ClockThứ Hai, 20/06/2016 09:24

Về một bức ảnh lịch sử

TTH - Nhân kỷ niệm ngày Nhà báo Việt Nam, kể lại câu chuyện xưa về một bức ảnh để rõ thêm một chi tiết lịch sử của tuổi trẻ Việt Nam...

Một bức ảnh quen thuộc có tính “lịch sử”, có tuổi thọ gần nửa thế kỷ, đã được đăng trên nhiều báo chí trong mấy chục năm qua, với câu chú thích nội dung: “Anh hùng Nguyễn Thị Kim Huế tặng hoa Bác Hồ” tại Đại hội Thanh niên Xung phong (TNXP) Chống Mỹ cứu nước họp tại Hà Nội, đầu năm 1967. Vậy thì còn chi để nói? Có đấy! Vì bức ảnh đã bị chú thích sai - sai hẳn nội dung - mà nhiều người không biết.

Bức ảnh chụp khoảnh khắc Bác Hồ tặng hoa anh hùng Nguyễn Thị Kim Huế

Tôi nhắc chuyện xưa, vì gần đây, không ít tờ báo (báo in và báo mạng) đã phải xin lỗi hay bị phạt vì bài một nơi, ảnh một nơi. Năm ngoái, cũng vào dịp tháng 6 này cũng có chuyện tranh luận về bức ảnh “Bộ đội Trường Sơn đu dây vượt thác” của Đoàn Công Tính. Câu chuyện về bức ảnh trên đây lại sai ở câu chú thích nội dung vì báo chí cứ theo nhau in lại, không tìm nguồn gốc và cả vì một nếp nghĩ đã quá quen thuộc là hễ bà con, chiến sĩ các địa phương có dịp gặp Bác Hồ, không tặng hoa thì cũng tặng những sản phẩm của riêng mình, của địa phương mình. Không ai ngờ, trường hợp này thì ngược lại, chính là Bác Hồ đã tặng hoa cho anh hùng Nguyễn Thị Kim Huế! Như thế, bức ảnh lại có ý nghĩa đẹp hơn: Lãnh tụ dành những gì tốt đẹp nhất cho các chiến sĩ ở mặt trận. Bó hoa ấy đâu chỉ dành cho Nguyễn Thị Kim Huế mà cho hàng ngàn TNXP, công nhân bộ đội trên đoạn đường ngày đó mang tên “đường Thống Nhất”, còn đài BBC thì gọi là “đầu mối đường Hồ Chí Minh”.

Vì sao tôi lại dám khẳng định như thế? Xin thưa, hồi đó, tôi là đồng đội của Nguyễn Thị Kim Huế và đại đội TNXP 759, từng bám trụ trên đường 12A qua đèo Mụ Giạ nổi tiếng; hơn thế, tôi chính là người “giúp” Huế và đại đội 759 viết thành tích để được tuyên dương anh hùng. Thật may, tôi còn giữ được tờ báo “Tiền Phong” tường thuật Đại hội TNXP miền Bắc đầu năm 1967, trong đó có câu: “Khi bản báo cáo đọc đến thành tích của nữ anh hùng Nguyễn Thị Kim Huế, Bác bảo Huế đứng dậy để mọi người trông rõ. Bác trao lại cho Huế bó hoa tươi thắm mà Đại hội vừa tặng Bác…”. Trong số báo này còn dành cả trang lớn đăng bài của tôi về C.759 anh hùng.

Nhân kỷ niệm ngày Nhà báo Việt Nam, kể lại câu chuyện xưa về một bức ảnh để rõ thêm một chi tiết lịch sử của tuổi trẻ Việt Nam và có lẽ cũng là một bài học kinh nghiệm cho người làm báo: khi sử dụng lại những tư liệu cũ, cần phải cố tìm cho được “tài liệu gốc”; còn với các sự việc trong đời sống hôm nay thì đừng quên lắng nghe những ý kiến “ngược chiều” mà ngôn ngữ hiện đại gọi là “phản biện”.

Nguyễn Khắc Phê

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Dạy học nội khóa tại di tích lịch sử

Thực hiện Nghị quyết số 29 – NQ/TW “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”, phát triển phẩm chất, năng lực của người học, Trường THPT Hai Bà Trưng đã xây dựng mô hình “Trường học gắn với cuộc sống”, với việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa, tham quan trải nghiệm và dạy học nội khóa tại thực địa.

Dạy học nội khóa tại di tích lịch sử
Làm rõ quá trình giao lưu tiếp xúc văn hóa Pháp - Việt trong phong trào Duy Tân

Nhiều vấn đề liên quan đến các lĩnh vực như kinh tế, lịch sử, văn hóa, dân tộc học, khảo cổ học, ngôn ngữ học... trong Phong trào Duy Tân đã được các chuyên gia bàn luận, trao đổi tại hội thảo quốc tế “Quá trình Duy Tân tại Huế và Trung bộ trong thời kỳ Pháp thuộc” diễn ra tại TP. Huế ngày 19/12.

Làm rõ quá trình giao lưu tiếp xúc văn hóa Pháp - Việt trong phong trào Duy Tân
Dạy và học môn lịch sử chưa được như kỳ vọng

Đó là nhận định được các đại biểu đưa ra tại hội thảo khoa học “Đổi mới phương pháp dạy học bộ môn lịch sử trong giai đoạn hiện nay” được Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Huế) tổ chức sáng 13/12.

Dạy và học môn lịch sử chưa được như kỳ vọng
Return to top