ClockThứ Bảy, 02/09/2017 13:46

Về với đất thiêng Định Hóa

TTH - Sau nhiều lần lỗi hẹn, mãi cho đến những ngày tháng Tám lịch sử năm nay tôi mới được về với An toàn khu (ATK) Định Hóa- “Thủ đô gió ngàn” của cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược.

Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại ATK Định Hóa do Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân TP. Hà Nội tặng nhân kỷ niệm 115 năm sinh nhật Bác (19/5/2005)

Đáp xuống Nội Bài sau 1 giờ bay từ Huế, chúng tôi theo xe lên Thái Nguyên. Tuyến đường cao tốc rộng hơn 31m, 4 làn xe thảm bê tông nhựa đẹp đẽ này giúp rút ngắn thời gian từ Hà Nội về với thành phố gang thép chỉ còn chừng 2 tiếng đồng hồ. Từ trung tâm thành phố, Quốc lộ 3 sẽ đưa bạn ngược tiếp lên phía bắc, qua những làng quê yên bình, những rừng cọ đồi chè trong trẻo, quyến rũ như tranh vẽ để đến với Định Hóa. Đây là vùng rừng núi điệp trùng, hiểm trở, kín đáo, “tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ” (tiến có thể đánh, lui có thể giữ), hội đủ địa lợi- nhân hòa, địa thế như vậy nên Định Hóa đã được Hồ Chủ tịch chọn làm ATK Trung ương-Thủ đô kháng chiến cho cả nước.

Nằm ở trung tâm “Thủ đô gió ngàn” là đồi Tỉn Keo. Theo chân cô hướng dẫn viên, chúng tôi leo con dốc lên thăm căn lán dựng ở lưng chừng đồi. Tôi ngước mắt nhìn quanh và bỗng nghe lòng trào dâng niềm bâng khuâng kính phục khó tả. Căn lán nhỏ vách nứa mái cọ đơn sơ, ở giữa lán là chiếc bàn lớn cùng mấy chiếc ghế thô mộc, bình dị, vậy nhưng chính tại đó, Bác Hồ và Bộ Chính trị BCH TW Đảng ta đã họp bàn và có những quyết sách sáng suốt đưa “cuộc kháng chiến ba ngàn ngày” của dân tộc đi đến thắng lợi cuối cùng, buộc thực dân Pháp phải vĩnh viễn chấm dứt giấc mộng thuộc địa ở xứ Đông Dương.

Trên có núi dưới có sông/ Có đất ta trồng có bãi ta chơi/ Tiện đường sang Bộ Tổng/ Thuận lối tới Trung ương/ Nhà ráo thoáng, kín mái/ Gần dân, không gần đường. Đó là những tiêu chí mà Bác yêu cầu khi tìm vị trí đặt cơ quan. Và Tỉn Keo là một trong những nơi đáp ứng được các tiêu chí đó, đảm bảo được an toàn, bí mật cho các cơ quan đầu não của ta trong suốt thời gian hoạt động. Đồi Tỉn Keo cách nơi ở làm việc của Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng ở đồi Thẩm Khen 1,8 km, Tổng Bí thư Trường Chinh ở Nà Mòn độ 3 km (đều thuộc xã Phú Đình); Tỉn Keo ngược lên 1,2 km đến thác 7 tầng Khuôn Tát, leo chừng 3km đến đồi Nà Đình (Khuôn Tát) nơi Bác ở làm việc những năm 1947, 1948, 1953 và đầu năm 1954. Nơi Bác ở và làm việc chỉ có lác đác vài ngôi nhà sàn nhỏ và “địch cũng không thể ngờ ở chỗ giáp ranh, bản làng nghèo nàn, vắng vẻ ấy lại chính là nơi “chùa rách, bụt vàng” như lời kể của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Trên vách căn lán Tỉn Keo đang trang trọng treo bức ảnh lớn chụp cảnh Hồ Chủ tịch chủ tọa hội nghị Bộ Chính trị vào tháng 10/1953. Trong ảnh, Bác và các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Văn Thái đứng quanh một tấm bản đồ lớn trải trên bàn. Ấy là sau khi ta có được bản kế hoạch Nava. Âm mưu của Nava- tướng 4 sao Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương là phòng ngự chiến lược ở miền Bắc, tập trung bình định ở miền Nam, để rồi mùa thu 1954 sẽ tập trung quân ra miền Bắc tiêu diệt chủ lực của ta, hoàn thành thôn tính Việt Nam trong vòng 18 tháng. Để thực hiện tham vọng ấy, tướng Nava đã huy động một lực lượng cơ động lên đến 84 tiểu đoàn trên toàn chiến trường Đông Dương, trong đó ở đồng bằng Bắc bộ có 44 tiểu đoàn, tiến hành những cuộc càn quét, bình định và mở những cuộc tiến công lớn vào Ninh Bình, Thanh Hóa… Nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp trình bày, đôi mắt Bác rất chăm chú. Bàn tay Bác trên bàn bỗng giơ lên và nắm lại, Người nói: “Địch tập trung quân cơ động để tạo nên sức mạnh, không sợ, ta buộc chúng phải phân tán binh lực thì sức mạnh đó không còn”. Vừa nói, bàn tay Bác vừa mở ra mỗi ngón trỏ về một hướng. Đó chính là chỉ đạo có tính chiến lược cho chiến dịch Đông Xuân 1953-1954, tạo thế làm bật ra một Điện Biên Phủ dẫn đến phá sản hoàn toàn kế hoạch Nava và chôn vùi giấc mơ xâm lược của thực dân Pháp.

Lán Tỉn Keo- nơi Bác chủ trì Hội nghị Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ vào ngày 6/12/1953.

Cũng tại đồi Tỉn Keo này, Bác Hồ còn làm việc với các thành viên của Hội đồng Chính phủ, Trưởng ban Thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn, Bí thư Tổng bộ Việt Minh Hoàng Quốc Việt, Chủ tịch Mặt trận Liên Việt Tôn Đức Thắng...Nhiều vị khách quốc tế cũng được Người tiếp tại đây: Ủy viên TW Đảng Cộng sản, Nghị sĩ Quốc hội Pháp Leo Fisdueres- Phó Chủ tịch Liên đoàn Thanh niên dân chủ thế giới sang ủng hộ cuộc kháng chiến chính nghĩa của Nhân dân Việt Nam; Hoàng thân Xuphanuvong- Chủ tịch chính phủ kháng chiến Lào; tiếp đạo diễn Roman Lazarevich Karmen trước khi lên chiến trường Điện Biên Phủ làm phim “Việt Nam trên đường thắng lợi”...Theo lời kể của Đại tá Nguyễn Mạnh Đàn, nguyên Trung đội trưởng Trung đội bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại ATK Định Hóa (1947-1950), ở Tỉn Keo, ngoài các lán làm việc, ngủ, nghỉ của Bác, còn có lán bảo vệ, giúp việc, lán họp, làm việc của lãnh đạo Trung ương, dưới chân đồi còn có ngôi nhà sàn bằng tre, một gian Bác làm việc, một gian Bác ngủ, nghỉ, một gian các chiến sĩ bảo vệ, giúp việc Bác ở. Liền sau nhà sàn có một chòi tắm giặt, gần sát bờ suối Khuôn Tát có một trạm gác... Bếp ăn được đào âm xuống đất, nấu không khói để giữ bí mật. Mỗi buổi sáng, Bác thường ra khoảng sân nhỏ dưới chân đồi tập thể dục, đi vài đường Thái Cực quyền, rồi tưới cây bưởi, giàn bí Bác trồng... Cô hướng dẫn viên cho hay, tất cả các công trình nay đều được phục dựng lại do các công trình cũ khi di chuyển Bác đều cho phá bỏ để giữ bí mật công tác và cũng để giữ bí mật cho dân.

Tháng 5/2012, Chính phủ đã ban hành quyết định xếp hạng ATK Định Hóa là Di tích quốc gia đặc biệt. Trong khu di tích này, thống kê có đến 128 điểm di tích lịch sử cách mạng ghi đậm dấu ấn một thời của chiến khu Việt Bắc anh hùng. Bên cạnh khu di tích đồi Tỉn Keo còn có đồi Khau Tý, nơi ở và làm việc của Bác từ trung tuần tháng 5/1947 đến đêm ngày 20/5/1947. Thời gian này, Bác đã đưa ra các quyết sách quan trọng để chỉ đạo quân dân ta đập tan cuộc tấn công lên Việt Bắc của quân Pháp trong chiến dịch Thu - Đông năm 1947. Cũng tại đây, Bác đã hoàn thành bản thảo cuốn sách “Sửa đổi lối làm việc”; địa điểm Tổng Bí thư Trường Chinh và Văn phòng Trung ương Đảng làm việc tại Phụng Hiển (1947 - 1949), xã Điềm Mặc; địa điểm ra đời Hội Nhà báo Việt Nam ở xóm Roòng Khoa, bên sườn đồi Khẩu Goại; địa điểm thành lập và là nơi đặt trụ sở của Ban Kiểm tra Trung ương - cơ quan kiểm tra chuyên trách đầu tiên của Đảng (đồi Pụ Miếu, thôn Phụng Hiển); đồi Pụ Đồn - còn gọi là đồi Phong tướng, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì lễ phong quân hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp (1948) (xã Phú Đình)...

Từ Định Hóa- Thái Nguyên vượt đèo De, núi Hồng chưa tới chục cây số là sang tới chiến khu Tân Trào - chiếc nôi cách mạng. Nếu Tân Trào là nơi Bác hạ quyết tâm sắt đá “dù phải đốt cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập” và với quyết tâm ấy, Người đã lãnh đạo Cách mạng tháng Tám thành công, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa vào mùa Thu 1945, thì ATK Định Hóa hơn 1 năm sau đó trở thành nơi thể hiện quyết tâm bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ nền độc lập dân tộc với tinh thần “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ!”. Ba ngàn ngày kháng chiến không nghỉ, đoàn quân thắng trận của ta lại ca khúc khải hoàn về lại Thủ đô thân yêu. Đúng như Người đã tiên đoán ngay từ lúc ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến: “Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta!”.

Tân Trào - Định Hóa quả là chốn đất thiêng để mỗi người dân Việt Nam tìm về chiêm bái, tìm hiểu và soi lòng, để rồi phải sống sao cho xứng đáng với lịch sử, với công lao của Bác, của những nhà cách mạng tiền bối và bao thế hệ cha anh đã hiến dâng vì những mục tiêu cao cả: Độc lập cho đất nước, tự do cho nhân dân, văn minh, mạnh giàu cho xã hội...

Diên Thống

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giữ đất cha ông, giữ bóng thời gian

Có thể xem đó là câu thơ “chốt” của tác giả Nguyễn Duy Từ gửi gắm trong trường ca "Đất thiêng" vừa mới xuất bản. Đây là trường ca thứ ba (tiếp nối: Huế mùa đông 1999 xuất bản năm 1999, và Trại COVID-19 xuất bản năm 2020) vừa mang tính kế thừa, vừa thể hiện sự tìm tòi cái mới trong mạch nguồn cảm hứng sáng tạo “thay lời muốn nói” anh dành cho bạn đọc.

Giữ đất cha ông, giữ bóng thời gian
Nghe lòng thật an yên…

Tôi có thằng cháu gọi bằng bác ruột, học sinh trường Trần Đại Nghĩa - Một ngôi trường danh tiếng tại TP. Hồ Chí Minh.

Nghe lòng thật an yên…
Hệ quy chiếu

Vẫn nghe người ta nói “giàu chơi cá, khá chơi chim…”, chẳng biết xuất xứ trúng trật thế nào, nhưng chắc chắn là không phải ai giàu cũng thích cá, ai khá cũng thích chim.

Hệ quy chiếu
Thao thức chùa Huế...

Vượt ra khỏi chiếc áo của mình, chùa Huế đã không chỉ là riêng của Phật giáo mà còn là tài sản độc đáo, vô giá cần gìn giữ…

Thao thức chùa Huế
Đất thiêng từ Trường Sa hòa vào đàn Xã tắc

Sáng 29/8, tại Phu Văn Lâu (TP. Huế), Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với báo Tuổi Trẻ tổ chức Lễ tiếp nhận đất thiêng từ Trường Sa vào đàn Xã Tắc. Ngay sau lễ tiếp nhận, phần đất thiêng từ Trường Sa đã được nhập vào đàn Xã Tắc. Ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đến dự.

Đất thiêng từ Trường Sa hòa vào đàn Xã tắc

TIN MỚI

Return to top