ClockThứ Bảy, 18/07/2020 06:30

Vệ sinh sạch sẽ - lá chắn phòng bệnh tay chân miệng

TTH - Tay chân miệng (TCM) là bệnh truyền nhiễm do virút đường ruột gây ra và thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh rất nguy hiểm nếu không biết cách phát hiện sớm, phòng tránh và điều trị kịp thời.

Phòng, chống bệnh tay chân miệngCách phòng ngừa bệnh tay-chân-miệng

Bảo vệ trẻ trước dịch bệnh tay chân miệng

Kiểm tra trẻ thường xuyên

Anh Ngô Khiêm (thị xã Hương Trà) có hai cậu con trai, anh lớn đã qua 10 tuổi còn cậu em lên 7. Mỗi năm, cứ đến mùa dịch bệnh TCM, vợ chồng anh đều nhắc nhau kiểm tra tình trạng tay, chân và miệng thường xuyên, thậm chí hằng ngày cho cả hai con. Kinh nghiệm này được cả hai vợ chồng thống nhất cao và duy trì từ sau lần tình cờ kiểm tra kỹ mà phát hiện cậu con lớn bị TCM khi bé 4 tuổi. Nhờ đó, nhiều năm qua, hai cậu con trai của anh chị mới bị nhiễm TCM một lần.

Trước lúc được xác định bị nhiễm TCM, cu con anh Khiêm vẫn đi học và sinh hoạt bình thường. Nhưng vì rất lo lắng về bệnh TCM nên anh thường kiểm tra cẩn thận tay chân của con trước khi ngủ. Một tối, anh phát hiện ở lòng bàn chân con có nhiều bọng nước li ti khác lạ, càng căng da càng thấy rõ. Quá lo lắng vì nghi ngờ con bị TCM, anh liên hệ bác sĩ quen và đưa con đi kiểm tra ngay lập tức. Kết quả, sau khi được thăm khám kỹ hơn, cu con được xác định nhiễm TCM thể nhẹ và cho điều trị, theo dõi tại nhà. Nhớ lại, anh Khiêm vẫn coi sự kỹ càng đó là một may mắn nên thường chia sẻ với bạn bè, như một sự nhắc nhớ cẩn thận khi chăm sóc trẻ.

Bệnh TCM là do virus Coxsackie gây nên. Virus có khả năng lây lan rất nhanh qua đường miệng hoặc các chất tiết từ mũi miệng hay phân của trẻ bệnh. Bệnh lây truyền chủ yếu qua các đường: Trẻ lành tiếp xúc trực tiếp với trẻ bệnh, bị nhiễm bệnh do nuốt phải nước bọt của trẻ bệnh văng ra trong lúc ho hay hắt hơi; trẻ lành cầm nắm đồ chơi, sẽ chạm vào sàn nhà bị dính nước bọt, chất tiết mũi họng của trẻ bệnh; lây qua bàn tay của người chăm sóc trẻ. Triệu chứng thấy rõ nhất ở bệnh TCM gồm: sốt, loét miệng và bóng nước. Đa số các trường hợp bệnh TCM sẽ tự khỏi, nhưng trong trường hợp gặp biến chứng thì trẻ sẽ gặp nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong. Những biến chứng do bệnh tay chân miệng gây nên, có thể là biến chứng thần kinh, khiến viêm màng não, viêm thân não. Hoặc có thể là biến chứng hô hấp, tuần hoàn, gây tổn thương cơ tim, suy tim, trụy tim mạch, phù phổi cấp.

“3 sạch” để dự phòng

Theo hệ thống báo cáo giám sát bệnh truyền nhiễm, từ đầu năm 2020 đến nay, cả nước chưa có trường hợp tử vong do bệnh TCM nhưng đã ghi nhận hơn 10.700 trường hợp mắc bệnh. Riêng trên địa bàn Thừa Thiên Huế, tính đến ngày 16/7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chưa ghi nhận trường hợp nhiễm bệnh TCM.

Tuyên truyền bảo vệ trẻ trước dịch bệnh tay chân miệng

Ông Hoàng Văn Đức, Giám đốc Kiểm soát bệnh tật tỉnh ghi nhận: “Trung tâm vẫn đang theo dõi và giám sát chặt chẽ tình hình của bệnh TCM trên địa bàn. Tuy nhiên, việc chưa phát hiện trường hợp bệnh TCM từ đầu năm đến nay cho thấy dấu hiệu tích cực so với diễn biến bệnh TCM năm 2019 và cả những năm trước đó. Kết quả này một phần là do người dân đã và đang thực hiện tốt các biện pháp giữ gìn vệ sinh cá nhân và môi trường sống sạch sẽ để phòng tránh dịch bệnh COVID-19, nên việc phòng chống TCM được hưởng lợi tích cực”.

Theo số liệu của ngành y tế, so với cùng kỳ năm 2019, số mắc TCM cả nước giảm 55,6%, số trường hợp nhập viện giảm 51,5%. Tuy vậy, dự báo số mắc TCM có nguy cơ gia tăng, nên cần chủ động phòng, chống dịch bệnh TCM, hạn chế thấp nhất số trường hợp mắc và tử vong, không để dịch bùng phát, lan rộng và kéo dài. Bộ Y tế đề nghị các cấp các ngành tăng cường truyền thông giáo dục sức khoẻ, triển khai tích cực các hoạt động vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe Nhân dân. Đồng thời, đề nghị Nhân dân thực hiện “3 sạch” để phòng bệnh hiệu quả, gồm: ăn uống sạch, ở sạch, bàn tay sạch và chơi đồ chơi sạch; tổ chức chiến dịch rửa tay bằng xà phòng, thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh ăn uống, ăn chín uống chín…

Hiện nay, bệnh TCM vẫn chưa có vaccine dự phòng, trong khi tình hình đại dịch COVID-19 và dịch bệnh sốt xuất huyết còn diễn biến phức tạp, các bậc cha mẹ và cộng đồng người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp dự phòng theo Bộ Y tế khuyến cáo để bảo vệ trẻ: Giữ vệ sinh tay sạch sẽ; ăn chín, uống chín, sử dụng vật dụng ăn uống sạch sẽ, không mớm thức ăn cho trẻ, không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung đồ dùng cá nhân; thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày; không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh; sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh; đưa trẻ đi khám khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh.

Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tuổi trẻ ra quân dọn vệ sinh dọc tuyến đường sắt Huế - Phú Lộc

Sáng 23/3, Tỉnh đoàn phối hợp với Chi nhánh Khai thác đường sắt Thừa Thiên Huế và các đơn vị đường sắt trong khu vực tổ chức lễ ra quân Ngày Chủ nhật xanh tại các ga và dọc tuyến đường sắt Huế - Phú Lộc. Tham dự có ông Hoàng Hải Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện các sở, ban, ngành liên quan.

Tuổi trẻ ra quân dọn vệ sinh dọc tuyến đường sắt Huế - Phú Lộc
Ra quân làm sạch môi trường tại Phong Điền, A Lưới

Chiều 17/3, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, Ban Thư ký Ủy ban Hội LHTN Việt Nam tỉnh phát động chiến dịch “Hãy làm sạch biển” và đồng loạt ra quân hưởng ứng Ngày Chủ nhật xanh - Hãy làm sạch biển năm 2024 tại bãi tắm thôn Tân Bội, xã Điền Lộc (huyện Phong Điền).

Ra quân làm sạch môi trường tại Phong Điền, A Lưới
Ra quân vệ sinh, làm đẹp phố phường

Ngày 10/3, triển khai phong trào Ngày Chủ nhật xanh, nhiều lực lượng đã ra quân tổng dọn vệ sinh; tuyên truyền, vận động người dân chỉnh trang các địa điểm công cộng, trồng hoa làm đẹp phố phường.

Ra quân vệ sinh, làm đẹp phố phường

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top