ClockThứ Năm, 09/09/2021 06:30

Vay qua online, nhiều người sập bẫy

TTH - Dù đã được cảnh báo nhiều lần, nhưng người dân vẫn bị sập bẫy lừa đảo của các đối tượng xấu bằng hình thức cho vay online. Thủ đoạn của các đối tượng là giả danh nhân viên công ty tài chính, ngân hàng… cho vay tín chấp với lãi suất ưu đãi.

Lừa xin chuyển công tác với giá 250 triệu đồng

Người bị hại bị lừa đảo qua mạng đến trình báo Công an TP. Huế

Anh Phạm Văn H. (sinh năm 1986), trú phường Vỹ Dạ (TP. Huế) kể: Thông qua Zalo, một đối tượng tự giới thiệu là nhân viên tài chính Nhất Tín liên kết với Ngân hàng Vietcombank cho vay tín chấp với lãi suất thấp. Đúng lúc cần vay tiền, lại thấy “nhân viên ngân hàng” hướng dẫn nhiệt tình, lãi suất vay thấp nên anh không một chút do dự. Anh H. đã đăng ký vay 30 triệu, với lãi suất mỗi tháng trả cả gốc và lãi chia đều 2,6 triệu trong vòng 12 tháng.

Sau khi được hướng dẫn truy cập vào trang web có tên “wap.tpmoney.xyz” đăng ký thông tin vay, đối tượng thông báo hồ sơ vay của anh H. đã được chấp thuận. Đối tượng thông tin, trong tài khoản anh H. đã có 30 triệu đồng, nhưng đang đóng băng, nên yêu cầu anh nộp “phí xác thực tài khoản” là 3 triệu đồng để giải ngân khoản vay. Tiền phí sẽ được đối tượng hoàn lại cho anh sau khi xác thực tài khoản. Nghe theo lời hướng dẫn, anh H. đã chuyển 3 triệu đồng vào tài khoản của đối tượng này.

Chưa dừng lại, đối tượng tiếp tục thông báo, quá trình xác thực tài khoản gặp lỗi xác thực thông tin tài khoản, nên tiếp tục yêu cầu anh H. chuyển thêm 3 triệu đồng nữa. Sau 2 lần chuyển khoản, đối tượng tiếp tục lấy lý do để xác nhận mã giao dịch và yêu cầu anh H. chuyển thêm 7,2 triệu đồng. Tiếp đó, đối tượng tiếp tục lấy nhiều lý do khác nhau để yêu cầu anh H. chuyển thêm 8,6 triệu đồng. Anh H. không đồng ý và ra ngân hàng Vietcombank để hỏi thì phát hiện bị lừa nên trình báo công an. Tổng số tiền anh H. đã chuyển cho đối tượng là 13,2 triệu đồng.

Tương tự, ngày 1/9/2021, chị Hồ Thị B. (sinh năm 1997), trú tại phường Phú Hậu (TP. Huế) trình báo với cơ quan công an với nội dung: Có một người tự xưng là nhân viên Ngân hàng Nhất Tín liên kết với Vietcombank gọi điện thoại cho vay tín chấp với giá ưu đãi. Tin lời, chị B. đã đăng ký vay 30 triệu đồng với các bước hướng dẫn.

Tiếp đó, người này thông báo hồ sơ vay đã được chấp thuận, nhưng do số tài khoản của chị B. bị sai nên không giải ngân khoản vay được và yêu cầu chị chuyển 6 triệu đồng vào một tài khoản người này hướng dẫn để xác thực tài khoản.

Chị B. đã chuyển 6 triệu đồng nhưng người này thông báo vẫn chưa xác thực được tài khoản tiếp tục yêu cầu chị chuyển thêm 6 triệu đồng nữa. Mặc dù rất khó khăn, nhưng vì đã lỡ nộp hồ sơ nên cố gắng vay mượn người thân nộp thêm cho đối tượng 6 triệu đồng. Tổng số tiền chị chuyển cho đối tượng là 12 triệu đồng và đã bị chiếm đoạt tất cả.

Theo lực lượng nghiệp vụ của Công an TP. Huế, đây là thời điểm các đối tượng xấu thường “rủ rê” người dân vay tiền qua online nhất. Dịch bệnh COVID – 19 khiến nhiều người gặp khó khăn, nên khi có người cho vay với lãi suất ưu đãi đã sẵn sàng vay mà không đắn đo suy nghĩ.

Sau khi bị hại đồng ý vay, đối tượng hướng dẫn nhiều thao tác đăng ký thông tin vay vốn gồm chứng minh nhân dân, hộ khẩu, số điện thoại, tài khoản ngân hàng... với mục đích làm cho bị hại tin tưởng hồ sơ vay đang được thực hiện.

Tuy nhiên, các đối tượng tìm cách lấy nhiều lý do khác nhau và yêu cầu bị hại nộp thêm tiền với lý do số tài khoản của bị hại có sai sót, thông tin tài khoản không khớp, tiền nộp vào liên quan đến hoạt động đánh bạc, phạm pháp... cần phải nộp thêm để chứng minh. Nhiều bị hại một phần mong muốn được vay và vì tiền đã nộp “đâm lao phải theo lao” nên vay mượn người thân để nộp tiền cho các đối tượng.

Hiện, các vụ việc đã và đang được Công an TP. Huế tiếp tục xác minh, điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm các đối tượng theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, Công an TP. Huế cảnh báo người dân, tuyệt đối không vay tiền online qua các mạng xã hội Zalo, Facebook hoặc từ những người gọi điện thoại hỗ trợ cho vay... vì số đối tượng này hoàn toàn xa lạ.

Khi vay chúng ta nộp các khoản phí cho đối tượng chúng nhanh chóng rút tiền, sau đó cắt đứt liên lạc. Khi cần vay thì trực tiếp đến các ngân hàng uy tín để được tư vấn hồ sơ vay vốn. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo dưới hình thức cho vay vốn với lãi suất thấp, yêu cầu nộp các khoản phí thì nhanh chóng báo cho cơ quan nơi gần nhất để kịp thời giải quyết, xử lý đối tượng.

Bài, ảnh: Phong Quang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TIN MỚI

Return to top