ClockChủ Nhật, 17/02/2019 07:43

Về nhà

TTH - Thú thật là lúc ấy, tôi đã một lần nữa nhìn lên gương chiếu hậu để quan sát người đồng hành mới. Người đàn ông trông không còn trẻ, bình thản dựa lưng vào ghế, mắt nhìn thẳng, giọng vẫn điềm đạm kể về những điều đã trải qua.

“May mà gặp anh chị, không thì em không biết chừng mô mới bắt được xe để về Huế. Em vẫy mấy chuyến rồi mà người ta không dừng...” Doan nói khi đã yên vị ở trên ghế sau khi xe chạy được một quãng. Là Doan nói, chứ lúc ấy, ở tôi là một cảm giác không hề thoải mái. Thậm chí còn hơi chút cảnh giác khi tôi bẻ lại gương chiếu hậu phía ghế phụ để có thể quan sát người vừa đi cùng dễ hơn. Đời biết mô mà lần, lại thêm không ít chuyện vốn chả hay ho đầy rẫy trên mạng xung quanh việc cầm hộ, đi nhờ hay mất mạng vì khách vẫy taxi dọc đường.

Chuyện trò một lúc thì chúng tôi biết, Doan vừa trở ra từ rừng và đang trên đường về nhà. Suốt mấy ngày tết, Doan cùng 4 người khác ở lại bãi khai thác của công ty, tuốt phía bên kia địa phận Lào. Ngoài gương mặt sậm lại vì dãi dầu, trông Doan cũng chả mấy phong trần với sơ mi và quần jean gọn ghẽ. Câu chuyện cũng nhẩn nha về mức thu nhập hàng tháng, đời sống trong rừng sâu, những sinh hoạt ngày thường và mối quan hệ giữa các công nhân khai thác đến từ nhiều nơi. Theo như cách mà Doan kể thì không có gì là dễ. Chẳng hạn như việc phải đấu tranh với chính mình trong mấy tháng đầu xa vợ con đến một nơi thâm sơn cùng cốc với một công việc khác hẳn, những đồng nghiệp khác hẳn. Rồi những xung đột buộc phải bỏ qua về khẩu vị; lối sống và những tháng ngày miệt mài trên công trường...

Trả lời điều tôi thắc mắc, rằng với một tính cách và vóc dáng xem ra rất Huế như thế kia, phải làm gì và làm như thế nào để có thể tồn tại và dung hòa được với mọi thứ, vốn thuộc về phạm trù “dữ dằn”, Doan bảo “Em nghiệm ra rồi chị. Ở đâu cũng vậy, nếu mình biết cách chia sẻ, thấu hiểu và công bằng thì luôn nhận được sự tôn trọng từ người khác. Kể cả khi đó là những người không dễ chơi nhất. Đó cũng là một cách để tồn tại trên mọi mặt bằng của xã hội”. Câu trả lời của Doan, nghe nhẹ thênh. Cái nhẹ thênh không phải của sự vỡ lẽ mà là của người đã qua nhiều cung bậc khác nhau của đời sống, hiểu được mình và hiểu được người.

Thú thật là lúc ấy, tôi đã một lần nữa nhìn lên gương chiếu hậu để quan sát người đồng hành mới. Người đàn ông trông không còn trẻ, bình thản dựa lưng vào ghế, mắt nhìn thẳng, giọng vẫn điềm đạm kể về những điều đã trải qua. Không đừng được sự tò mò, tôi hỏi Doan đã làm gì trong những ngày tết nơi rừng sâu và trả lời dường như là một cái thở hắt ra “Ngày lúc đó dài lắm chị. May mà còn có sóng điện thoại để trò chuyện với gia đình. Nhưng cũng không thể ôm điện thoại miết nên em đi vào rừng. Ngó rứa thôi chớ vào rừng vui lắm đó chị! Em có thể bắt cá hay đi dọc con suối tìm lan rừng, sâm rừng và các loại lá thuốc... Rừng cho ta nhiều thứ lắm. Nhiều nhất là sự bình an. Em vì rứa mà thấy ngày không còn dài. Trong túi du lịch của em có sâm đất khô và nhiều thứ lá thuốc trị bệnh cho ba mạ ở nhà. Em cũng gầy được giàn lan rừng ở nhà cho vợ con chăm sóc. Chuyến này về, em cũng mang được ít tiền cho mạ con nhà hắn. Cũng vì điều đó mà em cầm lòng ở lại mấy ngày để có thể đem về thêm chút ít từ tiền trực tết được tăng gấp đôi, gấp ba. Thôi mình ráng để đỡ thêm vợ con chứ ở nhà có bao thứ cần lo...”.

Suốt dọc đường, ngoài những cuộc trò chuyện, trao đổi về công việc, tôi không hề nghe thấy Doan gọi cho vợ con. Hỏi Doan điều này, tôi chỉ nghe một tiếng cười nhẹ từ sau lưng ghế “Em chỉ nói với nhà là sắp về thôi, kẻo mọi người lại trông, nhất là hai đứa nhỏ...”.

Anh chàng người Huế này chừng như đã dồn nén mọi cảm xúc suốt dọc đường về. Và tôi nữa, thấy đường về đã mất đi mọi dị nghị và trở nên dễ thương quá chừng.

NGÂN HẠNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Về nhà

Nắng đã lên cao. Nhìn qua camera, tôi lại thấy tấm thân gầy gò quen thuộc của ngoại lọt thỏm trên chiếc ghế gỗ xếp sát ban công nhìn ra sân xóm. Qua mấy tiềng rồ rồ của hệ thống thu âm, tôi vẫn nghe ngoại hỏi nhiều lần trong vô thức ở cái tuổi 93 quên nhiều hơn nhớ, rằng mấy đứa đã về rồi hay chưa…

Về nhà
Về nhà

“Mình đã được về nhà”. Bạn reo lên, với tất cả sự mừng rỡ khi vừa đặt chân về nhà, sau hành trình trở về từ tâm dịch.

Về nhà
Để đường đến trường - về nhà an toàn

Làm sao để học sinh đến trường, về nhà an toàn luôn là mối quan tâm đặc biệt của TX. Hương Thủy và ngành Giáo dục. Điều này càng thể hiện rõ hơn khi thời gian qua, nhiều hoạt động liên quan về an toàn giao thông (ATGT) đã và đang được các trường học trên địa bàn thị xã triển khai đồng bộ, hiệu quả.

Để đường đến trường - về nhà an toàn
Về nhà

Trên facebook, một người bạn của tôi đã nói về sự di chuyển để tất cả cùng được về nhà trong làn sóng COVID -19 thứ hai.

Về nhà
Bệnh nhân số 523 được xuất viện

Ngày 18/8, Bệnh viện Trung ương Huế công bố có 6 trường hợp bệnh nhân COVID-19 đã khỏi bệnh sau nhiều lần có kết quả xét nghiệm âm tính. Trong số đó, chỉ có bệnh nhân 523 đủ điều kiện xuất viện về nhà tiếp tục theo dõi.

Bệnh nhân số 523 được xuất viện

TIN MỚI

Return to top