ClockChủ Nhật, 17/02/2019 17:40

Vẻ đẹp của thiên chức trong tranh Nguyễn Thị Lan

TTH - Không tham vọng thể hiện những trăn trở, suy tư về nhân sinh, tác phẩm của Nguyễn Thị Lan (giảng viên tại Khoa Nghệ thuật, Trường cao đẳng Sư phạm Thừa Thiên Huế) luôn mang đến cho người xem cảm giác thư thái, nhẹ nhàng khi thể hiện vẻ đẹp và thiên chức của người phụ nữ.

Trao tặng tác phẩm của họa sĩ Lâm Triết cho Bảo tàng Mỹ thuật HuếTranh lụa &“mưa than” của Nguyễn Thị Huệ

Tác phẩm “Mơ hoa”

Bước chân vào nghệ thuật tạo hình chưa lâu, nhưng họa sĩ Nguyễn Thị Lan tạo ấn tượng với công chúng qua những tác phẩm thể hiện vẻ đẹp và thiên chức của người phụ nữ. Mới đây, bức tranh “Mơ hoa” bằng sơn mài của cô nhận được tặng thưởng tác phẩm xuất sắc của Liên hiệp các Hội VHNT năm 2018. Bức tranh thể hiện vẻ đằm thắm, hạnh phúc của một phụ nữ đang mang thai, đẹp ở kỹ thuật thể hiện từ nghệ thuật cẩn trứng đến cách hòa sắc trầm ấm, lan tỏa cảm xúc đến người xem.

Hình ảnh người phụ nữ với những nét đẹp tiềm ẩn và khả năng biến hóa, ẩn chứa nhiều bí mật thiêng liêng và kỳ diệu: khả năng sinh sản để duy trì nòi giống, bản năng làm mẹ... là nguồn cảm hứng sáng tạo của Nguyễn Thị Lan. Tranh của cô phần lớn thiên về phụ nữ và những biểu tượng tính nữ. Cô theo đuổi chủ đề này khá lâu, từ khi chưa lập gia đình. Như một bản năng, Lan luôn nghĩ về thiên chức của người phụ nữ, ao ước có một gia đình hạnh phúc và thể hiện điều đó trong tác phẩm. Thời gian gần đây, Lan thể hiện hình ảnh người phụ nữ rõ hơn qua giấc mơ được làm mẹ, được sống cuộc sống hạnh phúc, bình dị.

Họa sĩ Nguyễn Thị Lan

Nữ họa sĩ bộc bạch: “Chủ đề tôi quan tâm và ấn tượng mạnh mẽ nhất chính là hình ảnh người phụ nữ với những thiên chức đặc trưng. Tôi yêu thích những đường cong quyến rũ của người phụ nữ, kính trọng và khâm phục những con người đã tạo ra sự sống và làm nên một nửa thế giới. Đó là những con người biết hy sinh, nhẫn nhịn, bao dung mà không kém phần quyết liệt. Hình ảnh đó đeo đẳng trong suốt thời gian tôi chập chững vào nghề cho tới tận bây giờ. Tôi muốn tiếp tục thể hiện mạch cảm xúc đó, bằng chính bản năng đàn bà đang nung nấu trong tôi”.

Với dự định tạo ra một sơ - ri tác phẩm có tính biểu tượng về hình ảnh người phụ nữ, Nguyễn Thị Lan muốn nêu bật vẻ đẹp từ hình ảnh thầm kín nhất đã được hình tượng hóa bằng các biểu tượng. Vẻ đẹp mà theo cô, trong đó bao hàm đau đớn, hạnh phúc, có bao dung, bình yên, có trăn trở với chính mình. Bên cạnh đó là những ước mong được yêu thương và sống hạnh phúc. “Bằng tác phẩm, tôi muốn khẳng định quan điểm của mình về tính nữ, đồng thời kêu gọi sự sẻ chia, đối thoại của công chúng, nhất là nữ giới về chủ đề này, làm nền tảng cho sự phát triển nghệ thuật của tôi sau này”, Lan nhấn mạnh.

Tác phẩm “Mẹ thiên nhiên”

Từ ấn tượng ban đầu về hình ảnh người nữ, kết hợp với hình tượng hoa và trứng, tử cung…, Nguyễn Thị Lan tìm thấy cảm hứng để thể hiện chùm tác phẩm về sự sinh nở, về khát vọng sống, khát vọng được tái sinh. “Mẹ thiên nhiên” đạt giải thưởng công trình văn học nghệ thuật xuất sắc 2015 là một thành công của Lan về chủ đề này. Đây là tác phẩm đồ họa, in độc bản, tập hợp của 49 bức tranh in khổ nhỏ ghép lại tạo thành một bức tranh in khổ lớn. Tác phẩm sử dụng hình ảnh đặc trưng của người phụ nữ, đó là hình ảnh tử cung, lồng ghép với hình ảnh hoa và một số biểu tượng tiêu biểu của cơ thể người nữ, nhằm ca ngợi thiên chức cao quý của phụ nữ với bản năng làm mẹ, đồng thời hướng đến sự hòa hợp giữa con người với thiên nhiên, nhắc nhở về nguồn gốc con người, nơi chôn nhau cắt rốn, nguồn gốc sự sống của muôn loài.

Với “Bí ẩn sự nở”, tác phẩm với hình thức sắp đặt (đạt giải khuyến khích Festival Mỹ thuật trẻ toàn quốc 2011) là một cấu trúc lấy cảm hứng từ một bông hoa đang nở và cơ quan sinh sản nữ. Cấu trúc khung tre phủ vải trắng tạo khối, sử dụng hiệu ứng đèn blacklight tạo sự bí ẩn, lạ hóa cho tác phẩm.

Tốt nghiệp Trường đại học Nghệ thuật – Đại học Huế chuyên ngành Mỹ thuật ứng dụng, Nguyễn Thị Lan đã từng làm công việc thiết kế. Tuy vậy, Lan chỉ mê vẽ tranh. Từ khi học cao học tại Trường đại học Mahasarakham, Thái Lan, cô dành nhiều thời gian để vẽ. Không trăn trở quá nhiều về nhân sinh, Nguyễn Thị Lan gửi gắm vào tác phẩm cuộc sống nhẹ nhàng, đẹp đẽ. Với Lan, hội họa giúp cô cảm thấy nhẹ nhàng, quên hết những bon chen của cuộc sống.

Trên hành trình sáng tạo, Nguyễn Thị Lan vẫn đang tìm tòi, khám phá nhiều chất liệu, thể loại, từ bút sắt, sơn mài, acrylic, khắc gỗ đến nghệ thuật sắp đặt. Với mỗi chất liệu, cô dành thời gian thể nghiệm. Lan tâm sự: “Mỗi chất liệu cho ra một hiệu quả khác nhau với không ít bất ngờ khiến tôi say mê. Trên con đường sáng tạo, tôi vẫn đang tìm kiếm, định hình phong cách, hướng đi phù hợp”.

Bài, ảnh: TRANG HIỀN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cần phát huy vai trò của cơ sở đào tạo nghệ thuật hàng đầu

Sáng 17/4, đoàn khảo sát của Ban Thường vụ Tỉnh ủy do Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ chủ trì có buổi khảo sát việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh ủy (khóa XVI) với Đảng ủy, Ban Giám hiệu và cán bộ chủ chốt Trường đại học Nghệ thuật, Đại học Huế.

Cần phát huy vai trò của cơ sở đào tạo nghệ thuật hàng đầu
Mở ra cơ hội giao lưu nghệ thuật cho người trẻ

Là hoạt động thường niên, triển lãm mỹ thuật trẻ vừa là sân chơi, vừa là cơ hội để các họa sĩ tuổi đời dưới 45 của Thừa Thiên Huế bộc lộ tài năng, chứng tỏ hoạt động nghệ thuật của bản thân với giới chuyên môn và những người yêu “nghệ thuật của cái đẹp” Cố đô.

Mở ra cơ hội giao lưu nghệ thuật cho người trẻ
Vinh danh nghệ sĩ có nhiều cống hiến cho nghệ thuật

Không chỉ vinh dự, những nghệ sĩ được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND), Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) xem đó còn là trọng trách nặng nề trong hành trình bảo tồn, trao truyền những giá trị văn hóa cho hậu thế. Họ như là vốn quý, góp phần quan trọng vào những thành tựu to lớn của đất nước.

Vinh danh nghệ sĩ có nhiều cống hiến cho nghệ thuật
Bay bổng với nghệ thuật calligraphy

Nhẹ nhàng và tỉ mỉ, Trần Thị Thanh Tuyền, cô gái đam mê Calligraphy (thư pháp phương Tây) dành tâm trí hoàn toàn vào từng nét chữ. Dưới cử động thuần thục của những ngón tay, từng chữ cái với những nét mực uốn lượn thanh tao lần lượt xuất hiện trên trang giấy.

Bay bổng với nghệ thuật calligraphy
Return to top