ClockThứ Tư, 07/06/2017 05:31

Về Phước Yên, nhớ tiểu đoàn K8 anh hùng

TTH - LTS: Sau cuộc tổng tấn công và nổi dậy Xuân 1968, Tiểu đoàn K8, Trung đoàn 3, Sư đoàn 324 được lệnh của Quân khu Trị Thiên tăng cường cho Mặt trận Huế. Để chống trả sự phản công của địch, những người lính K8 đã chiến đấu cảm tử và anh dũng hy sinh ở trận địa Phước Yên, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền cách đây 49 năm. Ngày 28/4/1968 trở thành ngày giỗ chung của hơn 700 người con yêu nước.Để có cái nhìn sâu hơn về sự kiện lịch sử bi hùng này, từ hôm nay (7/6/2017), Báo Thừa Thiên Huế đăng bài viết dài 4 kỳ nhan đề “Về Phước Yên nhớ K8 anh hùng” của tác giả Dương Phước Thu. Trân trọng kính mời đón đọc.

Cuối năm 1967,  “Toàn bộ lực lượng (của ta) hành quân vào Huế dự kiến là 4.200 quân, trong đó bộ đội là từ 3.300 đến 3.400 quân. Riêng Trung đoàn 6 (E6) có khoảng 1.800 quân; hai cánh do Thành đội Huế chỉ huy trực tiếp gần khoảng 1.000 người. Ngoài ra, còn có một loạt các đội công tác (chính trị, vũ trang) để hoạt động trong các khu vực nhỏ; các đội này được xây dựng và huấn luyện từ tháng 10 đến cuối năm”.[2]

Tháng 12/1967, Phó Bí thư Khu ủy Lê Chưởng ra gặp Trung ương để báo cáo tình hình. Khi ông trở vào thì mới biết “Đây là chỉ thị Tấn công nổi dậy ở Huế hiệp đồng với toàn miền Nam. Thời gian được thông báo là “trong dịp Tết”. Như vậy là phải đánh dài ngày”.[3]

Bộ Chỉ huy chiến dịch nhận định: Chiến dịch sẽ rất ác liệt, về quân sự, địch hiện lớn hơn ta 5- 6 lần tính trên đầu súng.[4] Trước là “một trận đánh”, nay chuyển thành “một chiến dịch”.

Trước các vấn đề nêu ra quá căng thẳng, Bộ Chỉ huy chiến dịch chủ trương giải pháp là “vừa cố gắng bảo toàn lực lượng, vừa đánh vừa lớn lên, không phổ biến khả năng thứ hai (rút ra khỏi Huế)”. Phạm vi chiến dịch là từ Nam sông Hiền Lương đến đèo Hải Vân.

Phó Bí thư Khu ủy Lê Minh được chỉ định làm Chỉ huy trưởng chiến dịch. Trước tình hình ấy, ông nêu đề nghị: “Bộ Chỉ huy phải có trong tay một sư đoàn với ba trung đoàn bộ binh, một trung đoàn pháo: nói thẳng là pháo 105, chứ 130 ly là đi không nổi. Địch là hơn 20.000 quân,[5] ta chỉ có 5000 – 6000, chưa kể du kích. Ra giữa trận rồi mà người lính hết đạn thì khó bảo vệ được tính mạng mình. Phải xin thêm 500 tấn đạn “nhất là đạn trợ chiến”.[6] Bí thư Khu ủy nhất trí điện ra Trung ương “xin 1F tăng cường có 3 E bộ binh mạnh và 1E pháo 105, 500 tấn đạn đại bộ phận là pháo, 1D phòng không 37 ly và 1000 tấn gạo”.

Điện Trung ương trả lời: “Các anh cứ làm. Trung ương sẽ cho quân dự bị vào bằng cách mở đường 9”.[7]

Như thế là đã đổi hướng kế hoạch về cơ bản. Về mặt chính trị đặt ra thêm những yếu tố mới:

- Khởi nghĩa quần chúng, từ đó họ gia nhập lực lượng vũ trang cách mạng. Hy vọng rằng đánh được thì lấy vũ khí, đạn dược của địch mà trang bị tiếp.

- Lập chính quyền cách mạng, và từ đó phải chuẩn bị thêm nhiều mặt công tác xã hội của chính quyền.

Theo kế hoạch mới bổ sung và chỉnh đốn lại, toàn chiến dịch sẽ chia làm 3 đợt:

- Đợt 1: Đánh phía Nam, cắt hẳn giao thông.

- Đợt 2: Toàn bộ nổ súng đồng loạt vào đầu não các đơn vị chủ chốt của địch theo các mục tiêu đã bàn, khống chế trung đoàn địch ở Tứ Hạ và đơn vị cảnh sát dã chiến Sài Gòn về tăng cường đang đóng ở tiểu khu Thừa Thiên.

Lập chính quyền toàn tỉnh Thừa Thiên và thành phố Huế; từ đó thành lập Liên minh các lực lượng Dân tộc Dân chủ và Hòa bình TP.Huế.

- Đợt 3: Chỉnh đốn đội hình để đánh phản kích…

Theo chỉ thị của Trung ương, cuộc Tổng tấn công nổi dậy xuân 1968 sẽ đồng loạt diễn ra ở cả miền Nam vào một thời điểm thích hợp; là một quyết định táo bạo có tính chiến lược trên các chiến trường, mở ra một giai đoạn đấu tranh mới với đế quốc Mỹ bằng nhiều thứ quân trên các mặt trận. Tùy tình hình thực tế của từng địa phương có thể diễn ra để nắm bắt thời cơ giành chính quyền. Để chia lửa cho các chiến trường và cùng đồng loạt đánh vào những nơi có đông quân Mỹ chiếm đóng ở miền Nam.[8] Kế hoạch đồng loạt nổ súng vào giờ "G" được giữ bí mật tận cùng.

Chiều ngày 30 tháng Chạp năm Đinh Mùi, các đơn vị, các mũi được lệnh hành quân triển khai theo kế hoạch hợp đồng chiến đấu, tiền nhập, đột nhập tương đối thuận lợi vào các vị trí, sẵn sàng nổ súng.

(Còn nữa)

 Dương Phước Thu

[1]. K8 là mật danh của Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 3 (Đoàn Gio An anh hùng), thuộc Sư đoàn 324, Quân khu IV. Được thành lập ở Khu V vào tháng 9/1954, trước khi tập kết ra Bắc theo NQ của Liên khu V (họp ngày 27 và 28/7/1954). Quá trình chiến đấu, tiểu đoàn đã nhiều lần thay đổi phiên hiệu đơn vị, nằm trong đội hình chiến đấu của nhiều quân khu, quân đoàn và mặt trận. Cuối năm 1967, tiểu đoàn được điều động vào chiến trường Trị Thiên Huế, trực thuộc Quân khu Trị Thiên. Từ năm 1969, Tiểu đoàn được điều động vào chiến trường Quân khu V. Tiểu đoàn 8 (K8) nay là Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 38, Sư đoàn 2, Quân khu V. (Theo dòng lịch sử QĐNDVN).

[2]. Lê Minh, Huế Xuân 68, Thành ủy Huế xb, 1987, tr. 42.

[3]. Lê Minh, Huế Xuân 68, Thành ủy Huế xb, 1987, tr. 45.

[4]. Tết của Don Oberdoifer, nhà báo Mỹ viết về Tết Mậu Thân 1968, Hà Nguyên dịch, Nxb Tổng hợp An Giang, 1988.

[5]. Đặng Ngọc Nghĩa, Thừa Thiên Huế tấn công, nổi dậy, anh dũng, kiên cường, Nxb Thuận Hóa, 2008.

[6]. Lê Minh, Huế Xuân 68, Thành ủy Huế xb, 1987, tr. 48.

[7]. Lê Minh, Huế Xuân 68, Thành ủy Huế xb, 1987, tr. 49.

[8]. Tết của Don Oberdoifer.

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tri ân, tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ Gạc Ma

Ngày 14/3, tròn 36 năm sự kiện Gạc Ma (14/3/1988), tại Khu tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma (xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa), Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân tổ chức dâng hương tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Tri ân, tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ Gạc Ma
Nỗ lực và đóng góp

Chiều 27/1, Tiểu đoàn Huấn luyện- Cơ động (HL-CĐ), Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng (BĐBP) tỉnh tổ chức lễ kỷ niệm ôn lại truyền thống 35 ngày thành lập đơn vị. Đây là động lực để Ban Chỉ huy và cán bộ chiến sĩ (CBCS) Tiểu đoàn càng nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, cơ động lực lượng chi viện cho hai tuyến Biên phòng của tỉnh.

Nỗ lực và đóng góp
Nhớ những chuyến xe lam

Hôm qua chú em họ đăng facebook về những chiếc xe lam - một thời đã hiện diện trên đất Huế và điện thoại hỏi tôi: “Anh còn nhớ mấy con trâu cày đường nhựa” không? Tôi trả lời ngay với chú em rằng: Làm sao quên được- nó là một phần đời tuổi thơ của chị em tôi trong những năm còn khó khăn.

Nhớ những chuyến xe lam
Quảng Điền tổ chức an táng liệt sĩ về quê Quảng Thái

Nhằm tri ân các anh hùng liệt sĩ trở về nơi quê cha đất tổ, sáng 6/8, huyện Quảng Điền tổ chức lễ an táng hài cốt liệt sĩ Hồ Văn Hưng (quê quán ở xã Quảng Thái, huyện Quảng Điền) về Nghĩa trang liệt sĩ xã Quảng Thái.

Quảng Điền tổ chức an táng liệt sĩ về quê Quảng Thái
Return to top