ClockThứ Bảy, 27/06/2015 21:21

Vẹn nguyên niềm hạnh phúc

TTH - Chung sống cùng nhau 22 năm nhưng chưa một lần lớn tiếng gây gổ, đánh đập nhau, là hạnh phúc có thật của gia đình anh Trần Văn Phước (44 tuổi), trú tại thôn Nam Phù, xã Quảng Phú (Quảng Điền).

Ngày mưa, anh Phước ở nhà phụ vợ đan ghế

Như vợ chồng son

Đến thôn Nam Phù một ngày mưa, chúng tôi gặp chị Trần Thị Ngọc Phượng (42 tuổi, vợ anh Phước) đang cần mẫn đan ghế nhựa. Thấy khách lạ, chị niềm nở mời chúng tôi vào nhà tiếp chuyện. Căn nhà rộng rãi, chưa phủ màu sơn nhưng khá ngăn nắp. Chị Phượng kể, anh chị vừa sửa lại nhà năm 2012, nhờ khoản tiền 100 triệu đồng mà hai vợ chồng dành dụm. Ngoài làm 7 sào ruộng, mùa vụ nhàn rỗi, anh Phước tranh thủ nghề phụ hồ kiếm thêm thu nhập, chị ở nhà lo chuyện cơm nước, chăn nuôi heo, gà và đan ghế nhựa thuê. Kinh tế của đôi vợ chồng nông dân chỉ có thế, nhưng 22 năm qua, anh chị đều thoải mái vì không vướng vào chuyện nợ nần.
Năm 1993, họ đến với nhau sau 3 năm tìm hiểu. Lấy nhau giữa thời buổi nghèo khó, cả hai ý thức được nền tảng của gia đình hạnh phúc là sự hòa thuận nên quyết tâm, đồng lòng không tranh cãi, lớn tiếng với nhau dù bất kỳ chuyện gì. Chị Phượng quan niệm, đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm, người phụ nữ tâm lý với chồng con thì gia đình luôn êm ấm. “Bạn chồng đến chơi, mình tiếp đãi chu đáo. Dịu dàng, tôn trọng lẫn nhau nên từ ngày cưới đến nay, vợ chồng tui không có chuyện la nạt, đánh đập chi hết. Lần căng thẳng nhất là lẫy nhau 5 phút rồi lại xoay mặt nhìn nhau mà cười”, chị Phượng chia sẻ.
Câu chuyện của chúng tôi bị cắt ngang bởi lời chào của anh Phước. Bùn trên áo, mặt ướt đẫm mồ hôi, anh vẫn niềm nở: “Hôm nay trời mưa, không đi làm được nên tranh thủ ra đồng, rồi về phụ vợ đan ghế”. Nói rồi anh ngồi bệt xuống nền nhà, bắt đầu công việc cùng vợ. Chung tay đan chiếc ghế, công làm chỉ 100.000 đồng/chiếc ghế/ngày nhưng cả hai đều đồng quan điểm “thuận vợ thuận chung tát Biển Đông cũng cạn”. Bởi thế, có những ngày đan ghế đến 11 giờ đêm, nhưng không ai chịu nghỉ làm trước. “Tính anh Phước có cái hay là không phân biệt việc của ai, đi làm về là phụ vợ làm cơm, cho heo gà ăn, đan ghế giúp vợ, thái độ lúc nào cũng vui vẻ”, chị Phượng bảo.
Nói với chúng tôi, anh Phước khẳng định, vợ chồng hòa thuận thì con cái mới vui. Kinh nghiệm cũng chẳng có gì ngoài chuyện nhịn nhau một tiếng. Có vướng mắc gì thì từ từ hỏi ý nhau để sửa lại, không nên nóng nảy.
Bữa cơm ấm áp
Xây dựng gia đình hạnh phúc, anh chị quyết định dừng lại ở hai con để nuôi dạy tốt. Chị Phượng phấn khởi: “Con đầu của tui vừa tốt nghiệp cao đẳng, bé sau cũng mới học hết lớp 10. Cả 2 đứa đều ngoan, nhất là đứa con trai đầu, hiền như con gái”.
Mỗi người một việc, bữa cơm chính là thời điểm họ quay quần bên nhau. Chị Phượng tâm sự, hầu như bữa ăn nào cũng có mặt đủ cả gia đình dù anh Phước làm nghề phụ hồ hay được chủ nhà mời nhậu. Anh Phước quan niệm, bữa cơm là lúc thoải mái nhất để gia đình ngồi nói chuyện, động viên nhau vượt khó, khuyên răn con học hành, cũng là giờ phút hạnh phúc nhất của gia đình, vậy nên, ít khi anh bỏ cơm nhà. “Tui nhớ trận lụt năm 1999, lúc đó nước vào ngập đến cửa sổ, vợ mới sinh nên phải kê cái bàn ăn. Vợ và con ngồi trên cao, tui lội dưới nước. Bữa cơm chỉ có muối rang với đậu phụng, nhưng cả nhà cùng nhau ăn rất ngon”, anh Phước kể. Bao nhiêu năm gìn giữ tổ ẩm, anh rút ra được bài học đơn giản, để hạnh phúc gia đình bền lâu, người đàn ông phải cố gắng nhẹ nhàng, hiểu ý vợ, nhất là không được bê tha cờ bạc, rượu bia. “Nghề thợ hồ hay được chủ nhà mời nhậu, nhưng tôi chỉ lịch sự ngồi với họ một lát rồi tranh thủ về còn lo phân tro ruộng đồng để hôm sau đi làm”, anh Phước trải lòng.
Ông Trần Văn An, Trưởng thôn Nam Phù phấn khởi: “Tui nắm rất kỹ từng gia đình ở đây nên có thể nói gia đình anh Phước hầu như không có khiếm khuyết gì. Đợt ngày Gia đình Việt Nam tới đây, gia đình anh Phước là đại diện duy nhất cho huyện Quảng Điền được cấp tỉnh khen thưởng gia đình văn hóa tiêu biểu. Đó là một gia đình tốt trên nhiều lĩnh vực”. Tham gia câu chuyện, ông Trương Như Hạ, hàng xóm anh Phước vui vẻ: “Nhà chú Phước là số 1, hiếm có một gia đình nào hạnh phúc đến như vậy, tui muốn mà không được!”.
Trong suy nghĩ của đôi vợ chồng, có phước lắm họ mới được là một nửa của nhau. Họ luôn hiểu rằng, để giữ được phước duyên trời cho đó, sự cố gắng, yêu thương, cảm thông cho nhau luôn được vun đắp từ hai phía vợ chồng.
Lê Hữu Phúc
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đồng hành cùng con mùa dịch

Đạp xe đạp, leo núi, trượt patin, ngắm cảnh, cắm trại ngoài trời… đó là cách mà nhiều phụ huynh đang đồng hành với con mình trong những ngày hè. Một mùa hè đúng nghĩa sẽ khó trọn vẹn trong tình hình dịch bệnh nhưng phụ huynh vẫn đang làm hết sức có thể để con cái cảm thấy thoải mái, nhẹ nhõm sau một năm học dài.

Đồng hành cùng con mùa dịch
Vợ chồng làng biển

Bờ biển miền Trung nắng gió là nơi gắn bó mưu sinh của rất nhiều ngư dân. Tuy nhiên, cuộc sống nơi đây đã có nhiều thay đổi bởi những người trẻ ở những làng quê ven biển không còn chọn nghề biển để lập nghiệp nữa.

Vợ chồng làng biển
Gió cháy

Lúc ấy đã quá trưa. Không gian dường như có màu vàng chanh. Trời cao và gắt nắng. Những chuyến xe có vẻ như cũng cố tăng tốc trên mặt đường bỏng rát. Có vẻ như tất cả đều cố dướn mình để vượt qua khoảng thời gian nhọc nhằn của một ngày cuối tháng 6. Không ai có thể uể oải và đó cũng là một cách để vượt qua nắng lũ!

Gió cháy
Phú Vang: Các gia đình hạnh phúc tranh tài

Ngày 27/6, Hội LHPN phối hợp với Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Phú Vang tổ chức Hội thi “Gia đình hạnh phúc”. Đây là hoạt động chào mừng kỷ niệm 18 năm ngày Gia đình Việt Nam 28/6.

Phú Vang Các gia đình hạnh phúc tranh tài
Thương...

Xế chiều, vợ chồng tôi ghé thăm nhà ông. Đường ven sông vắng. Nắng đến nỗi đứng luôn cả gió. Huế đang trong những ngày nóng nhất. Chừng như mọi thứ đều khô kháp đi.

Thương
Return to top