ClockThứ Năm, 25/04/2013 16:37

Vì sao ngân hàng không áp trần lãi suất cho vay?

TTH - Lãi suất tiền gửi tiết kiệm đã giảm về mức 7,5%/năm. Song trên thực tế, lãi suất cho vay đang cao gần gấp đôi lãi suất huy động.
Chênh lệch lãi suất còn khá cao
 
Khảo sát của chúng tôi tại nhiều ngân hàng trên địa bàn, lãi suất cho vay phổ biến đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện khoảng 13-14%/năm, lãi suất cho vay tiêu dùng khoảng 15-16%/năm. Với một số khoản vay, doanh nghiệp có thể được hưởng lãi suất ưu đãi trong khoảng thời gian đầu. Như vậy, lãi suất cho vay đã cao gần gấp đôi so với lãi suất huy động.
 

Giao dịch tại ABbank Huế

 
Chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay còn cao do một số nguyên nhân, trong đó có lý do tăng trưởng tín dụng thấp, nên các ngân hàng phải đẩy lãi suất cho vay cao, để bù đắp lợi nhuận. Số liệu tổng hợp từ Ngân hàng Nhà nước Thừa Thiên Huế đến giữa tháng 4/2013, nguồn vốn huy động tăng 2,5%; trong khi tổng dư nợ giảm 0,4%.
 
Cũng theo Ngân hàng Nhà nước tỉnh, lãi suất cho vay với lĩnh vực ưu tiên giảm mạnh. Song trên thực tế, nhiều doanh nghiệp trong các lĩnh vực này vẫn phải vay vốn với lãi suất cao. Một doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu tiết lộ, doanh nghiệp này vẫn phải đang vay vốn ngân hàng với lãi suất 15%/năm trong năm 2013, dù lĩnh vực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp là lĩnh vực ưu tiên. Trong khi Chính phủ đã yêu cầu các ngân hàng thương mại quốc doanh áp lãi suất cho vay tối đa 11% với lĩnh vực này.
 
Lý giải về mức lãi suất cho vay cao gần gấp đôi so với lãi suất tiết kiệm, lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn Tp Huế cho hay, dù lãi suất huy động đã hạ, nhưng giá vốn huy động bình quân của nhiều ngân hàng vẫn khoảng 10-11%/năm. Do đó, lãi suất cho vay cũng chưa thể hạ được. Lãnh đạo Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc tế (VIB) cho biết, không phải tất cả đối tượng thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên hiện nay đều được ngân hàng cho vay với lãi suất ưu đãi, mà còn tùy thuộc vào “Sức khỏe” của từng DN.
 
Hiện lãi biên được các ngân hàng mặc định khoảng 3-4%, tùy vào đối tượng vay. Tuy nhiên, mức lãi biên này được tính toán trên lãi suất tham chiếu là giá vốn bình quân của ngân hàng, chứ không phải tính trên trần lãi suất huy động hiện hành.
 
Nên áp trần lãi suất cho vay?
 
Việc áp trần lãi suất cho vay lại được các doanh nghiệp và chuyên gia kinh tế đặt ra, bởi mức lãi biên (chênh lệch lãi suất cho vay và huy động của ngân hàng) trên thực tế vẫn khá cao, phổ biến ở mức 4-5%/năm.
Trên thực tế, trần lãi suất cho vay được Ngân hàng Nhà nước áp dụng từ lâu, nhưng chỉ với các lĩnh vực ưu tiên (hiện là 11%/năm). Dù vậy, nhiều doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế đều cho rằng, trần lãi suất này vẫn đứng ở mức cao.
 
TS.Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, trong điều kiện lạm phát có xu hướng tiếp tục giảm như hiện nay, lãi suất huy động nên được hạ xuống 6%-7% và lãi suất cho vay với các lĩnh vực ưu tiên nên ở mức 9%-10%.
 
TS. Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết: Bỏ trần huy động sẽ khiến lãi suất cho vay giảm nhanh, đồng thời giúp các ngân hàng cạnh tranh lành mạnh.
 
Tuy nhiên, việc áp trần lãi suất cho vay không được nhiều ngân hàng thương mại cổ phần ủng hộ. Lãnh đạo Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư & phát triển (BIDV) cho rằng, việc áp trần lãi suất cho vay sẽ đánh đồng rủi ro của các khách hàng với nhau, trong khi nguyên tắc là khách hàng tốt sẽ được hưởng lãi suất cho vay thấp, còn khách hàng rủi ro thì phải chịu lãi suất cao.
 
Quan điểm của Ngân hàng Nhà nước vẫn là, không áp trần lãi suất cho vay với tất cả lĩnh vực, bởi nếu không, dòng vốn sẽ bị chảy về những lĩnh vực không ưu tiên. Tuy nhiên, nếu không áp trần, Ngân hàng Nhà nước sẽ phải có biện pháp quyết liệt hơn để hạ lãi suất cho vay trên thực tế. Điều này, các doanh nghiệp đang mòn mỏi ngóng trông...
Bài và ảnh: Bạch Quang
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bỏ khung giá đất làm lành mạnh hóa thị trường đất đai

Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 với nhiều điểm mới so với Luật Đất đai 2013, trong đó người dân đặc biệt quan tâm đến việc bỏ khung giá đất, xác định giá theo thị trường. Đây được xem là bước đột phá lớn trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, tạo nên thay đổi căn bản về các vấn đề kinh tế trong chính sách pháp luật về đất đai; làm lành mạnh hóa thị trường; hạn chế đầu cơ, tham nhũng về đất đai.

Bỏ khung giá đất làm lành mạnh hóa thị trường đất đai
Tháo gỡ vướng mắc mặt bằng Khu Chung cư Đống Đa

Chiều 25/3, UBND tỉnh tổ chức buổi đối thoại với các hộ dân chưa bàn giao mặt bằng tại Dự án (DA) Cải tạo, xây dựng lại các dãy nhà A,B,C Khu Chung cư Đống Đa (KCCĐĐ) tại Phường Phú Nhuận, TP. Huế. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh chủ trì buổi đối thoại.

Tháo gỡ vướng mắc mặt bằng Khu Chung cư Đống Đa

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top