm 2014, Châu bản triều Nguyễn đã được UNESCO công nhận là di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Không gian trưng bày lý tưởng

Hoàng Thành là khu vực công sở hành chính và là không gian sinh hoạt của Hoàng gia triều Nguyễn với hơn trăm công trình có tính chất khác nhau. Đây thật sự là một bảo tàng khổng lồ với những điển hình khá rõ về những “hiện vật gốc” gồm hệ thống rất đa dạng về các loại hình di tích kiến trúc.

Trong nỗ lực đổi mới cách giới thiệu văn hóa di sản Huế với du khách, việc trưng bày, giới thiệu, quảng bá ở Quần thể di tích Cố đô Huế nói chung, khu vực Đại Nội nói riêng được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế triển khai theo nhiều hướng và quy mô khác nhau. Trong đó, với lối trưng bày tái hiện cảnh quan, không gian lịch sử của từng di sản được tái hiện lại qua việc sắp xếp, trưng bày hiện vật thể hiện mối quan hệ cộng hưởng giữa di tích và di vật. Lối trưng bày giới thiệu nhân vật, kiến trúc lại gắn kết giữa di tích kiến trúc và dấu ấn cá nhân của nhân vật lịch sử…

Bên cạnh đó, bằng hoạt động trưng bày và tổ chức trình diễn các loại hình văn hóa phi vật thể, Trung tâm BTDTCĐ Huế tập trung khai thác một số hình thức trình diễn cung đình trên cơ sở nghiên cứu lịch sử. Điều này có thể xem là một cách thức trưng bày sống động nhất, làm cho di sản trở nên lung linh hơn với phần hồn nguyên thủy của nó. Những hoạt động trưng bày này cũng được cộng đồng và du khách quan tâm.

Bà Trần Thị Hồng Hạnh (du khách đến từ Bình Dương) chia sẻ: “Mỗi dịp ra Huế trước đây chúng tôi đều vào thăm Hoàng Cung và các điểm khác như lăng Minh Mạng, lăng Tự Đức và lăng Khải Định. Ra Huế lần này, dù đã có tuổi hơn, nhưng tôi vẫn thích vào thăm Đại Nội. Tôi thích xem lễ đổi gác, xem các nghệ sĩ chơi nhạc Thế Miếu, Trường Lang… Chúng tôi vừa có thể nghỉ chân, vừa được xem biểu diễn nét sinh hoạt văn hóa xưa”.

TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm BTDTCĐ Huế, cho biết: “Quan điểm của chúng tôi là trùng tu di tích phải luôn gắn liền với phục hồi không gian nội thất công trình và cảnh quan môi trường. Đó là giải pháp đồng bộ nhằm tạo sức sống và phần hồn mỗi khi công trình di tích được trùng tu, phục hồi. Bên cạnh đó, hoạt động nghiên cứu, phục hồi các loại hình, bài bản truyền thống để đưa vào trình tấu, biểu diễn tại những không gian di sản một cách tương thích và phù hợp sẽ góp phần quan trọng làm sống động khu di sản, đáp ứng được yêu cầu về phục vụ du lịch.

ĐỒNG VĂN  

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bernard chọn quán cà phê trong Đại Nội để ngồi viết sách

Trong không gian Viện Pháp Huế, số 1 Lê Hồng Phong, nhà văn viễn tưởng nổi tiếng người Pháp Bernard Werber đã có buổi giao lưu, trò chuyện cùng khán giả cố đô và giới thiệu hai tác phẩm tâm đắc của ông: “Bộ Ba Kiến" và "Chiếc hộp Pandora".

Bernard chọn quán cà phê trong Đại Nội để ngồi viết sách
Huế xưa Huế mới

“Huế cổ kính, mà luôn luôn mới mẻ, bất ngờ. Ai đã từng dành trọn buổi sớm mai sương khói hay buổi chiều tà mát mẻ đi một vòng dọc hai bờ sông Hương mới cảm nhận được sức sống kỳ diệu của thành Huế bây giờ… Huế đi lên từng ngày, dần xứng tầm là một đô thị di sản, một trung tâm văn hóa, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu tương lai của nước nhà, của khu vực” - Đó là những cảm nhận sâu sắc của một người bạn xa về một Huế “muôn đời đẹp và thơ”.

Huế xưa Huế mới
Hình ảnh làm xấu du lịch Huế

Một trong những hình ảnh không đẹp xuất hiện tại thành phố hiện nay là nhiều người vô ý thức biến nơi công cộng thành "nhà vệ sinh công cộng".

Hình ảnh làm xấu du lịch Huế
Người tạo “Avatar” cho làng hương Thủy Xuân

Nếu như “Avatar” là một thủ thuật của marketing để tạo dựng, củng cố hình ảnh cá nhân, nhận diện thương hiệu cho một hay nhóm sản phẩm nào đó, thì “Avatar” của làng hương Thủy Xuân được tạo ra theo một cách hết sức thú vị, ít ai ngờ tới.

Người tạo “Avatar” cho làng hương Thủy Xuân
Return to top