ClockThứ Tư, 19/06/2019 14:36

Về lại mái nhà xưa

TTH - Một điều thú vị là Đài Phát thanh (PT) tỉnh Thừa Thiên Huế ra đời trước khi có quyết định thành lập. Cán bộ, nhân viên Đài PT đã tích cực chuẩn bị để có chương trình kịp thời phát sóng đúng vào ngày 1/7/1989- ngày tái lập tỉnh.

Hiến tặng hiện vật báo chí cho Bảo tàng Báo chí Việt NamBáo chí cần chủ động hơn trong tác nghiệp

Kỹ thuật viên chuẩn bị chương trình phát sóng tại Đài phát thanh truyền hình tỉnh

"Triệu tập viên"

Cách đây tròn 30 năm, ngày 1/7/1989, Đài PT Thừa Thiên Huế, nay là Đài Phát thanh -Truyền hình Thừa Thiên Huế (TRT) phát chương trình chào mừng sự kiện tái lập tỉnh Thừa Thiên Huế. Những tư liệu sau đây đưa chúng ta về những ngày tháng đáng nhớ ấy.

Sau 13 năm sáp nhập, ngày 14/4/1989, Bộ chính trị có Quyết định số 87 QĐ/TW chia tỉnh Bình Trị Thiên thành 3 tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.

Mùa hè 1989 là một mùa hè bận rộn và đầy lưu luyến của những người công tác ở Đài PT Bình Trị Thiên và Công ty Truyền thanh Bình Trị Thiên. Ai đi, ai ở, ai chuyển về đâu, rồi phân chia tài sản, trang thiết bị…cho ba Đài PT (Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình).

Bắt đầu từ tháng 5/1989, Đài PT Bình Trị Thiên có thêm nhiệm vụ đặc biệt. Cán bộ nhân viên của Đài vừa thực hiện chương trình, kế hoạch của Đài Bình Trị Thiên vừa tích cực chuẩn bị về nội dung, kỹ thuật cho Đài PT của ba tỉnh hoạt động ngay sau khi có quyết định tách tỉnh. Ngoài công việc chung của Đài Bình Trị Thiên, cán bộ chủ chốt của Đài ba tỉnh hội ý, bàn bạc riêng dưới sự điều hành của người đứng đầu, gọi là “triệu tập viên”.

Triệu tập viên của Đài PT Quảng Bình là nhà báo Phạm Xuân Lục, triệu tập viên Đài PT Quảng Trị là nhà báo Nguyễn Đình Anh, triệu tập viên Đài PT Thừa Thiên Huế là nhà báo Nguyễn Phước Túc. Biết bao nhiêu cuộc họp, những việc cần làm gấp, những chuyến xe ra vào như con thoi từ Huế đến Đồng Hới, Đông Hà chuyên chở máy móc thiết bị, bàn, tủ…cho cơ sở phát sóng được xây dựng ở Đông Hà và Đồng Hới; việc tuyển phát thanh viên cho Đài PT Quảng Trị, Quảng Bình…

Ngày 4/6/1989, đoàn cán bộ của Đài PT Bình Trị Thiên do Giám đốc Nguyễn Đình Anh dẫn đầu ra Hà Nội gặp nhạc sĩ Trần Hoàn, Bộ trưởng Bộ Thông tin nhờ giúp đỡ dựng nhạc hiệu cho ba Đài. Đoàn cử ông Nguyễn Trương Đàn ở lại tiếp tục làm việc với các phòng ban liên quan của Đài Tiếng nói Việt Nam. Khoảng mười ngày sau, công việc hoàn thành. Nhạc hiệu của Đài PT Quảng Bình là bài hát “Quảng Bình quê ta ơi” của nhạc sĩ Hoàng Vân; của Đài PT Quảng Trị là bài hát “Quân reo quê mẹ Quảng Trị anh hùng”, của Đài PT Thừa Thiên Huế là bài hát “Một mùa xuân nho nhỏ”, đều của nhạc sĩ Trần Hoàn.

Một ngày dài hơn mọi ngày

Đài PT Thừa Thiên Huế lúc đầu có ba bài hát được đưa ra để lựa chọn làm nhạc hiệu. Đó là các bài hát: “Hò Huế chiến thắng” của Hoàng Vân; “Dòng sông ai đã đặt tên” của Trần Hữu Pháp và “Một mùa xuân nho nhỏ” của Trần Hoàn. Cuối cùng bài “Một mùa xuân nho nhỏ” đã được chọn.

Đề cương nội dung chương trình phát thanh đầu tiên ngày 1/7/1989 được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế duyệt. Chương trình gồm có bài chào mừng sự kiện tỉnh Thừa Thiên Huế được tái lập; ghi nhanh khánh thành cầu Thuận An bắc qua phá Tam Giang (của phóng viên Nhật Anh); bút ký “Hoa trái quanh tôi” của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường. Hai phát thanh viên đọc chương trình là Hoàng Hiền và Nguyễn Hùng; kỹ thuật viên là anh Cao Thắng.

Ngày 30/6/1989 là ngày họp cuối cùng của Quốc hội có nội dung quyết định chia tách Bình Trị Thiên thành ba tỉnh. Tuy nhiên cả ngày 30/6 vẫn chưa có tin gì về vấn đề này nên ngày 30/6/1989 là một ngày dài hơn mọi ngày. Tất cả đều hồi hộp, chờ đợi tin tức về sự kiện tái lập tỉnh. Cho đến chương trình thời sự lúc 21 giờ 30 ngày 30/6, Đài Tiếng nói Việt Nam mới đưa tin công bố quyết định của Quốc hội về việc chia lại địa giới hành chính ba tỉnh.

Đêm trước của ngày đầu tiên tái lập tỉnh thật hồi hộp, xúc động và khó tả. Lúc này cán bộ và nhân viên Đài PT của ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đã có mặt ở cơ sở của mình.

Đối với những người làm phát thanh Thừa Thiên Huế hầu như ai cũng có mặt tại trụ sở 19 Lê Lợi (nay đã thành vườn hoa). Một câu hỏi được đặt ra là: có hiệu lực chưa? Chương trình đầu tiên đã sẵn sàng nhưng có được phát chào mừng sự kiện tái lập vào sáng 1/7/1989 đúng vào ngày quyết định có hiệu lực không? Và cuối cùng lệnh được phát ra: rạng sáng ngày 1/7/1989, đúng vào ngày đầu tiên tái lập tỉnh, Đài PT của mỗi tỉnh, tiếng nói của Đảng bộ chính quyền và Nhân dân tỉnh nhà được phát sóng chính thức, truyền đi chương trình đầu tiên chào mừng sự kiện trọng đại tái lập tỉnh.

Đúng 5 giờ ngày 1/7/1989, trên tần số 720 mê-ga-hec, nhạc hiệu của Đài PT tỉnh Thừa Thiên Huế vang lên với bản nhạc “Một mùa xuân nho nhỏ” và lời xướng “Đây là Đài phát thanh Huế”. Chương trình đầu tiên của Đài chào mừng sự kiện tái lập tỉnh Thừa Thiên Huế được phát đi trong niềm vui lớn và xúc động vỡ òa. 

Ngày 12/7/1989, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế có Quyết định số 36 QĐ/UB về việc thành lập các ban ngành cấp tỉnh. Đối với Đài PT, điều I của Quyết định nêu rõ: “Nay thành lập Đài PT tỉnh thuộc UBND tỉnh Thừa Thiên Huế kể từ ngày ký quyết định”.

Cũng trong ngày 12/7/1989, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế có quyết định bổ nhiệm đồng chí Nguyễn Phước Túc làm Giám đốc Đài PT. Ngày 5/9/1989, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế có Quyết định số 217/QĐ-UBVX về việc đổi tên Đài PT Huế thành Đài PT Thừa Thiên Huế.

Một điều thú vị là  Đài PT tỉnh Thừa Thiên Huế ra đời trước khi có quyết định thành lập. Đài PT Thừa Thiên Huế cũng là đơn vị cấp tỉnh đi vào hoạt động sớm nhất trong các ban ngành cấp tỉnh.

Ba mươi năm sau ngày tái lập tỉnh, Đài PT Thừa Thiên Huế nay là Đài Phát thanh-Truyền hình Thừa Thiên Huế (đổi tên từ ngày 29/6/1998) đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Và ngày 1/7/1989 là một trong những mốc thời gian đầy ý nghĩa trong quá trình xây dựng và trưởng thành của Đài Phát thanh-Truyền hình Thừa Thiên Huế (TRT).

Minh Khiêm

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đoàn đại biểu tỉnh tham dự lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập tỉnh Sê Kông, CHDCND Lào

Từ ngày 4 - 6/4, đoàn công tác tỉnh Thừa Thiên Huế do đồng chí Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy làm Trưởng đoàn đã đến thăm, chúc Tết cổ truyền Bunpimay Lào và tham dự Lễ kỷ niệm 40 năm thành lập tỉnh Sê Kông . Cùng tham dự có đại diện lãnh đạo Ban Nội chính, Văn phòng Tỉnh ủy, Sở Ngoại vụ.

Đoàn đại biểu tỉnh tham dự lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập tỉnh Sê Kông, CHDCND Lào
Bổ nhiệm 2 Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh

Ngày 2/4, Viện Kiểm sát Nhân dân (KSND) tối cao phối hợp với Viện KSND tỉnh tổ chức công bố các quyết định bổ nhiệm chức vụ Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh. Các quyết định này có hiệu lực 5 năm, kể từ ngày 1/4/2024.

Bổ nhiệm 2 Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh
THÔNG TIN DOANH NGHIỆP:
Khám phá chương trình tour Măng Đen thú vị tại Latour Măng Đen

Măng Đen (Kon Tum) gần đây nổi tiếng là điểm đến mới đầy hứa hẹn cho những ai yêu thích du lịch sinh thái và khám phá. Nơi đây được mệnh danh là "Đà Lạt thứ hai" bởi khí hậu mát mẻ quanh năm, khung cảnh thiên nhiên hoang sơ. Latour Măng Đen sẽ mang đến trải nghiệm khó quên khi tham quan những địa điểm nổi tiếng, thưởng thức món ăn đặc sản núi rừng và tận hưởng không khí trong lành của vùng đất Tây Nguyên.

Khám phá chương trình tour Măng Đen thú vị tại Latour Măng Đen
Thành lập Nhóm nghiên cứu Trịnh Công Sơn

Đại diện gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cho biết, vào dịp kỷ niệm ngày mất cố nhạc sĩ 1/4 năm nay sẽ ra mắt “Nhóm Nghiên cứu và biểu diễn âm nhạc Trịnh Công Sơn” (gọi tắt là Nhóm nghiên cứu Trịnh Công Sơn) tại tư gia của nhạc sĩ (47C Phạm Ngọc Thạch, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh).

Thành lập Nhóm nghiên cứu Trịnh Công Sơn

TIN MỚI

Return to top