ClockThứ Bảy, 20/06/2015 08:14

Vào vai để tác nghiệp

TTH - Để có được thông tin hay cho những bài viết y tế có vấn đề nổi cộm, tôi thường làm “diễn viên” bất đắc dĩ. Nghĩa là viết về vấn đề gì, phải nhập vai làm nhân vật chính...

Nhà báo Xuân Hồng (bên phải) đang trao đổi với PGS.TS Phạm Như Hiệp Phó Giám đốc BVTW Huế trước lúc vào phòng mổ

Đột nhập phòng khám tư

Năm 2006, dư luận nhức nhối về vấn đề các bác sĩ ngoại khoa từ các phòng khám tư nhân (phòng mổ) đua nhau lôi kéo bệnh nhân thực hiện phẫu thuật, sai quy định của Bộ Y tế, lại nâng giá của một ca mổ cao gấp nhiều lần so với các bệnh viện công lập. Tôi quyết định viết bài: “Những bất cập từ phòng mổ tư”. Lúc ấy, tôi đóng vai người nhà bệnh nhân có em bị gãy chân, đã băng bột, nhưng phải chọn bác sĩ nào giỏi, giá lại rẻ để tiến hành phẫu thuật.

Phòng khám đầu tiên tôi đột nhập là của bác sĩ B. Tôi yêu cầu có bảng giá phẫu thuật gãy xương đùi đưa cho bệnh nhân xem họ có đủ tiền để mổ không? Vợ bác sĩ B liền viết ngay giá và đóng dấu đỏ của phòng khám: Giá thời ấy là 18 triệu đồng cho một ca mổ xương đùi. Trước đó, tôi cũng đã có bảng giá từ Bệnh viện Trung ương Huế chỉ có 6 triệu đồng. Sau đó, tôi tiếp tục đi vào khu điều trị bệnh cho bệnh nhân sau mổ của phòng khám bác sĩ T. Cũng trong vai người nhà bệnh nhân, tôi nói với người quản lý phòng là cần có ảnh để bệnh nhân xem điều kiện phòng ốc ra sao, họ mới quyết định đến phòng khám này. Vậy là ông quản lý phòng sốt sắng đưa tôi đi, còn nhắc nhở người nhà bệnh nhân dọn dẹp phòng cho sạch sẽ! Phòng điều trị hết sức sơ sài, nóng bức. Nguy hiểm là không có phương tiện vô trùng. Cứ thế, tôi đột nhập khá nhiều phòng khám hoạt động trái phép.

Cách đây hơn 10 năm, tôi cũng xin vào phòng mổ Bệnh viện Trung ương Huế để chứng kiến việc triển khai kỹ thuật, trong vai điều dưỡng. Một chị điều dưỡng của Viện Tim mạch gọi tôi đến và nói: “Em phải nhìn chị pha cồn I ốt để phẫu thuật viên sát trùng”. Nói rồi chị đổ cồn ra môt chiếc khay, sau đó giảng giải về việc sát trùng. Tôi vâng, dạ rối rít nhưng chẳng hiểu chị nói gì cả. Tôi đang nghĩ những câu hỏi chuẩn bị phỏng vấn cho kỹ thuật chuẩn bị triển khai. Xong việc, tôi tiếp tục ghi chép, chị lại vẫy tôi đến quát to: “Tại sao em học việc mà lười thế, phải mặc áo, đi găng tay cho bác sĩ phẫu thuật chứ. Chị đã mặc áo cho bác sĩ rồi. Em thắt lại dây áo, rồi mang găng tay đi”. Tôi lại vâng, dạ rồi luống cuống thực hiện nhiệm vụ. Lúc ấy, TS bác sĩ Huỳnh Văn Minh (giờ là GSTS, Nhà giáo ND), đang là Phó khoa Nội Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Huế nói: “Chị ơi. Cô ấy là nhà báo đó”!

Lấy tư liệu xong, tôi làm việc với Giám đốc Sở Y tế: TS, bác sĩ Nguyễn Dung (bây giờ là Phó Chủ tịch UBND tỉnh). Lúc ấy ông mới lên giám đốc chưa đầy một năm, nên ngỡ ngàng trước phản ánh của tôi. Tài liệu bảng giá phòng khám của bác sĩ B và phòng điều trị của bệnh nhân sau mổ của bác sĩ T đã khiến vị Giám đốc Sở Y tế “sốc”. Ngay lúc ấy, Giám đốc Nguyễn Dung điện thoại cho Chánh Thanh tra Sở Y tế Nguyễn Đình Oanh chỉ đạo phải nhanh chóng vào cuộc điều tra vấn đề nhà báo vừa nêu! Không hiểu sao, vợ bác sĩ B, người đã đưa cho tôi bảng giá nói trên lại biết được tôi đang viết bài phản ánh về phòng mổ của mình. Tối hôm ấy, khi đang viết bài, người đó đến nhà tôi mang theo một gói quà to. Tôi kiên quyết từ chối lời đề nghị của bà ta và cả gói quà. Khi bà ấy rời khỏi nhà, tôi lại hăm hở ngồi vào bàn với chiếc máy vi tính. Vẫn quyết tâm viết bài đến cùng, song cũng đắn đo. Nếu viết mạnh tay thì khá nhiều bác sĩ mà tôi đề cập ở bài báo sẽ bị đuổi khỏi ngành (vì đa số là phục vụ trong quân đội nên có những quy định nghiêm ngặt). Thôi thì mình viết để phê phán, cảnh báo để họ phải chấm dứt hoạt động nghề trái phép và thu tiền bất chính của bệnh nhân nghèo, chứ không dồn các bác sĩ nói trên đến con đường cùng. Vì thế, trong bài viết, tên của chủ phòng khám và địa chỉ đành phải viết tắt. Kết quả của bài viết là tất cả những phòng khám mà tôi đề cập đều bị Thanh tra Sở Y tế lập biên bản, xử phạt và đóng cửa!

Đối mặt “bác sĩ dỏm”

Năm 2008, tôi nhận được thông tin, ông Huỳnh Thất, làm nghề lái xe ôm, ở đường Đinh Tiên Hoàng (TP Huế), tự xưng là bác sĩ, ngang nhiên mở phòng khám để khám bệnh. Sau khi biết địa chỉ của ông này, tôi theo dõi, biết “bệnh nhân” của ông Thất là những người có hoàn cảnh khó khăn và thật thà. Đa số là người ở các địa phương khác, được cò mồi dắt đến. Tôi quyết định làm bệnh nhân để tiếp cận với ông Thất. Tôi chọn bộ quần áo cũ và mượn một chiếc xe máy cũ kỹ của người hàng xóm. Lúc tôi đến đang tần ngần, nửa muốn đi về, nửa muốn thực hiện ý đồ của mình, thì ông T từ trong nhà chạy ra vồn vã: “Khám bệnh à? Vô đây “bác “khám” cho”. Tôi đành đi theo ông ta vào nhà. Phòng khám của ông T chỉ có một chiếc giường, chiếu cũ và một chiếc ống nghe ông ta đang đeo trên cổ. “ Đau chi? Nằm xuống”. Ông Thất ra lệnh. Tôi nói là bị đau đầu kinh niên, rồi vội vàng nằm xuống giường. Thấy vẻ mặt gân guốc của ông này, tôi bỗng thấy sợ. Mồ hôi đầy cả mặt, nhưng vẫn cố bình tĩnh để không bị ông Thất phát hiện mình không phải bệnh nhân. Lo nhất là khi ông “bác sĩ dỏm” đặt ống nghe lên ngực. Nhỡ ông ta làm bậy thì sao? Tôi đang nghĩ cách đề phòng thì rất may, ông Thất bảo: “Có thể chị bị đau não. Giờ tôi giới thiệu chị đi chụp phim rồi đem kết quả về, tôi sẽ điều trị cho. Nhớ chiều quay lại, tôi lấy tiền công và thuốc luôn”. Tôi ra khỏi nhà ông Thất. Hú hồn! Sau khi bài báo xuất bản, Thanh tra Sở Y tế đã đóng cửa phòng khám này, nhưng không hiểu sao, ông Thất lại tiếp tục làm “bác sĩ dỏm”; mãi đến đầu năm 2015, công an đã vào cuộc và chấm dứt hoạt động phòng khám trái phép này.

Đinh Hoàng Xuân Hồng
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thi đua sản xuất tăng năng suất lao động

Sáng 24/4, Công đoàn Khu Kinh tế, Công nghiệp tỉnh tổ chức ký kết giao ước thi đua hưởng ứng “Đợt thi đua cao điểm chào mừng 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 – 28/7/2024)" trong các công đoàn cơ sở (CĐCS) trực thuộc Công đoàn Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh.

Thi đua sản xuất tăng năng suất lao động
Gần 500 đoàn viên công đoàn được tập huấn nghiệp vụ

Sáng 24/4, Công đoàn Đại học Huế tổ chức hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt, thực hiện Nghị quyết đại hội Công đoàn các cấp nhiệm kỳ nhiệm kỳ 2023- 2028 và tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng hoạt động công đoàn.

Gần 500 đoàn viên công đoàn được tập huấn nghiệp vụ
Phát động Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động và Tháng công nhân

Sáng 24/4, tại Khu công nghiệp huyện Phong Điền, Hội đồng An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) tỉnh phối hợp với Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh tổ chức lễ phát động Tháng hành động về ATVSLĐ và Tháng Công nhân năm 2024 với chủ đề "Tăng cường đảm bảo ATVSLĐ tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng" và Tháng Công nhân với chủ đề "Đoàn kết công nhân - Triển khai Nghị quyết".

Phát động Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động và Tháng công nhân
Nghỉ lễ dài ngày, người dân cần lưu ý 5 vấn đề khi vắng nhà

Kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 kéo dài 5 ngày, nhiều người dân, hộ gia đình sẽ có những dự định đi chơi xa, về quê thăm người thân... Để tránh bị các đối tượng xấu lợi dụng người dân vắng nhà dài ngày để trộm cắp tài sản hay những bất trắc có thể xảy ra, ngày 24/4, Công an tỉnh đã gửi thông tin cảnh báo, yêu cầu mọi người dân trên địa bàn tỉnh cần đặc biệt lưu ý.

Nghỉ lễ dài ngày, người dân cần lưu ý 5 vấn đề khi vắng nhà
Return to top