ClockThứ Năm, 16/02/2012 14:10

Về những chuyến rong rêu

TTH - Lẽ ra phải ngao du sơn thuỷ. Đó mới là việc đáng làm.Trong mỗi đời người, ai không từng có những chuyến đi. Gần. Xa. Ngắn. Dài. Có những chuyến đi gần trong gang tấc. Có những chuyến đi thăm thẳm vô định. Có chuyến đi tình cờ. Có chuyến đi định mệnh. Lại có những lần định mệnh lại đẩy đưa một chuyến tình cờ. Và mình tin, hình như trong cái tình cờ nào cũng mang một chút bềnh bồng của định mệnh. Như có những lần cái tên định mệnh nằm trong những chuyến rong chơi…

Ở Huế. Học Huế. Sống Huế… ai không từng rong chơi. Dường như lỡ làm người lớn lên ở thành phố này thì cũng phải lỡ làm người rong chơi cho phải phép! Bởi Huế có quá nhiều nơi để chơi! Chơi một cách điệu đà đúng đạo. Chơi để khi gặp người lớn, nghe hỏi mi đã đi chơi đến chỗ nớ chưa phải biết mà thưa thốt cho đúng lời, kẻo không e chừng bị la đồ lớn chừng nớ rồi mà không biết chi hết! (Ấy thế mà mình có người bạn học ở đây kỳ đại học, ra trường cả chục năm, năm ngoái mới nghe khoe Nguyên tiêu vừa rồi được chồng dẫn lên núi Bân chơi rằm! Dào ôi, chơi Nguyên Tiêu từ thuở Ngự Bình còn xanh thắm, đường lên dốc bập bùng đèn hột vịt thắp nến hai bên còn chưa nói chi! Chơi ở núi Bân mà khoe chi cho mệt!)

Một năm mới bắt đầu bằng cái chơi đầu tiên là trèo lên Ngự Bình vào tết Nguyên tiêu. Núi Ngự Bình trước tròn sau méo/ Sông An Cựu nắng đục mưa trong là đây. Trăng thì đẹp, rằm thì vui. Hí ha hí hửng dắt díu nhau lên núi. Cơ man nào là đèn nhỏ nhỏ của những trẹt hàng bày bán đó tự bao giờ, như thể đã mọc lên cùng thông. Kêu mấy con mực thơm nhức mũi, chén tương ớt cay xé lòng, ngồi dựa vai nhau ngó xuống thành phố lung linh huyền ảo. Thơ đâu chưa thấy mà thấy lòng ấm tựa bài thơ. Nên, dù rất sợ ma, dù con đường vào chân núi thăm thẳm đen thui, dù thỉnh thoảng mấy người bạn nghịch ngợm hù một cái cũng không cản nỗi cái hăm hở trèo núi ăn mực và ngó xuống thiên hạ chộn rộn chung quanh!
 
Đi tới đi lui trong thành phố chặp ngó bưa. Ngủ đêm trong Hồ Tịnh Tâm đã từng. Nói là ngủ đêm nhưng thực ra khoảng hơn chục đứa ngổn ngang trong đó, kẻ ngồi một góc, người nằm một khoảng, tên thì nghêu ngao cây đàn cũ, đứa cúi đầu im lặng như sương, ai buồn quá thì ôm cùng chai rượu đế, thỉnh thoảng buồn tình uống vài giọt đã mềm môi. Ấy thế mà qua một đêm ở Hồ Tịnh Tâm, đợi sáng ra lướt thướt kéo nhau ra quán cà phê kêu vài ly uống rửa mắt! Về nhà nghe Mạ kể, xóm dưới mình có chú nớ hồi tê ngồi học trong Hồ Tịnh, bị ma bắt chừ điên luôn đó tề! Hú hồn, lom lom dòm lại lũ bạn coi có ai bị chi không? Tuyệt đối không! Ai cũng học hành đàng hoàng ra trường việc làm tử tế. Mà sao mắt ai cũng như bị hút mất hồn, nhất là khi nghe rủ tới chữ rong rêu!?
 
Rong rêu đến độ thỉnh thoảng nổi hứng không biết làm chi, chiều lủi thủi một hai đứa vô quán Chiều. Ngồi chặp chi thấy đông dần lên đông mãi, đông đến độ khi kéo nhau tới quán rượu góc đường Lê Huân thì không còn đếm nổi người. Rồi đếm chi được khi khuya sâu thẳm, cả bọn lũ lượt bước qua cầu, lên thấu trà ga đã kèm nhem con mắt! Chiêu một ngụm trà để thấy đêm Huế liêu trai đến không ngờ.
 
Cũng như cái lần dắt díu nhau rong rêu lên tận Bạch Mã ấy, tí nữa thì cả lũ đã cùng nhau về ở chung dưới mấy tầng địa ngục chớ còn mô mà ngồi đây thở than than thở. Cũng tại cái tội ham vui, ham phiêu lưu mạo hiểm. Quả thật, thời đó đói và rét không có nghĩa lý gì với một gã trẻ tuổi say mê lý tưởng, huống chi cái chết vớ vẩn kia. Ấy là buổi chiều, sau khi kéo nhau đi khám phá thác Đỗ Quyên, ngọn thác kỳ diệu đã trở thành tên riêng của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, cả bọn bị một cơn giông bất ngờ đổ xuống, cắt cả đường về là một con suối nhỏ hiền hoà khi đi qua, giờ trở nên hung dữ gầm rú sau lưng. Không đủ kiên nhẫn đợi đội cứu hộ đến khi chiều đang xuống dần. Bèn nảy ra sáng kiến bện dây rừng, hai người sẽ bơi qua suối, giăng dây. Sau đó từng người một đứng ở giữa mỗi điểm để làm cọc tiêu, một người làm nhiệm vụ đỡ mình và Sầu Thái Thị xuống suối, sau đó sẽ dìu đến những điểm mà có người bạn đã đứng đợi. Nước chảy xiết vô cùng. Cách đó khoảng chục mét là nơi đổ xuống của con thác Đỗ Quyên dịu dàng trong nắng mai và hung dữ khi giông đến! Thế mà vẫn thực hiện, vẫn hồi hộp một cách sung sướng thực thi cái kế hoạch ghê gớm mà cả bọn đưa ra. Cả bọn sang đến bờ bên kia, vẫn thấy bình thường như thể ngày nào ta đây cũng thực thi dăm ba vụ phi thường. Bỗng nghe sau lưng tiếng hét thất thanh! Có một nhóm bạn đi sau mình đã bắt chước cách mà Tứ Tuyệt này vừa qua, không ngờ có anh bạn bị tuột tay khỏi sợi dây giăng ngang suối, bị dòng nước cuốn phăng kinh hoàng. Mọi người hoảng hốt nín thở. Chao đảo, bập bềnh. May sao một bụi cây dại vướng giữa dòng suối. Anh bạn tấp vào bụi cây bé bỏng đó, ra sức níu giữ. Trên bờ mọi người choàng tỉnh, hối hả kiếm mấy cành cây to chìa ra. Vừa nắm được cành cây để vào bờ. Rầm rầm! Nghe như voi chuyển. Từng đàn từng đàn cây mục rùng rùng đổ về theo nước suối ngày một dâng cao. Hú hồn! Chỉ chậm tí ti nữa là đã bị cuốn phăng như cây cối!
 
Ướt lướt thướt! Đói meo! Và sợ! Lúc này mới biết sợ dù đã qua được bến bờ! Dọc đường về nhà nghỉ, ai nấy đều im lặng nhìn nhau không dám hé một lời. Cứ như thể lúc này chỉ một lời nói thôi, con suối hung hãn của dòng thác kia sẽ chặn ngang trước mặt ngay tắp lự! Chỉ đến khi về lại nhà nghỉ, nhóm lên bếp lửa Thiên Trù, xé cái đùi gà hồi sáng mua ở cầu Hai, uống lon bia mướt rượt mát lạnh hồi trưa thả vào bể nước của nhà nghỉ, thấy ba hồn chín vía vẫn đứng quanh mình, vẫn vui chơi nhảy múa quanh đây. Và sớm mai, vẫn hí hửng leo lên đến Vọng Hải Đài thật sớm, đón tia nắng mặt trời đầu tiên nơi sơn cùng thủy tận.
 
Đó, cái thời mà chưa thành cổ tích, cái thời mới đó đâu xa. Đã từng thành một thời rong rêu để một mai khi thành cố nhân gặp lại, ai nấy trong mình đều đeo đẳng một nỗi nhớ Huế khôn nguôi.

Đông Hà

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sách Huế trong Hội Sách Quốc gia

Nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin – Truyền thông, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức chuỗi sự kiện chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.

Sách Huế trong Hội Sách Quốc gia
Tổ chức Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu lần thứ 10

Tiếp nối thành công 9 năm, Ban dự án Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu tiếp tục phối hợp với các tổ chức, cá nhân, Hội đoàn, cộng đồng kiều bào, các nhà trí thức, khoa học và bạn bè quốc tế tổ chức trực tiếp và trực tuyến Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu - Lễ Giỗ Tổ và vinh danh con cháu Vua Hùng toàn cầu 2024 với chủ đề “Hoà bình - Di nguyện của tổ tiên”.

Tổ chức Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu lần thứ 10
Return to top