ClockThứ Năm, 08/07/2010 10:42

Về Phước Tích xem làm gốm

TTH - Tôi cùng một đồng nghiệp từ TP Hồ Chí Minh ra, giữa trưa hè chói chang, 2 anh em cưỡi xe máy phóng từ Huế về thăm Phước Tích. Lối vào làng quanh quanh rợp bóng cây xanh đã nhanh chóng xua đi cái nhọc nhằn của cả một chặng đường mấy chục cây số chạy xe máy giữa cái nắng mùa hè.

Chúng tôi lang thang vào thăm và nói chuyện với chủ nhân những ngôi nhà trăm tuổi, thăm và chụp ảnh cây thị ngàn năm trầm tư bên ngôi miếu cổ. Và nao nao cùng những lò gốm xưa giờ đã trở thành phế tích-những lò gốm mà theo như những cư dân Phước Tích cho biết, vốn một thời là sinh kế chính của con dân trong làng. Thế cho nên chẳng lạ, ở Huế, nói cái tên Phước Tích chưa chắc nhiều người biết, nhưng nhắc đến “làng đôộc đôộc” nhiều người lại quen. Thời gian trôi mau, những thùng, những thau, nhưng soong, những lọ… bằng kim loại, bằng nhựa tràn về đã đẩy đồ gốm Phước Tích lùi vào quá vãng. Con dân Phước Tích không còn ai đủ can đảm theo nghề. Những lò gốm nguội ngắt, nằm buồn bên dòng Ô Lâu vẫn lặng lẽ ngày đêm xuôi về biển… Những tưởng tất cả sẽ đi vào lãng quên. Nhưng rồi, cùng với sự “xuất hiện” trở lại của cái tên Phước Tích, nghề gốm cũng được chú ý và đứng trước hy vọng hồi sinh.


Lò gốm cổ còn sót lại

Từ Festival Huế 2006, với tour “Hương xưa làng cổ”, lò gốm Phước Tích đỏ lửa trở lại trong niềm vui của các nghệ nhân và con dân trong làng. Tiếp đó, một số thanh niên Phước Tích được hỗ trợ để học nghề; đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại những làng gốm nổi tiếng khác; được Trường đại học Nghệ thuật giúp thiết kế mẫu mã; Quỹ Khuyến công giúp lò nung sản phẩm bằng gas…Chưa nhiều, nhưng những sản phẩm gốm từ Phước Tích đã có mặt ở một số nhà sách, quầy lưu niệm và được du khách chọn mua…
Xấp xỉ ngoài bốn mươi nhưng vẫn còn độc thân. Lương Thanh Hiền vừa chăm chú với từng nét vẽ trên sản phẩm gốm vừa trò chuyện cùng tôi. Nhóm của Hiền gồm 4 anh em, mỗi người góp 30 triệu đồng vay từ Ngân hàng Chính sách và dựng xưởng sản xuất gốm ngay tại Phước Tích. “Mấy anh em cùng chung tâm nguyện muốn phục dựng lại nghề truyền thống của cha ông. Còn vất vả, nhưng tôi tin là triển vọng và có thể sống được bằng nghề”- Lương Thanh Hiền quả quyết.
 

Lương Thanh Hiền miệt mài bên sản phẩm mới
Nghề gốm trên đất Việt Nam thì có nhiều, nhưng Hiền tin là gốm Phước Tích sẽ có vị trí của mình. Lý do? Đó là bởi gốm Phước Tích có nguồn nguyên liệu khác lạ. Đất sau khi được nung lên dù không tráng men vẫn không bị thẩm thấu. Dùng làm vật dụng để nấu ăn rất ngon. Thế nên không phải ngẫu nhiên mà xưa kia, triều đình giao cho làng “đôộc” Phước Tích trách nhiệm phải sản xuất “om ngự” để dùng nấu cơm gạo De cho vua ngự thiện. Màu sắc của đất làm gốm Phước Tích cũng là màu sắc tự nhiên, không cần pha chế, thế mới độc đáo.
 

Một số mẫu mới của gốm Phước Tích
Chấm dứt nét vẽ sau cùng, Hiền đứng dậy dẫn tôi đi xem xưởng làm gốm. Phía sau là một bể lọc, lắng. Đất sau khi lấy về, được cho vào bể đánh tơi ra với nước rồi lọc, lắng, đem phơi khô như kiểu người ta vẫn thường làm bột sắn dây, bột hoàng tinh vậy. Sau đó mới được nhào và nặn hình sản phẩm. Tùy theo chủng loại. Như một bình hoa đường kính 20 cm, cao chừng 40 cm thì nặn, trang trí hoa văn mất chừng nửa ngày, phơi 3 ngày. Sau đó đem nung. Nếu nung theo lò truyền thống thì thời gian nung sẽ mất 4 ngày, sau đó phải chờ thêm khoảng 20 ngày nữa, lò nguội mới lấy được sản phẩm. “Bây giờ nung lò gas, tất cả chỉ mất có 24 giờ. Sản phẩm thu được cũng đạt tỷ lệ rất cao, tới 80-90%; trong lúc đó, lò truyền thống cao lắm cũng chỉ cho thu hồi chừng 60%” - Lương Thanh Hiền giảng giải. Sản phẩm gốm từ xưởng của nhóm Lương Thanh Hiền đang được ký gửi tại nhà sách Phương Nam, Khu văn hóa Huyền Trân, chợ Phò Trạch… Nhóm Hiền đang mong được tạo điều kiện vay thêm chừng 50-70 triệu nữa để hoàn chỉnh nhà xưởng. “Mẫu mã có, kỹ thuật đã nắm vững, mình có thể đáp ứng mọi yêu cầu của khách hàng” - Hiền tự tin. Quan điểm của Hiền là phải học tập, đổi mới mẫu mã; sản xuất những mẫu sản phẩm lưu niệm gọn, nhỏ, vừa túi tiền của khách…
- Nhưng như thế có người lại lo rằng gốm Phước Tích sẽ không còn là gốm Phước Tích nữa, mà lai lai như gốm Bát Tràng, gốm Phù Lãng…Vậy thì về Phước Tích làm gì…cho mệt?!!-Tôi nhắc lại băn khoăn của một người làm công tác văn hóa từng trao đổi cách đây chưa lâu.
Hiền nắm tay dẫn tôi đến bên khu trưng bày những om, trách, ghè, bình vôi…đang còn tươi rói màu đất nung:
- Đó, sản phẩm truyền thống đó. Làm ra rồi… để vậy, không ai mua. Vậy thì sống hay chết? Sao không cách tân, lấy cái mới để mà “nuôi”, mà duy trì cái cũ, cái truyền thống? - Hiền day dứt.
Cả hai quan điểm đều có cái lý riêng của mình. Nhưng thiển nghĩ, nếu muốn duy trì riêng dòng gốm truyền thống, trước hết, Phước Tích cần phải trở thành một địa chỉ mà du khách không thể bỏ qua trong những tour đến Huế. Họ đến làng cổ, để được xem nhào đất, đốt lò, nung gốm…; thậm chí để được tự tay làm lấy một sản phẩm cho mình. Qua du lịch, qua dịch vụ để mà “nuôi” văn hóa, may ra. Chứ như hiện tại, sau mỗi kỳ lễ hội, Phước Tích lại lặng lẽ trở về với sự trầm lắng cố hữu, thế mà buộc lò gốm cứ phải "đeo" sản phẩm truyền thống thì chắc không ai đủ dũng khí để làm. Tất nhiên, trừ phi có… “quý nhơn phù trợ”.
 
Hiền An
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

220 năm quốc hiệu Việt Nam

“220 năm quốc hiệu Việt Nam – những chặng đường lịch sử (1804-2024)” là chủ đề cuộc hội thảo khoa học do Hội Khoa học Lịch sử tỉnh tổ chức, diễn ra sáng 23/4 tại TP. Huế.

220 năm quốc hiệu Việt Nam
Đưa triển lãm di sản văn hóa Huế đến Điện Biên

Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế ngày 22/4 cho biết, trong khuôn khổ các hoạt động năm Du lịch quốc gia 2024 và Kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) diễn ra tại Điện Biên, đơn vị đã đưa triển lãm chuyên đề “Huế - Di sản văn hoá, điểm đến tiềm năng” giới thiệu đến với công chúng.

Đưa triển lãm di sản văn hóa Huế đến Điện Biên
Hội thi tuyên truyền kỷ niệm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn đến Huế

Hội thi tuyên truyền lưu động kỷ niệm 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2024) do Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức sau khi đi qua nhiều tỉnh, thành đã đến Huế trình diễn vào tối 21/4 tại Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh, 41A Hùng Vương, TP. Huế.

Hội thi tuyên truyền kỷ niệm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn đến Huế

TIN MỚI

Return to top