ClockThứ Tư, 12/02/2020 12:45

Về Thanh Tiên

TTH - Tôi thường có thói quen xách xe chạy dạo một vòng vào những ngày đầu xuân. Tôi đi từ khá sớm, cái giờ mà mọi người còn ngon giấc, đi lung tung như thế cho đến tám chín giờ mới về nhà.

 

Mỗi buổi sáng như thế tôi thường đi một nơi khác nhau, lúc “lượn” trong thành phố, lúc ra ngoại ô, nhưng thường thì đi về ngoại ô nhiều hơn, nhất là các làng trồng rau cải, hoa màu. Và mỗi lần dạo như thế tôi lại chụp được vài chục tấm ảnh làm tư liệu hoặc để dùng cho các bài viết trong năm, vì có những hình ảnh chỉ có trong những buổi sáng đầu xuân chứ quanh năm muốn chụp cũng không có.

Và như thế, sáng nay tôi về làng Thanh Tiên, ban đầu chỉ định chạy về thăm người bạn ở đập La Ỷ uống trà sớm, rồi cao hứng tôi lại chạy vòng về Thanh Tiên. Có lẽ hai từ Thanh Tiên tôi biết sớm nhất là liên quan đến hoa giấy cúng, vì ngày xưa ba tôi thường hay mua bông giấy để cắm trên các trang thờ vào ngày tết. Hai chữ Thanh Tiên không chỉ riêng tôi mà chắc có lẽ cũng nhiều người biết đến từ như thế, mặc dù nó chỉ là một thôn nhỏ thuộc xã Phú Mậu - Phú Vang. Nói vui, không chừng hai chữ Thanh Tiên còn nổi tiếng hơn cả hai chữ Mậu Tài, vì những năm sau này khi các làng nghề truyền thống được phục hồi thì nghề làm hoa giấy và tranh thờ dân gian lại có cơ hội phát huy, và từ đó Thanh Tiên lại càng nổi bật.

Hoa giấy thì nhiều người biết rồi nay tôi không nói thêm nữa, chỉ nói rằng khi qua khỏi đập La Ỷ đi về, chạy dài theo con đường làng, hai bên là những ruộng lúa, ruộng vừa gieo sạ trong năm nên mới cao hơn một gang tay, bắt đầu xanh mướt. Trước cũng đã nhiều lần đi về đây, nhưng có một điều rất thích mà nay tôi mới để ý, đó là những hàng rào chè tàu. Nhiều năm trước đây thì kiểu hàng rào này rất nhiều nhưng nay thì hiếm, do đô thị hóa nên ít có làng nào còn giữ được nhiều như ở đây, thôn Thanh Tiên. Nếu bỏ công đi quanh làng mà thử đếm thì tôi nghĩ chắc cũng không phải là ít. Phong cảnh thanh bình trong sáng sớm, bên hàng rào chè tàu, dưới rặng tre một cụ ông đang quét lá trước lối nhỏ vào nhà. Một phần vì vừa tết xong, nên những hàng rào ở đây được cắt gọn rất tươm tất vuông vắn, có lẽ từ trong năm các gia đình đã làm đẹp để ăn tết.

Theo đó, đi dọc trên con đường, bên bờ sông ngay chỗ triền bãi đất bồi là những giàn bầu, giàn mướp xanh ngắt. Nhờ mưa thuận gió hòa nên năm nay hoa màu cũng ít ảnh hưởng thời tiết, sâu bệnh. Những đọt bầu đọt bí xanh mướt mát vươn ra bên bờ sông yên bình, những bông hoa trắng vàng sung mãn, những quả bầu non tròn thuổng thẳng xuống dưới giàn với những chú ong đang bay lượn thụ phấn, trông cảnh này ở thành phố thị giờ biết tìm đâu cho thấy. Khi về nhà, tôi liền cho con gái xem hình, cháu đòi ngày mai chở đi ngay.

Đi sớm lúc còn mờ sương nên từ xa trông những cánh đồng, những bãi ngô thật huyền huyền ảo ảo. Cảnh những nông dân gánh đôi thùng nước từ dưới bến sông lên để tưới rau, tưới hoa làm tôi nhớ đến hình ảnh của bà tôi năm xưa cũng như thế, nơi một miền quê khác. Nắng lên rồi, màu xanh non của rau cải xà lách xen lẫn trong màu đỏ của rau dền, hòa chung màu của những hạt sương còn đọng lại, óng ánh thật tinh khôi, nên tôi cũng tranh thủ chụp vài kiểu ảnh kẻo qua thời khắc. Trên đường quay về, tôi lại đi chầm chậm để nhìn lại một lần nữa, và có lẽ tôi sẽ về đây thêm nhiều lần nữa, để thấy những làng mạc, thấy những hàng rào chè tàu yên bình dưới những rặng tre xanh, thấy các chị các mẹ lại quang gánh trên vai, gánh những gánh rau đi khắp các hướng từ trong sương sớm ban mai.

Ngẫm vui, đi du lịch xa cũng cần, nhưng đôi khi cũng nên du xuân các làng mạc cạnh bên mình, vì có như thế mới cảm thụ được những linh hồn của quê hương.

Bài, ảnh: TRẦN VĨNH THỊNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Về làng “check-in”

Để quảng bá cảnh đẹp, thêm điểm vui chơi, giải trí, một số làng quê đầu tư cảnh trí đón khách về “check-in”.

Về làng “check-in”
Lấy ý kiến, tìm mẫu tượng đẹp nhất về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để dựng

Sau hơn hai năm phát động dự án dựng tượng cố nhạc sĩ tài hoa “Trịnh Công Sơn hát Nối vòng tay lớn”, đến thời điểm này ban tổ chức đã nhận được rất nhiều mẫu tượng phác thảo. Những mẫu tượng này vừa được trưng bày, giới thiệu để lấy ý kiến công chúng trước khi tiến hành các công đoạn tiếp theo.

Lấy ý kiến, tìm mẫu tượng đẹp nhất về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để dựng
Thêm một công trình nghiên cứu công phu về Huế

“Tuyển tập Huế Xưa & Nay” là một cuốn sách vừa được Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế biên soạn, NXB Thuận Hóa in ấn, phát hành. Dày hơn 650 trang, cuốn sách hết sức công phu này sẽ tiếp tục góp phần vào các công trình nghiên cứu về Huế.

Thêm một công trình nghiên cứu công phu về Huế
Return to top