ClockChủ Nhật, 06/09/2020 06:43

Về nhà

TTH - Trên facebook, một người bạn của tôi đã nói về sự di chuyển để tất cả cùng được về nhà trong làn sóng COVID -19 thứ hai.

Tôi còn nhớ cảm giác bồi hồi đó, trên một chuyến bay để trở về nhà vào thời khắc chuẩn bị đón năm mới. Dẫu chưa phải là Tết Nguyên đán nhưng vẫn thấy lòng mình cồn cào. Quê nhà lúc ấy chỉ cách một giờ bay, không hiểu sao làm tôi nôn nóng. Có lẽ vì bản hòa tấu Going home mà Kenny G hôm ấy trở nên da diết hơn mọi ngày, khi dòng người đang đổ ra phía hồ Gươm để chia tay năm cũ, chào đón những khoảnh khắc đầu tiên của năm mới mỗi lúc một đông: “I will cross the sea/I will cross the sea/I am going home forever/I’m going home - Tôi sẽ vượt biển cả/Tôi sẽ vượt biển cả/Tôi sẽ về nhà, mãi mãi/Tôi sẽ về nhà…”.

Là tôi đã ngồi lại một lúc lâu khi đọc câu chuyện về chàng trai tên Tùng – 1 trong 183 công nhân được máy bay của Vietnamairlines đón về từ Guinea Xích Đạo; đồng thời cũng là 1 trong số 21 ca dương tính với SARS -CoV-2 sau sàng lọc kỹ lưỡng của cơ quan y tế. Trong ráng chiều của ngày, tôi cố mường tượng cảm giác ngột ngạt, lo âu và cơn sốt âm ỉ, cổ họng đau rát, ngực tức và mất luôn vị giác của chàng trai trong bộ áo quần bảo hộ màu xanh với hơn 12 giờ bay trên chiếc ghế bọc ni lông. Thấy tim mình nhói lên khi Tùng bảo, em đã bừng tỉnh lúc bác sĩ thông báo, còn 3 tiếng nữa là về tới đất mẹ và động viên mọi người cố gắng. Là cảm giác của sung sướng, hạnh phúc khi mọi người đã cùng nhau hét lên: “Về nhà rồi. Sống rồi anh em ơi!”. Là tiếng hoan hô vang động khi máy bay đáp xuống Nội Bài lúc 15h20 chiều 29/7.

Tùng cũng chỉ là một trong số hàng trăm, hàng trăm người đã được đón về nước khi đại dịch COVID-19 càn quét và để lại nhiều dư chấn cho người dân khắp nơi. Giữa lúc nhịp đập của cả thế giới đều chững lại, giữa khi không ai có thể nói trước điều gì về sự sống và cái chết, giữa khi mà hầu như mỗi người phải tự lo cho chính bản thân mình trong tình thế khá vô vọng; giữa sự khủng hoảng của bệnh viện, nguồn thuốc, sự chăm sóc… những chuyến bay mang thương hiệu Việt đã bay qua biển cả, đại dương để mang những người con đất Việt về nhà. Có lẽ không chỉ Tùng, mà rất rất nhiều người khác đã cùng thổn thức khi được ngồi trên những chuyến bay giải cứu. Y như tâm trạng thổn thức trong giai điệu saxophone trứ danh của Kenny G “Tôi sẽ vượt biển cả/tôi sẽ vượt biển cả/tôi sẽ về nhà, mãi mãi/tôi sẽ về nhà…”

Người ta vẫn thường nói về những điều đã trở nên rất khác, giữa con người với con người. Người ta cũng đã vơi vớt rất nhiều lòng tin ở nhau vì những va đập, tráo trở, ganh tỵ, hiềm khích…và thường khi hơn là sự không thích, không bằng lòng chỉ vì không muốn ai có điều gì đó hơn mình. Nhưng khó khăn, hoạn nạn và dịch bệnh chừng như đã làm mọi người biết vì nhau hơn. Có thể thấy rõ điều này từ câu chuyện của Bùi Minh Tùng – chàng trai mà tôi nhắc ở trên. Có thể thấy từ những nghĩa cử đơn giản như cho nhau một chiếc khẩu trang đến cùng góp gạo, thực phẩm và công sức cho những bếp ăn ở các khu cách ly, những thùng gạo ATM, những bịch nước rửa tay khô, những đêm không ngủ của những chàng trai, cô gái để sát cánh cùng những người làm nhiệm vụ ở cửa ngõ vào các thành phố…

Trên facebook, một người bạn của tôi đã nói về sự di chuyển để tất cả cùng được về nhà trong làn sóng COVID -19 thứ hai. Là sự nhân văn đã lại tiếp nối khi Chính phủ đưa công dân mắc kẹt ở các nước hồi hương đến việc tỉnh, thành phố này đưa bà con tỉnh mình rời tỉnh, thành phố bạn; huyện này sang huyện kia rước người mình về…

Tôi thấy mình hạnh phúc, khi được sống trong lòng quê hương hạnh phúc. Vì Thừa Thiên Huế của tôi cũng là nơi đầu tiên đón bà con của mình về nhà. Những giọt nước mắt vì thế đã không còn rớt trên đỉnh Hải Vân Quan…

NGÂN HẠNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Về nhà

Nắng đã lên cao. Nhìn qua camera, tôi lại thấy tấm thân gầy gò quen thuộc của ngoại lọt thỏm trên chiếc ghế gỗ xếp sát ban công nhìn ra sân xóm. Qua mấy tiềng rồ rồ của hệ thống thu âm, tôi vẫn nghe ngoại hỏi nhiều lần trong vô thức ở cái tuổi 93 quên nhiều hơn nhớ, rằng mấy đứa đã về rồi hay chưa…

Về nhà
Về nhà

“Mình đã được về nhà”. Bạn reo lên, với tất cả sự mừng rỡ khi vừa đặt chân về nhà, sau hành trình trở về từ tâm dịch.

Về nhà
Để đường đến trường - về nhà an toàn

Làm sao để học sinh đến trường, về nhà an toàn luôn là mối quan tâm đặc biệt của TX. Hương Thủy và ngành Giáo dục. Điều này càng thể hiện rõ hơn khi thời gian qua, nhiều hoạt động liên quan về an toàn giao thông (ATGT) đã và đang được các trường học trên địa bàn thị xã triển khai đồng bộ, hiệu quả.

Để đường đến trường - về nhà an toàn
Bệnh nhân số 523 được xuất viện

Ngày 18/8, Bệnh viện Trung ương Huế công bố có 6 trường hợp bệnh nhân COVID-19 đã khỏi bệnh sau nhiều lần có kết quả xét nghiệm âm tính. Trong số đó, chỉ có bệnh nhân 523 đủ điều kiện xuất viện về nhà tiếp tục theo dõi.

Bệnh nhân số 523 được xuất viện
Những ngày giãn cách

Lâu lắm, mới nằm yên trong căn nhà gỗ. Tối đó, mưa đến theo dư chấn của áp thấp nhiệt đới. Xa lắm, nên tiếng mưa lắng sâu, mới nghe rơi nhè nhẹ trên mái ngói. Có lẽ vì con đường nhỏ ngay trước mắt cũng ít người đi hơn thường ngày.

Những ngày giãn cách

TIN MỚI

Return to top